Dựng nêu đón tết

11/02/2013 15:22 GMT+7

(TNO) Cuối năm âm lịch, bọn trẻ con đòi dựng cây nêu đón tết ở nhà thờ ông bà, khiến tôi xúc động và lo lắng. Muốn làm, phải "trang bị lại" kiến thức đã phai mờ về cây nêu. Rồi cây nêu thời hiện đại trên đất nước mình nữa! Chúng có ý nghĩa gì? Cần phải biết để vừa làm vừa giảng giải thêm cho mấy cháu…

(TNO) Cuối năm âm lịch, bọn trẻ con đòi dựng cây nêu đón tết ở nhà thờ ông bà, khiến tôi xúc động và lo lắng. Muốn làm, phải "trang bị lại" kiến thức đã phai mờ về cây nêu. Rồi cây nêu thời hiện đại trên đất nước mình nữa! Chúng có ý nghĩa gì? Cần phải biết để vừa làm vừa giảng giải thêm cho mấy cháu…

Lại nhớ hồi nhỏ ở quê, ấn tượng của tôi về ngày tết cổ truyền là cây nêu dựng ở đình làng. Cây tre thẳng và cao vút treo cờ phướn và cái giỏ tre đựng trầu cau, giấy vàng bạc, câu đối dựng trước sân đình. Ở xa cả cây số vẫn thấy cây nêu làng sừng sững...

Lớn lên, đọc chuyện cổ của Nguyễn Đổng Chi, mới biết tục trồng nêu là để ngăn trừ quỷ chiếm đất nước  của con người. Con người chỉ làm thuê và nộp sản vật cho quỷ. Người phải cầu cứu đức Phật giúp đỡ. Phật bảo con người đừng trồng lúa mà trồng khoai lang nên quỷ chỉ hưởng lá và dây khoai theo phương thức "ăn ngọn cho gốc".

Sang mùa sau quỷ lại chuyển qua phương thức "ăn gốc cho ngọn". Phật lại dạy người trồng lúa, quỷ lại hỏng ăn nên tuyên bố "ăn cả gốc lẫn ngọn". Phật bèn cho người giống cây bắp (ngô) để gieo trồng. Quỷ ăn cả “gốc lẫn ngọn” nên người được tất cả trái bắp mang về làm lương thực. Tức tối, quỷ lấy lại đất đai không cho người canh tác nữa…

Từ đó, hằng năm vào dịp tết là những ngày quỷ từ biển vào thăm đất liền thì người ta trồng cây nêu để quỷ không bén mảng đến chỗ người cư ngụ. Trên nêu có treo khánh đất, chuông gió để bọn quỷ tránh đi. Ngọn cây nêu còn buộc một bó lá dứa hoặc cành đa cho quỷ sợ. Người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào trong những ngày tết để cấm cửa loài quỷ…

Cây nêu ở Hội An
Cây nêu ở Hội An

Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng chạp âm lịch là ngày Táo quân về trời. Truyền thuyết cho rằng từ ngày này ma quỷ thường nhân cơ hội về quấy nhiễu. Từ lễ dựng nêu cho đến ngày hạ nêu vào ngày mùng 7 tháng giêng. Lễ thượng nêu phải có bàn cúng trang nghiêm để cầu mưa thuận gió hòa, tổ tiên độ trì cho con cháu…

Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng phục dựng cây nêu giữa bầu trời là để cầu may mắn, bỏ qua những điều muộn phiền, những hơn thua tranh giành trong cuộc sống và hòa lòng cùng thiên nhiên đất trời. Cây nêu ngày tết vì vậy mang ý nghĩa “tống cựu nghinh tân” .

Với ý nghĩa đó, cây nêu là một thân cây tre thẳng, còn nguyên ngọn, gốc rễ được dựng ở khoảng đất trống; dưới ngọn tre được buộc một dải vải điều có ghi những lời cầu nguyện hoặc lời chúc năm mới theo kiểu câu đối. Một cái giỏ tre đựng cau trầu rượu và các phẩm vật khác theo phong tục từng vùng miền. Cây tre biểu tượng cho sức mạnh và tâm hồn Việt Nam, vững vàng trong mưa gió, giông bão…

Ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), gắn liền với lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo, từ lâu cây nêu truyền thống vẫn được thực hiện vào đêm đưa ông Táo về trời. Nửa đêm 23 tháng chạp, tại m Linh Tự là nơi thờ phụng các bậc tiền nhân anh dũng hi sinh khi tự nguyện gia nhập đội hùng binh Hoàng Sa dong thuyền vươn ra cắm mốc và bảo vệ chủ quyền từ trong lịch sử hàng trăm năm trước, người dân tụ tập đông đúc để chuẩn bị lễ cúng dựng nêu truyền thống ngày tết. Đến gần sáng cây nêu được dựng lên trước sân m Linh Tự.

Cây nêu đảo Lý Sơn có biểu tượng con chim công, theo tín ngưỡng dân gian miền biển là để đuổi yêu trừ ma quỷ: “Nghinh xuân - mộc điểu - thượng kỳ”: mừng xuân thì dựng cây nêu và một lá cờ Tổ quốc cùng một lá cờ hội lớn. “Tết nào cũng làm nghi thức này. Không biết tục dựng nêu ngày tết này có từ bao giờ nhưng chỉ biết đã tồn tại trên đất đảo từ rất lâu và sẽ mãi mãi không mất đi”, nhiều bậc lão ngư Lý Sơn hãnh diện kể lại.

