10 năm vẫn chưa xong đại học

04/02/2013 03:31 GMT+7

Đó là thực trạng sinh viên thuộc diện thí sinh cử tuyển đầu vào ở một số trường ĐH, CĐ, học mãi vẫn chưa được ra trường...

Mãi chưa thể tốt nghiệp

 

Với những ngành đặc thù như: y dược và sư phạm, sinh viên diện cử tuyển cũng nên qua thi tuyển để đạt một trình độ nào đó, thấp nhất phải bằng điểm sàn để có thể đeo đuổi việc học tập

Tiến sĩ NGUYỄN TIẾN DŨNG -
Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

Phát biểu trong hội nghị thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT vào tháng 1 vừa qua, tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tây Nguyên, nói: “Hầu hết thí sinh (học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa) diện cử tuyển chủ yếu đều vào ngành y, trong khi các ngành kỹ thuật công nghệ rất thiếu thì không vào. Nhưng vấn đề đáng nói là ngành y học rất căng, học lực yếu quá sẽ khó khăn trong việc học và ra trường”.

Tương tự, năm 2012 Trường ĐH Tài chính - Marketing có 12 chỉ tiêu diện cử tuyển, các thí sinh này đều vào ngành tài chính ngân hàng và quản trị kinh doanh - ngành có điểm chuẩn cao nhất trường (17 - 19 điểm). Các năm qua, thí sinh cử tuyển vào Trường ĐH Y - Dược TP.HCM hầu hết cũng vào ngành bác sĩ đa khoa. “Với ngành mà điểm trúng tuyển gần 9 điểm/môn này thì nhiều sinh viên cử tuyển không theo nổi, có không ít thí sinh học mãi giờ vẫn chưa tốt nghiệp”, Phó giáo sư - tiến sĩ Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết. 

Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM không quá 50%, sinh viên diện cử tuyển có thể tốt nghiệp, về sau trường chuyển sang hệ vừa làm vừa học để giải quyết đầu ra. Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng: “Thí sinh cử tuyển được ưu tiên không phải qua kỳ thi tuyển sinh chung của Bộ nên không thể kiểm soát đầu vào. Tuy nhiên các trường đều phải đảm bảo chất lượng nên siết chặt đầu ra”. Ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho biết: “Trung bình mỗi năm trường có trên dưới 20 chỉ tiêu cử tuyển. Sau khi học dự bị 1 năm tại Trường dự bị ĐH TP.HCM, trường mở lớp đào tạo riêng, kể cả thi cử cũng tổ chức riêng. Dù được ưu ái hơn trong quá trình đào tạo nhưng tỷ lệ sinh viên diện này tốt nghiệp đúng tiến độ chỉ khoảng 50%, và hầu hết chỉ xếp loại trung bình và trung bình khá. Thậm chí có những sinh viên đến nay năm thứ 10 vẫn chưa thể tốt nghiệp vì còn nợ môn”.

10 năm vẫn chưa xong đại học
Học sinh người dân tộc tỉnh Bình Phước tham gia chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên vào cuối tháng 1 vừa qua - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Không dễ được tuyển thẳng

Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, từ năm 2012 Bộ GD-ĐT đưa ra quy định mới về xét tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ thí sinh người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ tại 62 huyện nghèo trong cả nước. Theo đó, hiệu trưởng các trường được giao quyền chủ động trong việc đưa ra các tiêu chí xét tuyển. Tuy nhiên sau một năm triển khai rất ít thí sinh diện này được tuyển thẳng vào các trường.

 

Các chế độ ưu tiên

Nghị định số 134 năm 2006 của Chính phủ về Quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ ĐH, CĐ, TC thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ghi rõ: Cử tuyển là việc tuyển sinh không qua thi tuyển vào ĐH, CĐ, TC để đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ ĐH, CĐ, TC. Người theo học diện này được cấp kinh phí đào tạo và học bổng, không phải qua thi tuyển và được phân công công tác sau khi tốt nghiệp.

