Làm việc nhóm kiểu châu Á

19/02/2013 06:57 GMT+7

Tôi không tin rằng “làm việc nhóm” phát huy tác dụng với học sinh châu Á. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên làm việc nhóm với ba đồng môn người châu Á ở School of Education, đại học Leeds, để chuẩn bị cho một bài thuyết trình nhóm.

Chúng tôi bầu người lớn tuổi nhất làm nhóm trưởng. Những chuẩn mực xã hội được chấp nhận rộng rãi cho thấy đây là cách duy nhất để bầu nhóm trưởng cho các nhóm nhỏ một cách công bằng. Tất nhiên, chúng tôi hi vọng nhóm trưởng sẽ bảo chúng tôi phải làm gì tiếp theo. Theo một hội thảo về “thuyết trình nhóm”, chúng tôi biết rằng mỗi slide thuyết trình chỉ nên kéo dài 2 phút và chúng tôi chỉ có tổng cộng 15 phút để trình bày. Vì thế, chúng tôi ước lượng khoảng tám slide, bao gồm cả slide tiêu đề và “hỏi và trả lời”. “Hãy phân chia công việc ra”, nhóm trưởng nói, “tám slide chia cho bốn người, vậy mỗi người phụ trách hai slide. Vì mình là nhóm trưởng nên mình sẽ làm trang đầu và trang cuối”. Làm việc nhóm giảm khối lượng công việc cho mỗi người. Đây là bài học đầu tiên mà tôi học được về làm việc nhóm. Tôi đã nghĩ thế này: nếu giáo viên bắt tôi trình bày bài thuyết trình một mình, tôi sẽ phải đọc hết 20 bài báo trong danh sách đọc (danh sách dài một trang A4 và không cách dòng!). Nhưng nếu tôi có bốn bạn cùng làm, tôi sẽ chỉ phải đọc một phần năm số đó và tốn ít thời gian hơn cho việc làm slide.

Xây dựng phương pháp học cùng RMIT

Learning Masters là chuyên mục xuất hiện trên Vietweek, tuần báo tiếng Anh của Thanh Niên, vào đầu tháng. Chuyên mục này mang đến những kiến thức hữu ích về phương pháp học tập.

Chuyên mục này do các chuyên gia thuộc phòng Kỹ năng Học Thuật, Trường Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam, phụ trách

Độc giả có thể đặt câu hỏi và đóng góp ý kiến theo địa chỉ email: learningmatters@thanhniennews.com

Trong nhóm tôi, không ai đọc tất cả các bài báo được yêu cầu. Vấn đề xảy ra ở phần cuối bài thuyết trình của chúng tôi, khi có mấy bạn sinh viên Ả Rập giơ tay đặt câu hỏi. Quả thực, chúng tôi cho thêm slide “Hỏi và trả lời” chỉ vì lịch sự chứ không phải vì muốn khuyến khích các bạn khác trong lớp đặt câu hỏi. Vì thế, chúng tôi cần nhanh chóng quyết định xem đó là trách nhiệm của ai phải trả lời câu hỏi rắc rối đó, bởi vì sự thật là tôi đã không tập trung ngay khi kết thúc hai slide thuộc phần trình bày của mình. Tôi thậm chí chẳng hiểu nổi câu hỏi (hoặc là tôi chọn không lắng nghe câu hỏi). Tôi không mong đợi bất kì câu hỏi nào. Tôi đoán các thành viên khác trong nhóm cũng nghĩ như thế lúc đó, bởi vì chúng tôi nhìn nhau, miệng và mắt mở to kinh ngạc. Cuối cùng, dưới sức ép khủng khiếp đó, nhóm trưởng của chúng tôi đứng dậy và đọc lại thông tin trong một slide mà anh ta đã làm. Tôi không nghĩ là mọi người trong lớp hài lòng với câu trả lời vì họ yêu cầu chúng tôi lấy ví dụ từ kinh nghiệm thực tế của chúng tôi, chứ không phải nhắc lại các định nghĩa mang tính lý thuyết trên slide. Không ai trong nhóm trả lời được vì không ai đọc các bài báo về phần lý thuyết đó cả.

