Quẳng gánh lo tại Sanssouci

15/02/2013 04:00 GMT+7

Lộng lẫy, xa hoa và tráng lệ, quần thể công viên Sanssouci gồm nhiều cung điện, lâu đài... nằm ở thành phố Potsdam, cách thủ đô Berlin (Đức) chỉ khoảng 20 km, được xem là “đối thủ” đáng gờm của cung điện Pháp Versailles.

“Chết cùng Sanssouci”

Đó là nguyện vọng của Đại đế Frederick (Friedrich der Große, 1712-1786) khi ông nói về cung điện Sanssouci của mình. Nổi bật nhất và nằm ngay trung tâm công viên Sanssouci, cung điện mùa hè cùng tên được xây dựng từ năm 1745-1747, thể theo mong muốn của nhà vua là có một chỗ nghỉ ngơi thật sự sau những buổi thiết triều. Ngay cái tên gọi của cung điện đã nói lên điều đó. Sanssouci trong tiếng Pháp có nghĩa là “không lo lắng”. Mà quả thật, khi đến đây, hòa mình vào khung cảnh xung quanh, mọi lo lắng, phiền muộn trong lòng sẽ theo gió bay đi.

 Một góc của cung điện Sanssouci  - Ảnh: Châu Yên
Một góc của cung điện Sanssouci  - Ảnh: Châu Yên

Kiến trúc sư Georg Knobelsdorff đã được chọn để thiết kế cung điện, dựa trên bản phác họa của Frederick. Nằm trên vườn nho bậc thang, một ý tưởng thể hiện sự hòa hợp lãng mạn giữa con người và thiên nhiên trong một cảnh vật có sự sắp đặt của bàn tay con người, cung điện mang đậm nét Rococo. Đây là một kiểu kiến trúc thiên về tông sáng, đặc tả sự thanh thoát, thư thái, lãng mạn. Tuy nhiên, gu thẩm mỹ của Frederick ảnh hưởng quá lớn trong thiết kế và trang trí nên kiến trúc của tòa nhà còn được gọi là kiểu “Frederician Rococo”. Đại đế quá tâm đắc với thiết kế công trình này đến mức ông từng tuyên bố Sanssouci “sẽ theo cùng ông lên thiên đàng”.

Cung điện chỉ có một tầng, gồm các phòng tiếp khách, phòng chơi nhạc, thư viện, phòng ngủ... với các họa tiết trang trí cầu kỳ trên tường, trần nhà, cột nhà. Cách bố trí đồ nội thất, trang trí phòng đều do vua phác thảo và các nghệ sĩ theo đó mà bài trí với tiêu chí ưu tiên cho sự thoải mái, tiện nghi. Phòng Cẩm thạch, tức phòng tiếp khách chính, nằm giữa tòa nhà và trên phòng Cẩm thạch là mái vòm đặc trưng. Từ hai bên hông cung điện hướng về phía bắc là hai hàng cột khổng lồ gồm tổng cộng 88 cột có kiểu kiến trúc Corinthian - tượng trưng cho hai cánh tay nhà vua mở ra ôm lấy đất trời... Tên cung điện được khắc ở phần mái vòm. Tòa nhà chiếm gần như toàn bộ phần đỉnh đồi.

Trở về “cố hương”

Đi hết vườn nho bậc thang nằm dưới cung điện, bạn sẽ lạc vào khu vườn hoa kiểu Baroque được xây dựng vào năm 1745, vốn lấy ý tưởng từ cung điện Versailles (Pháp). Ba năm sau đó, đài phun nước lớn được xây tại trung tâm của khu vườn. Frederick chưa bao giờ chiêm ngưỡng được một màn phun nước nào do các kỹ sư kiến tạo công trình này không hiểu biết về thủy lực học. Từ năm 1750, nhiều bức tượng đá cẩm thạch được đặt xung quanh đài phun nước. Đây cũng được cho là sao chép từ Versailles với các tượng thần Vệ nữ, thần Apollo, nữ thần Diana, Minerva... cùng những biểu tượng cho lửa, nước, không khí và trái đất. Đại đế thường ở đây vào mùa hè nhưng sau khi ông qua đời vào năm 1786, cung điện bị lãng quên cho mãi đến giữa thế kỷ 19.

Sau Thế chiến thứ hai, cung điện Sanssouci trở thành điểm thu hút du khách ở Đông Đức. Và sau khi nước Đức thống nhất vào năm 1990, ước nguyện cuối cùng của Frederick mới trở thành hiện thực: thi thể của ông được đưa về cung điện và chôn cất trong một ngôi mộ nhìn ra khu vườn. Ngôi mộ được xây giản đơn đến mức không ngờ. Điều này thể theo di chúc của vua: một ngôi mộ không phô trương và được đặt cạnh mộ mấy con chó cưng của ông.

Công viên Sanssouci

Sau khi hoàn thành cung điện Sanssouci và vườn nho bậc thang, Frederick để ý đến cảnh quan của vùng phụ cận và từ đó bắt đầu xây dựng công viên Sanssouci. Đi hết khu vườn hoa kiểu Baroque, bạn sẽ bước vào công viên này với con đường chính dài 2,5 km và hơn 3.000 cây ăn quả cùng với hệ thống nhà kính, vườn ươm trải dài với cam, dưa hấu, đào và chuối. Công viên Sanssouci được mở rộng hơn dưới thời vua Frederick William III và sau đó là Frederick William IV, người đã cho xây thêm cung điện Charlottenhof từ năm 1826-1829. Sanssouci được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1990.

Châu Yên

>> Dân Trung Quốc tẩy chay du lịch Nhật dịp Tết Quý Tỵ
>> Phát động chương trình du lịch có trách nhiệm
>> Thái Lan quảng bá du lịch Việt Nam
>> Khởi động chương trình Du lịch có trách nhiệm với môi trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.