Đổ vỡ

29/01/2013 09:54 GMT+7

Đến với nhau ở cái tuổi không còn trẻ, vậy mà người vợ lại mê trò đỏ đen, bỏ bê gia đình. Hết lần này đến lần khác bao dung, tha thứ, vợ vẫn chứng nào tật ấy, người chồng đành kiên quyết chia tay

Năm 1997, ông bà tiến đến hôn nhân khi cả hai đã qua lứa tuổi 40. Hạnh phúc khoảng 6 năm, vợ chồng họ phát sinh mâu thuẫn do bà  chơi cờ bạc gây nợ nần.

Mê trò đỏ đen

Lúc đầu, thương vợ, ông đứng ra dàn xếp mọi chuyện, tìm lời khuyên can. Nhưng bà như con thiêu thân, sa đà vào chiếu bạc  khiến không khí gia đình ngày càng nặng nề. Mâu thuẫn không thể hàn gắn, tháng 3-2012, họ ly thân.

Nhận thấy tình cảm vợ chồng không còn, khả năng đoàn tụ gia đình không có, mục đích hôn nhân không đạt, ít tháng sau, ông nộp đơn xin ly hôn lần thứ nhất. Tuy nhiên, sau khi được hòa giải, nghĩ đến nghĩa tình vợ chồng, ông đồng ý tạo điều kiện để bà có thời gian thay đổi, sửa chữa lỗi lầm. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, bà tiếp tục lấy xe máy của gia đình đem cầm để thỏa mãn máu đỏ đen. Lần này, ông kiên quyết ly hôn.

Ngược lại, trong bản tự khai, bà cho rằng ông có người phụ nữ khác nên năm lần bảy lượt đòi ly hôn. Về phần mình, bà vẫn còn tình cảm với chồng.

TAND huyện Củ Chi - TPHCM nhận định tình trạng hôn nhân của ông bà đã trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài. Ông không muốn tiếp tục chung sống, bà cho rằng ông có người phụ nữ khác nhưng không đưa ra được chứng cứ, cũng không đưa ra được phương hướng và cam kết khắc phục những thiết sót trong cuộc sống vợ chồng. Vì vậy, HĐXX chấp nhận yêu cầu được ly hôn của ông. Bà kháng cáo.

Níu kéo mong manh

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà mếu máo: “Tôi không đồng ý ly hôn. Chồng tôi vu khống tôi. Hồi khổ sao không ly hôn, giờ có nhà cửa lại đòi ly hôn…”.

Ông nhẹ nhàng trình bày: “Thời gian đầu, vợ chồng tôi sống rất hạnh phúc. Nhưng sau đó, vợ tôi ngoài ăn chơi, cờ bạc thì không làm gì cả. Nợ nần lúc đầu tôi còn đứng ra trả giúp nhưng về sau, tôi không có khả năng để trả nữa. Tôi khuyên hoài, bả không nghe, tôi bất lực rồi… Vợ chồng sống như vậy, tôi thấy như ở địa ngục, xin cho tôi được ly hôn…”.

Vị chủ tọa hỏi bà: “Ông nói có đúng không?”. Bà lí nhí: “Tôi có chơi nhưng là chơi cho vui thôi. Nợ nần là vì chăm lo cho cuộc sống chung của gia đình. Bao nhiêu năm qua, ổng có đưa cho tôi đồng nào để lo chuyện cơm nước đâu…?”. “Bà có công ăn việc làm không?”, vị chủ tọa tiếp tục chất vấn. Bà nhanh chóng trả lời: “Không, tôi không làm nghề gì hết.

Vì cuộc sống khó khăn tôi mới… đi chơi cờ bạc để đem tiền về lo cho gia đình. Nếu tôi không chơi, tiền đâu lo cho gia đình…?”. Tòa nói tiếp: “Bà nói chơi cờ bạc để chăm lo cho cuộc sống gia đình nhưng như bà thấy, chỉ có nợ nần chồng chất, kinh tế gia đình đã nghèo lại nghèo thêm…?”.

Im lặng hồi lâu, bà lí nhí bào chữa: “Thì nhờ nó tôi mới có tiền đi chợ, nấu cơm mà…”. Rồi bà nức nở: “Mấy tháng gần đây, ổng có người phụ nữ khác, phản bội tôi mới yêu cầu ly hôn. Ổng thường xuyên đi sớm, về trễ, có hôm xuất hiện vết son trên áo nữa. Tôi không biết người đàn bà đó là ai nhưng tôi dám khẳng định là ông ngoại tình”…

HĐXX lựa lời khuyên nhủ, hòa giải để vợ chồng họ có cơ hội sửa chữa, tha thứ cho nhau nhưng ông vẫn kiên quyết giữ nguyên ý định. Trước thái độ cứng rắn của ông, vị thẩm phán quay sang hỏi bà: “Nếu ông cho bà cơ hội để sửa chữa, bà có hướng khắc phục hoặc biện pháp gì để chuộc lại lỗi lầm, không tái diễn việc cờ bạc nữa không?”.

Bà im lặng, suy nghĩ hồi lâu rồi quả quyết: “Nếu ổng mà cờ bạc, tôi kêu công an đến bắt ổng. Nếu tôi mà cờ bạc, ổng kêu công an bắt tôi…”. Cả HĐXX nhìn nhau, lắc đầu. Cố gắng níu kéo của bà không xuất phát từ sự hối lỗi, tình yêu thương và lòng tôn trọng dành cho đối phương thì liệu cuộc sống chung có thực sự mang ý nghĩa hạnh phúc?

Sau một tuần nghị án, cấp phúc thẩm nhận định việc hàn gắn tình cảm phải xuất phát từ yêu thương của cả hai bên. Nhưng giữa ông và bà đã không còn tồn tại điều ấy. HĐXX giữ y án sơ thẩm, đồng ý cho ông được ly hôn.

Theo Kha Miên \ Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.