Vậy tôi đã học được gì từ kinh nghiệm làm việc nhóm này?

1. Làm việc nhóm không phải là để giảm khối lượng công việc. Rõ ràng là trong một bữa tiệc ngoài trời, “làm việc nhóm” có nghĩa là mọi người cùng nhau ăn uống và “dọn sạch” số thức ăn, nhưng mỗi người chỉ dùng phần của mình. “Làm việc nhóm” ở trường khác hoàn toàn với trong một bữa tiệc. Thực tế, mỗi thành viên phải làm nhiều việc hơn vì họ cần phải dành nhiều thời gian hơn để chia sẻ, thảo luận và liên lạc với nhau.

2. Làm việc nhóm không chỉ là việc chia công việc ra nhiều phần nhỏ và giao cho mỗi thành viên. Nó còn là việc xây dựng sự hiểu biết chung. Vì thế, hình tượng hóa làm việc nhóm thành một khối công việc theo kiểu dây chuyền chuyên môn hóa như trong một nhà máy sản xuất xe hơi, nơi mà mỗi công nhân chỉ làm một bộ phận nhỏ của chiếc xe, là không phù hợp.

Theo quan sát và kinh nghiệm giảng dạy của tôi tại đại học quốc tế RMIT, một số sinh viên còn chưa nhận thức được việc hoàn thành một dự án (như thuyết trình nhóm, bài luận nhóm, sự kiện ở trường) theo cách hợp tác là như thế nào. Dưới đây là những lời phàn nàn mà tôi và đồng nghiệp thường xuyên nghe thấy từ sinh viên:

1. Thật là không công bằng. Em phải làm rất nhiều, trong khi những bạn khác chẳng làm gì cả. Cuối cùng thì ai cũng bằng điểm nhau.

2. Em rất suốt ruột và lo lắng vì em là người duy nhất đã thực sự viết báo cáo. Thế là quá nhiều với em. Em cần ai đó giúp. Nếu em không làm, thì cả nhóm sẽ rớt môn mất.

3. Em bị rớt bài tập nhóm kì trước, nhưng em nghĩ đó không phải lỗi của mình. Các bạn khác trong nhóm không chịu làm gì cả.

Như bạn có thể thấy, công bằng và điểm luôn là trung tâm của các buổi thảo luận về làm việc nhóm. Điều thú vị là, làm việc nhóm, một công cụ học tập mang tính hợp tác, đầu tiên được giới thiệu như là một công cụ để thúc đẩy quá trình học (chứ không phải là kết quả học), để khuyến khích kĩ năng tư duy phê phán (chứ không phải là học ở cấp độ thấp như  ghi nhớ, thuộc lòng), và để cung cấp cơ hội cho người học thảo luận và chia sẻ kiến thức. Kết luận của tôi:

1. Chỉ đánh giá hiệu quả của nhóm dựa trên kết quả cuối cùng (bất kể thuyết trình nhóm hay bài luận nhóm) là không hợp lý. Cần thu thập và đánh giá các bằng chứng của quá trình làm nhóm như việc hợp tác với nhau, đồng ý/không đồng ý với ý kiến của nhau, tranh luận, thuyết phục giữa các thành viên.

2. Phản hồi từ giáo viên cần chỉ ra những điểm yếu và điểm mạnh trong tổ chức làm việc nhóm.

3. Cần chỉ ra sự khác nhau  giữa “đánh giá việc học” (để thúc đẩy việc học) và “đánh giá quá trình học” (để đánh giá các kĩ năng/khả năng). Làm việc nhóm không thôi chưa đủ để đánh giá sinh viên toàn diện. Sẽ là sai lầm nếu chỉ dùng bài tập nhóm để đánh giá mang tính quyết định khả năng của sinh viên.

Wei Wei
(Phòng Kỹ năng Học thuật, Trường ĐH Quốc tế RMIT Việt Nam)

>> Xem phiên bản tiếng Anh  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.