Vì sao mang tên Việt

09/02/2013 05:15 GMT+7

(TN Xuân) Giáo sư Lưu Lệ Hằng không chỉ ghi dấu bằng những giải thưởng cao quý mà họ của bà còn được đặt tên cho một thiên thạch.

Người phụ nữ nhỏ nhắn này đang theo đuổi một hành trình không mệt mỏi để khám phá vũ trụ bao la. Khoảng 20 năm trước, Giáo sư David C.Jewitt từng đánh giá về cộng sự Lưu Lệ Hằng như sau: “Siêu sao là một mỹ từ xứng đáng để miêu tả bà ấy. Bà ấy đang xây dựng nên những cầu nối trong một lĩnh vực hiện cần khai phá”.

Sinh năm 1963 tại Việt Nam, bà đến Mỹ vào năm 1975 và trưởng thành tại đây. Theo thông tin từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), bà Lưu Lệ Hằng nhận bằng cử nhân vật lý Đại học Stanford năm 1984 rồi chuyển sang nghiên cứu trong ngành thiên văn học. Chia sẻ với Thanh Niên, bà cho biết: “Thực sự, tôi đến với ngành thiên văn học một cách tình cờ. Tôi không hề theo ngành này thời đại học. Sau khi tốt nghiệp Đại học Stanford, tôi làm việc ở Phòng Thí nghiệm Jet Propulsion. Tại đây, tôi khám phá ra rằng các bức ảnh chụp Hệ Mặt trời rất thú vị. Điều này thôi thúc tôi theo đuổi ngành thiên văn học”.

Vì sao mang tên Việt
Giáo sư Lưu Lệ Hằng - Ảnh: Kavliprize.no

Khám phá Hệ Mặt trời

Giáo sư Lưu Lệ Hằng chẳng quyết định sai khi chuyển sang nghiên cứu thiên văn học. Bằng chứng là bà đạt nhiều thành tựu trong hành trình khám phá Hệ Mặt trời từ năm 1987.

Bà kể: “Năm 1987, tôi cùng đồng nghiệp Dave Jewitt đề ra mục tiêu cần khám phá xem Hệ Mặt trời có thực sự giống như những gì người ta biết lâu nay. Phần bên trong hệ đã được thể hiện khá đầy đủ, gồm trái đất cùng những hành tinh xung quanh và một số tiểu hành tinh... Thế nhưng, trong thời điểm ấy, vượt ra ngoài sao Mộc có một số hành tinh khổng lồ cùng với vệ tinh của chúng, sao Diêm Vương (vào năm 2005 đã bị “giáng chức” xuống thành tiểu hành tinh 134340 Pluto) đầy kỳ quặc và một số đối tượng với quỹ đạo kỳ lạ mà người ta chưa rõ nguồn gốc. Bên ngoài Hệ Mặt trời thực sự trống rỗng hay có các đối tượng mà người ta chưa thể nhìn thấy? Đây là câu hỏi mà chúng tôi muốn khám phá.

Vì thế, chúng tôi bắt đầu khảo sát bằng kính thiên văn để tìm kiếm những đối tượng Hệ Mặt trời mà tối thiểu xa như sao Thổ. Đến năm 1992, sau 5 năm tìm kiếm, chúng tôi phát hiện ra một số lượng lớn các vật thể nhỏ quay quanh Hệ Mặt trời và nằm ngoài sao Hải Vương. Nhóm vật thể này giờ đây có tên là vành đai Kuiper. Đây là một vành đai gồm nhiều vật thể băng đá bên ngoài sao Hải Vương. Chúng là những gì còn sót lại trong giai đoạn hình thành Hệ Mặt trời. Vì cách khá xa mặt trời nên các đối tượng này chưa đủ thời gian để phát triển quá lớn. Đến nay, trong số này, đối tượng lớn nhất được biết đến có kích thước ngang ngửa sao Diêm Vương, tức đường kính khoảng 2.000 km. Vành đai Kuiper đóng vai trò quan trọng (đối với ngành thiên văn học - NV) vì đây là khu vực nguyên thủy nhất được biết đến trong Hệ Mặt trời và mang theo thông tin về quá trình hình thành Hệ Mặt trời”.

Thế là bà đã mở ra một bước ngoặt của ngành thiên văn học. Trước khi đạt thành tựu này, bà được Hiệp hội Thiên văn học Mỹ trao giải thưởng vào năm 1991. Một năm sau, bà nhận học bổng Hubble của Đại học California ở Berkeley. Cũng trong năm 1992, bà nhận học vị tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts danh tiếng. Họ của bà được đặt cho một tiểu hành tinh 5430 Luu cũng vì công khám phá vành đai Kuiper. Từ năm 1994, bà đảm nhiệm vai trò giáo sư tại Đại học Harvard rồi giảng dạy tại Đại học Leiden ở Hà Lan. Sau đó, bà quay về Mỹ và hiện giữ vị trí nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Lincoln của MIT.

Vì sao mang tên Việt
Giáo sư Lưu Lệ Hằng (giữa) nhận giải Kavli hồi tháng 9.2012 - Ảnh: Kavliprize.no

Thế giới vinh danh

Với những đóng góp to lớn, hồi tháng 9.2012, Giáo sư Lưu Lệ Hằng nhận giải Kavli vốn được đánh giá như giải Nobel của lĩnh vực thiên văn học. Ra đời vào năm 2005, giải Kavli được trao hai năm một lần với sự phối hợp giữa Học viện Khoa học và Văn chương Na Uy, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu nước này cùng Quỹ Kavli. Giải thưởng nhằm vinh danh những nhà khoa học có các đóng góp xuất sắc trong 3 lĩnh vực: vật lý thiên văn, công nghệ nano và khoa học thần kinh. Phần thưởng dành cho mỗi lĩnh vực là 1 triệu USD và một huy chương vàng lưu niệm. Cũng trong năm 2012, bà Lưu Lệ Hằng còn nhận giải thưởng Shaw, do ông Thiệu Dật Phu, cha đẻ Đài truyền hình TVB tại Hồng Kông, sáng lập hồi năm 2004. Giải thưởng Shaw được trao mỗi năm cho những cá nhân đạt thành tựu xuất sắc trong 3 lĩnh vực: sinh học, y học và thiên văn học. Phần thưởng bằng tiền của giải Shaw dành cho mỗi lĩnh vực cũng lên đến 1 triệu USD.

Chia sẻ với Thanh Niên, Giáo sư Lưu Lệ Hằng cho biết: “Ngày 29.5.2012, tôi và Dave nhận thông báo được trao giải Shaw trong ngành thiên văn học. Hai ngày sau đó, chúng tôi lại nhận thông báo được nhận giải Kavli của ngành vật lý học thiên thể. Chúng tôi gần như bị sốc vì chưa bao giờ nhận được những giải thưởng cao quý như thế. Chúng tôi đến Olso, Na Uy, vào đầu tháng 9 để dự lễ trao giải Kavli. Đích thân vua Na Uy đã trao giải cho chúng tôi. Hai tuần sau đó, chúng tôi đến Hồng Kông dự lễ trao giải Shaw. Quả thực, cả hai sự kiện này đều quá tuyệt vời mà tôi chưa từng có được”.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.