Công bố nhân sự Ban chỉ đạo T.Ư phòng, chống tham nhũng

04/02/2013 16:56 GMT+7

(TNO) Bộ Chính trị vừa có quyết định số 162 thành lập Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống tham nhũng (gọi tắt BCĐ). Theo đó, BCĐ trực thuộc Bộ Chính trị gồm có 16 thành viên do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.

(TNO) Bộ Chính trị vừa có quyết định số 162 thành lập Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống tham nhũng (gọi tắt BCĐ). Theo đó, BCĐ trực thuộc Bộ Chính trị gồm có 16 thành viên do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.

>> Bộ Xây dựng ra Chỉ thị về phòng, chống tham nhũng
>> Phải nghiêm khắc với tội phạm tham nhũng
>> Chống tham nhũng “chỉ mới bắt được mèo con”
>> Ông Nguyễn Bá Thanh điểm mặt tham nhũng trong xây dựng
>> Tổng bí thư đứng đầu Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống tham nhũng
>> Ông Nguyễn Bá Thanh giữ chức Trưởng ban Nội chính T.Ư

Năm phó trưởng ban gồm có: Thường trực Ban Bí thư T.Ư Lê Hồng Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Ngô Văn Dụ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Bá Thanh. 

Các thành viên còn lại của BCĐ gồm có: Trưởng ban Tổ chức T.Ư Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đinh Thế Huynh, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, Bí thư T.Ư Đảng - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Ngô Xuân Lịch, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQVN Vũ Trọng Kim, và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện. 

Theo quyết định này, BCĐ có 7 thành viên là Ủy viên Bộ Chính trị. 

9 nhiệm vụ của BCĐ 

Theo quyết định của Bộ Chính trị, BCĐ chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước, được giao 9 nhóm nhiệm vụ. 

Thứ nhất, tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, pháp luật, giải pháp phòng, chống tham nhũng. 

Thứ hai, thảo luận, quyết định các nội dung công tác trọng tâm, chương trình làm việc hàng năm và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. 

Thứ ba, chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa phối hợp các cấp ủy, tổ chức đảng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai các nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. 

Thứ tư, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc T.Ư thông qua hoạt động thuộc phạm vi trách nhiệm của mình làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng; những sơ hở, bất hợp lý về cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền đưa ra biện pháp ngăn ngừa, khắc phục.

Thứ năm, chỉ đạo các cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc T.Ư phối hợp kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra trong phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo đôn đốc điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. 

Thứ sáu, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc T.Ư và cấp ủy viên, đảng viên có thẩm quyền trong xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng và xử lý các thông tin về vụ, việc tham nhũng do các cá nhân, tổ chức phát hiện, cung cấp. 

Thứ bảy, chỉ đạo định hướng thông tin tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo xử lý vi phạm quy định về quản lý, cung cấp thông tin và những hành vi lợi dụng việc tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ. 

Thứ tám, chỉ đạo Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Viện KSND tối cao, Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước, Đảng ủy Công an T.Ư, Quân ủy T.Ư và các cơ quan có liên quan báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng; việc xử lý những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. 

Thứ chín, tổ chức sơ kết, tổng kết và định kỳ hoặc đột xuất báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BCĐ.  

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.