Một người bạn tôi ở Quảng Ngãi giải thích thêm: “Biểu tượng con chim công được treo trên thân cây nêu với hy vọng xua đi những gì kém may mắn để cầu mong một năm mới an cư lạc nghiệp, gọi là nhất điểu…”.

Tại đô thị cổ Hội An (Quảng Nam), cây nêu ngày tết năm nào cũng có. Có năm là một hội thi hào hứng để thu hút du khách và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Năm Quý Tỵ 2013, lại có hẳn một ban tổ chức “Phục dựng cây nêu ngày tết kết hợp nghệ thuật sắp đặt lồng đèn” do Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản chủ trì và hướng dẫn các nội dung, thời gian hoạt động.

Ông Trương Văn Bay, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết thời gian dựng nêu từ 29 tháng chạp đến mùng 7 tháng giêng tại gần 50 địa điểm là các di tích, đình, miếu, nhà thờ tộc, cơ quan, đơn vị.

Theo hướng dẫn của Ban tổ chức, "Trên cây nêu có cờ hội vuông cỡ lớn (loại cờ ngũ hành, giữa lòng màu đỏ hoặc vàng, diềm ngoài không phải màu đen hoặc màu tím sậm) được treo bên dưới chùm lá tre, cán cờ treo xéo với thân tre và được buộc giằng chắc chắn. Cờ hội hình vuông cạnh 1,15 mét hoặc 1,3 mét. Treo cùng với cờ hội là lá phướn, ngày xưa phướn được làm bằng giấy, bên trên viết tên các vị thần chủ quản trong năm được thiên đình phái xuống như Hành Khiến, Hành Binh, Thái Tuế... Ngày nay, lá phướn có thể được thay thế bằng vải màu đỏ có nội dung mang ý nghĩa tốt đẹp, mừng năm mới. Ban tổ chức khuyến khích sử dụng các câu chữ theo kiểu truyền thống trên lá phướn…”.

Trên cây nêu Hội An còn có một tấm vỉ hình ô vuông được đan bằng nan tre gồm 4 nan dọc và 5 nan ngang biểu tượng cho “tứ tung ngũ hành”...

Tôi cùng mấy chú em lội khắp xóm, ra tận bờ sông tìm cho được cây tre thẳng, còn nguyên ngọn. Cây tre ấy phải ở bìa ngoài của bụi tre để dễ đào được nguyên cả gốc, rễ mới tươi được lâu sau khi trồng xuống đất.

Lại ra phố tìm mua cờ hội, câu đối tết. Tôi lại một mình xuống Hội An mới tìm được lá cờ hội cho mục đích dựng nêu, nhờ một anh bạn may tặng… Trầu cau đã có sẵn trong vườn… Công sức mấy ngày mới có đủ “vật phẩm trang hoàng cho cây nêu thì đã qua khỏi ngày đưa ông Táo. Chú em họ bảo, không sao, ta dựng nêu vào ngày cúng rước ông bà cũng được!


Cây nêu mới ở nhà tôi 

Vậy là trước nhà thờ tổ tiên tôi năm nay đã có cây nêu đón chào năm mới. Bọn trẻ con thích thú ra mặt khi nghe giải thích ý nghĩa cây nêu. Nhưng thích nhất có lẽ là tiếng sáo trúc vang vọng trong không gian khi có cơn gió thổi qua.

Tôi làm kiểu “sáo” này bằng cách cắt quả bầu hồ lô đã khô, khoan lỗ bên dưới và kết vào đó năm ống trúc ngắn dài khác nhau. Các ống trúc tòng teng dưới quả bầu va vào nhau khi có gió, tạo ra âm thanh rất lạ, dìu dặt…

Bọn thanh niên năm nữ ngày mồng một tết đi ngang qua, nghe tiếng ống trúc vang đã dừng lại, ngước nhìn, gật đầu tán thưởng. Trong số đó, có đứa cháu làm việc ở khu công nghiệp Dung Quất, Quảng Ngãi về quê ăn tết, bảo: Chú dựng nêu để bảo vệ biển đảo à? Sao vậy? tôi hỏi. Đứa cháu nói: Ngày xưa, ông Táo về trời, bọn quỷ ngoài biển hay lợi dụng vào đất liền cướp phá. Bây giờ có cái "lưỡi bò" đang đe dọa lãnh thổ của mình đó chú!

Tôi giật mình sau câu nói của đứa cháu họ. Thì ra, với cháu tôi, cây nêu ngày tết còn gợi lại một câu chuyện thời sự quan trọng. Và tôi yêu tuổi trẻ từ cây nêu mới dựng.

Bài, ảnh: Trương Điện Thắng

>> Cây nêu ngày tết, có nên phục hồi?
>> Tái hiện lễ dựng nêu trong chốn cung đình xưa
>> Câu đối, đồ trang trí Tết đỏ rực các tuyến phố
>> Bánh tét kỷ lục dài 38m
>> Tết Việt buôn bán phát tài của chàng trai Hàn Quốc
>> Tết đến, Trung Quốc đưa tàu hải giám tuần tra biển Đông
>> Sao Việt "bở hơi tai" chạy sô mùa tết
>> Ngày mùng 1 Tết đi lễ chùa làng
>> Ông Tây hát nhạc Trịnh" kể chuyện ăn tết Việt
>> Tư vấn tuyển sinh sáng... mùng 1 Tết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.