Lão nghệ nhân làng mộc

01/02/2013 10:08 GMT+7

Ở xứ cù lao Chợ Mới (An Giang) có một lão nghệ nhân được xem là “bóng cả” của làng mộc Chợ Thủ trăm năm tuổi.

Lão nghệ nhân làng mộc
Lão Tư Chia chỉ bức chạm khắc trong nhà do tự tay ông chế tác.

Lão nghệ nhân làng mộc
Con cháu lão Tư Chia ai cũng thạo nghề chạm khắc

Hơn 60 gắn bó với nghề

Dù đã bước sang “cửu tuần”, nhưng lão ông Trần Văn Lai (thường gọi là Tư Chia, 90 tuổi, ngụ xã Long Điền A, H.Chợ Mới, An Giang) còn rất khỏe. Những ngày cận tết này, công việc của lão vẫn tất bật. Lâu lâu, lão đi tới đi lui ngoài sân trước, tỉ mẩn chỉ cho con cháu cùng các thanh niên trai tráng trong làng chế tác những tác phẩm gỗ thật đẹp để kịp giao cho khách ăn tết. Những hoa văn, đường nét tinh xảo được con cháu lão Tư Chia chạm khắc rất điêu luyện. 

Tính đến nay, lão Tư Chia gắn bó với nghề chạm trổ đã hơn 60 năm và truyền nghề cho hàng trăm đệ tử. Hầu hết, họ đều rất thạo nghề, thậm chí có nhiều người còn sang Campuchia thành lập cơ sở, nhận làm gia công ăn theo sản phẩm. Ngoài ra, lão Tư Chia còn truyền nghề này lại cho người con trai và 2 người con gái. Những người con của ông hiện đã trở thành những ông, bà chủ của các cơ sở chạm trổ gia công đang ăn nên làm ra. Khi nghe chúng tôi thắc mắc chuyện ông truyền nghề chạm khắc gỗ cho những “má hồng”, lão Tư Chia cười móm mém: “Hồi đó, 2 đứa con gái của tôi tay nghề khéo lắm. Chắc có “máu nghề” nên những chế tác của tụi nó tinh xảo hơn hẳn tụi con trai trong làng”. Trong suốt quá trình gắn bó với nghề, lão Tư Chia thực hiện không biết bao nhiêu chế tác để đời, nhưng lão tâm đắc nhất là các chế tác chạm trổ Long Đình tại chùa Tam Bửu (H.Tri Tôn), những hoa văn tại đền thờ Bác Tôn (xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên) và chạm 14 bộ bao lam ở ngôi chùa cổ Giác Lâm (TP.HCM)…

Mỗi lần con cháu trong gia đình nhận sản phẩm làm gia công, gặp những chế tác khó, lão Tư Chia lại đứng ra thiết kế bản vẽ để mọi người căn cứ vào đó mà làm theo. Nhờ tiếng tăm của nghề mộc Chợ Thủ vang xa, nên lão Tư Chia còn được các nhà sư ở TP.HCM mời về chạm trổ những tác phẩm lớn trong các ngôi chùa. “Nay lớn tuổi, sức khỏe đã về chiều nên tôi không dám nhận đơn đặt hàng của người ta mà chỉ tập trung thiết kế bản vẽ, rồi giao lại cho con cháu làm. Nghề này hiện nay làm đắt khách lắm, nhất là vào những ngày giáp tết, không ai dám nghỉ tay. Thấy nghề mộc được thịnh hành mà mừng cho sắp nhỏ”, lão Tư Chia chậm rãi.

Bền bỉ theo thời gian

Lão Tư Chia kể rằng làng nghề chạm trổ xứ cù lao Chợ Mới có cách đây hơn 100 năm. Hồi đó, nhắc đến nghề mộc Chợ Thủ, ai cũng biết tiếng tăm. Năm 18 tuổi, ông đã theo các bậc tiền nhân để học hỏi nghề chạm trổ và phải trải qua nhiều năm ròng khổ luyện mới chạm được thành thạo. Sau ngày hòa bình (1975), khi chùa chiền, am miếu được Nhà nước cho trùng tu, xây dựng thì nghề chạm trổ mới thịnh hành và phát triển mạnh cho đến bây giờ. “Lúc đó, các trụ trì chùa, đình có nhu cầu sửa sang lại nơi thờ tự cho khang trang, nên những khung cửa tủ thờ, bức hoành phi, câu đối, chân lư quăng được họ cho làm mới lại toàn bộ. Do vậy, thợ chạm trổ phải làm ngày, làm đêm, không kịp nghỉ tay”, lão nói.

Những năm gần đây, các đại gia có xu hướng xây cất nhà kết hợp kiến trúc Đông - Tây; đặc biệt là khi xây dựng những ngôi biệt thự, người ta thường sử dụng cửa gỗ, tủ gỗ, lư quăng, thậm chí lan can cầu cũng phải làm bằng gỗ, do đó nghề mộc chạm trổ phát triển rất mạnh. Theo lão Tư Chia, các loại gỗ dùng chạm khắc thường là gỗ quý, gồm: cẩm lai, giáng hương, căm xe… Thường, các tác phẩm được lão Tư Chia chạm trổ chủ yếu là tứ quý (mai, lan, cúc, trúc), tứ linh (long, lân, quy, phụng), rồng phượng, quy hạc, trúc mai, tùng lộc, quả lựu, voi hoặc câu đối… Ngoài ra, kỹ thuật chạm khắc gỗ cũng rất đa dạng, nhưng thường có 4 loại chính: chạm trổ, chạm lộng, chạm nổi và chạm âm. “Chạm trổ áp dụng đối với hình người hay thú phải tạo nên hình tượng không gian ba chiều và tách rời, chúng ta có thể quan sát được hình tượng từ mọi hướng. Còn chạm lộng cũng tạo nên hình tượng không gian ba chiều nhưng không tách rời nhau mà các hình tượng này dính liền nhau thành một dãy, chủ yếu áp dụng đối với các hình tứ linh hay tứ quý trên các bao lam, thành vọng. Chạm nổi tạo hình tượng nổi một phần trên nền gỗ có hoa văn đính kèm, thường áp dụng đối với các bức phù điêu. Riêng đối với chạm âm là loại chạm đơn giản, khoét lõm vào bề mặt gỗ, thường áp dụng đối với các tấm liễn bằng chữ Nho”, lão Tư Chia giải thích.

Bài, ảnh: Trường An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.