Hai thế hệ và hai chiếc tàu lặn

17/02/2013 03:05 GMT+7

Với đam mê cháy bỏng, sinh viên Trường đại học Nha Trang (Khánh Hòa) đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công những mô hình tàu lặn độc đáo, đặt nền móng cho việc chế tạo tàu lặn phục vụ du lịch trong tương lai.

Năm 2009, khi còn là sinh viên bộ môn kỹ thuật tàu thủy, anh Đỗ Quang Thắng (hiện là giảng viên khoa Kỹ thuật giao thông của trường) đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, thiết kế mô hình tàu lặn. Anh Thắng cùng 4 sinh viên khác mạnh dạn đề xuất với khoa triển khai đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thử nghiệm mô hình tàu lặn vỏ composite”. Bắt tay vào thực hiện, nhóm gặp không ít khó khăn vì đây là đề tài còn mới mẻ ở Việt Nam. Nhóm phải tự mày mò, tìm hiểu trên mạng, lùng các tài liệu nước ngoài và dịch sang tiếng Việt để có cơ sở lý thuyết triển khai mô hình tàu lặn.

Hai thế hệ và hai chiếc tàu lặn
Các sinh viên khoa Kỹ thuật giao thông bên mô hình tàu lặn hoàn thành - Ảnh: Nguyễn Chung

Nhiều thiết bị, linh kiện phải tìm mua ở Hà Nội, TP.HCM. Các thiết bị như cảm biến áp suất, cảm biến độ nghiêng phải đặt mua ở nước ngoài. Anh Thắng chia sẻ: “Những công đoạn khó, mất nhiều thời gian là nghiên cứu, chế tạo két lặn, cánh lái, động cơ điều khiển, hệ thống năng lượng, xử lý làm kín nước… Khi chế tạo hệ thống điều khiển, do điện không phải là chuyên môn của nhóm nên có những lần đấu nhầm mạch gây cháy thiết bị, phải làm lại”.

Hơn 10 tháng miệt mài, với chi phí hơn 50 triệu đồng, mô hình tàu lặn của nhóm cũng hoàn thành. Khi thử nghiệm, con tàu lặn dài 1,45 m, đường kính thân 0,2 m được điều khiển chạy một vòng quanh mặt nước với vận tốc hơn 22 km/giờ, lặn sâu xuống 5 m, 7 m rồi 10 m nước mà vẫn an toàn. Với kết cấu vỏ bằng composite nên khi tàu lặn xuống sâu không bị rò rỉ nước, các thiết bị điện tử được đảm bảo.

Cùng chung đam mê chế tạo tàu lặn, năm 2012, các sinh viên của khoa Kỹ thuật giao thông tiếp tục bắt tay thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thử nghiệm mô hình tàu lặn phục vụ du lịch biển tại Nha Trang”. Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, nhóm đã thiết kế thành công mô hình tàu lặn với chiều dài 1 m, đường kính 0,2 m, có 2 khoang chính: khoang lặn để bơm nước vào thực hiện cơ chế lặn - nổi và khoang hành khách dành cho 4 người cùng một người lái, một người phục vụ.

Sinh viên Nguyễn Công Luật cho biết: “Trong quá trình thực hiện mô hình, nhóm gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với đam mê của mình không ai chán nản mà càng làm lại càng hăng say. Sau 1 năm nghiên cứu, chế tạo, mô hình tàu lặu của nhóm đã hoàn thiện và thử nghiệm thành công. Mô hình tàu chạy bằng năng lượng điện với vận tốc hơn 20 km/giờ và có thể lặn sâu 5 m”.

PGS-TS Trần Gia Thái, Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông cho biết: “Những ý tưởng chế tạo mô hình tàu lặn của sinh viên rất tuyệt vời. Dù mới chỉ là tàu lặn mô hình nhưng nó thể hiện đầy đủ những nguyên lý hoạt động, thiết kế cơ bản. Trên cơ sở đó, chúng tôi mong trong tương lai sẽ có những mô hình tàu lặn phát triển thành sản phẩm thật phục vụ đất nước”. 

Nguyễn Chung

>> Chế tạo thành công mô hình tàu đệm khí
>> Tàu lặn Trung Quốc chuẩn bị chinh phục độ sâu 7.000 m
>> Trung Quốc sắp thử tàu lặn ở biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.