Điều 33 Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 ghi rõ: Đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số, có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại 62 huyện nghèo, nếu học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp THPT tại các huyện này, thì hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học.

Chẳng hạn, Trường ĐH Tài chính - Marketing chỉ có 2 thí sinh, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM có 3, Trường ĐH Tây Nguyên dưới 10… Nguyên nhân do tiêu chí tuyển thẳng đặt ra quá cao so với trình độ của các thí sinh ở diện này. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM quy định thí sinh được xét tuyển thẳng phải có học lực từ khá trở lên. Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM quy định thí sinh các huyện nghèo phải có điểm thi tốt nghiệp THPT loại khá trở lên và các môn toán, lý, hóa trong 3 năm THPT phải đạt từ 7 điểm trở lên.

Một số trường thậm chí còn giới hạn chỉ tiêu xét tuyển thẳng với đối tượng này. Chẳng hạn, Trường ĐH Kinh tế quốc dân chỉ xét tuyển thẳng mỗi huyện không quá 1 chỉ tiêu. Bên cạnh đó, mỗi thí sinh xét tuyển vào phải có học lực 3 năm THPT đạt loại khá trở lên, các môn học tương ứng với 3 môn thi vào trường phải đạt 7 điểm trở lên và phải có hạnh kiểm tốt. Trường ĐH Ngoại thương chỉ xét tuyển không quá 1% tổng chỉ tiêu toàn trường. Đặc biệt, những thí sinh này phải xếp loại học lực các năm THPT và tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi…

Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết: “Năm ngoái trường không hạn chế xét tuyển đối tượng này. Nếu năm nay hồ sơ xin xét tuyển nhiều hơn trường sẽ đưa ra những quy định ràng buộc để không ảnh hưởng tới chỉ tiêu chung của trường”. Còn thạc sĩ Nguyễn Văn Đương giải thích: “Thực ra, học sinh người dân tộc thiểu số và học sinh nghèo khó có điều kiện để học giỏi. Nếu học giỏi thì đã có khả năng thi đậu mà không cần ưu tiên. Do vậy, việc các trường đưa ra những tiêu chí học lực khá, giỏi thì gây khó cho thí sinh nhưng nếu cứ xét trúng tuyển các thí sinh yếu kém vào những trường ĐH lớn thì rất khó cho trường trong khâu đào tạo. Cần phải có một cách nào đó để giải quyết mâu thuẫn của vấn đề này để chính sách ưu tiên thực sự hiệu quả”.

Chính sách cần phù hợp

Cho rằng những sinh viên này học khá yếu nên ông Đương đề xuất: “Nên chăng với các ngành như: y dược, kiến trúc, sư phạm... không nên đào tạo cử tuyển ở bậc ĐH”. Thạc sĩ Tuấn đồng tình: “Cử tuyển không nhất thiết phải học bậc ĐH hệ chính quy mà có thể ở bậc học thấp hơn hoặc hệ vừa làm vừa học để phù hợp với năng lực các em mà vẫn đảm bảo chính sách ưu tiên”.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thông tin: “Với diện cử tuyển, trường chỉ đào tạo theo chỉ tiêu Bộ giao và danh sách thí sinh do tỉnh gửi lên. Sau khi đào tạo thì được đưa về địa phương nên hiệu quả sử dụng ra sao thì chưa biết nhưng trước mắt hiệu quả đào tạo là không nhiều. Bởi lẽ, sinh viên học quá yếu, thời gian học kéo dài, địa phương phải trả nhiều tiền”. Tiến sĩ Dũng cũng đề xuất: “Với những ngành đặc thù như: y dược và sư phạm, sinh viên diện này cũng nên qua thi tuyển để đạt một trình độ nào đó, thấp nhất phải bằng điểm sàn để có thể đeo đuổi việc học tập”.

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.