“Nữ hoàng Elizabeth” tìm lại hào quang xưa

27/01/2013 03:05 GMT+7

Anh đang nỗ lực khẳng định vị thế của một quốc gia hàng đầu trong ngành công nghiệp quốc phòng thế giới.

Thuở trước, giới lãnh đạo xứ sở sương mù từng tự hào rằng “mặt trời không bao giờ lặn trên nước Anh”. Đó là thời kỳ cách đây hàng trăm năm khi London có thuộc địa ở khắp các châu lục và Anh là một cường quốc quân sự. Lúc bấy giờ, nước này nổi tiếng với lực lượng tàu chiến hùng mạnh nhất thế giới. Thời gian trôi qua, vị thế xưa nay không còn, thậm chí Anh hiện tại chỉ sở hữu tàu đổ bộ cỡ lớn có thể mang nhiều máy bay chứ chẳng còn hàng không mẫu hạm nào. Chiếc HMS Illustrious, tàu sân bay gần đây nhất của Anh, xem như đã về hưu. Tuy nhiên, ông lớn châu Âu này chắc chắn không thể ngồi yên. Bằng chứng là London đang đẩy nhanh quá trình hoàn thiện tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, chiếc đầu tiên thuộc lớp Elizabeth. Hàng không mẫu hạm này được cho là lớn thứ nhì, chỉ sau lớp Nimitz của Mỹ, trong số các lớp tàu sân bay hiện có trên thế giới. Vì thế, HMS Queen Elizabeth là bằng chứng cho việc Anh đang nỗ lực tăng cường sức mạnh hải quân từng một thời đình đám. Rộng hơn, đây còn là một phần trong nỗ lực phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nước này.

 “Nữ hoàng Elizabeth” tìm lại hào quang xưa
Ấn Độ vừa đặt mua 145 lựu pháo M777 do BAE sản xuất - Ảnh: USMC

Mở rộng thị trường

Đầu tháng 1.2013, tờ The Financial Times dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond khẳng định London đang tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu vũ khí đến các nền kinh tế đang trỗi dậy. Lời khẳng định được ông Hammond đưa ra trong chuyến thăm Indonesia, nước mà Anh đang muốn bán vũ khí. Trước kia, London từng bán máy bay huấn luyện kiêm chiến đấu cơ hạng nhẹ Hawk, tên lửa đối không Starstreak cùng một số loại vũ khí hạng nhẹ khác cho Jakarta. Sau hơn 10 năm đình trệ, các công ty vũ khí Anh giờ đây không chỉ muốn nối lại quan hệ thương mại từng dở dang mà còn nỗ lực giành hợp đồng nâng cấp hộ tống hạm lớp Fatahillah và các tàu chiến khác của hải quân Indonesia.

Bên cạnh Jakarta, Bangkok cũng đang là khách hàng của London. Cuối năm ngoái, UPI đưa tin Anh vừa thỏa thuận bán tên lửa Starstreak cho Thái Lan. Theo giới chuyên gia quân sự quốc tế, Starstreak là một trong những loại tên lửa đối không cơ động hiệu quả nhất thế giới.

Đại gia BAE Systems

Cùng với Thái Lan và Indonesia, một số quốc gia khác tại châu Á cũng đang xúc tiến mua vũ khí của Anh. Giữa năm ngoái, kênh NDTV đưa tin Ấn Độ chi ra 660 triệu USD để mua 145 lựu pháo M777, đang được quân đội Mỹ sử dụng phổ biến. Mặc dù đơn hàng được mua thông qua chính sách đặc biệt từ chính phủ Mỹ nhưng M777 thực chất lại là một sản phẩm của tập đoàn quốc phòng Anh BAE Systems. Đây là tập đoàn lớn thứ 2 của ngành công nghiệp quốc phòng thế giới, cung cấp nhiều loại vũ khí tối tân cho các cường quốc. Hiện tại, M777 nằm trong nhóm vũ khí chủ lực của bộ binh và lính thủy đánh bộ Mỹ, với tầm bắn tối đa có thể đạt 40 km, có tính linh hoạt cao, dễ dàng di chuyển, phù hợp với các địa hình đồi núi. Ấn Độ đặt mua loại lựu pháo này trong khi đang tăng cường sức mạnh cho lực lượng quân sự ở vùng biên giới giáp với Trung Quốc.

 10 tập đoàn vũ khí lớn nhất năm 2010

“Nữ hoàng Elizabeth” tìm lại hào quang xưa 1

Không chỉ mua lựu pháo do BAE chế tạo, Ấn Độ từng liên tục mua các món khí tài nổi danh khác của tập đoàn này. Theo BBC, BAE hồi năm 2004 đã ký hợp đồng bán 66 máy bay Hawk cho New Delhi. Sau đó, Ấn Độ tiếp tục mua thêm 57 rồi 20 chiếc Hawk vào năm 2010 và 2012. Loại chiến đấu cơ hạng nhẹ này không chỉ phát huy hiệu quả trong huấn luyện mà cả các hoạt động tác chiến thực tế.

Lừng danh xe bọc thép

Bên cạnh các sản phẩm chủ lực như máy bay Hawk hay lựu pháo M777, BAE Systems sản xuất cả nhiều loại khí tài hiện đại khác. Lâu nay, tập đoàn này chuyên cung cấp dòng xe bọc thép M113 trứ danh cho Lầu Năm Góc. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, M113 không chỉ đóng vai trò quan trọng trong bộ binh Mỹ mà còn được sử dụng bởi quân đội của khoảng 50 quốc gia. Quân đội Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975 cũng sử dụng loại xe bọc thép này. Ngoài ra, BAE cung cấp dòng xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley cũng đóng vai trò quan trọng đối với bộ binh Mỹ. Không chỉ thế, BAE Systems còn chế tạo xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 cho Anh và xe tác chiến bộ binh CV90 (còn gọi là Stridsfordon 90) cho nhiều nước.

Hiện nay, tập đoàn này đang xúc tiến hàng loạt kế hoạch phát triển khí tài bộ binh khác. Hồi tháng 5.2012, tạp chí Jane’s Defence Weekly đưa tin BAE Systems vừa công bố bản mô phỏng của dòng xe chiến đấu mới CV21 được cho là có nhiều ưu điểm và sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều nước. Ngoài ra, ngày 2.1.2013, Quốc hội Mỹ nhận Báo cáo về xe chiến đấu đổ bộ (ACV) và xe chở lính thủy đánh bộ. Theo báo cáo này, Lầu Năm Góc đang triển khai chương trình phát triển xe chuyên dụng chở lính thủy đánh bộ (MPC) mới để phù hợp với chiến lược chuyển hướng trọng tâm về châu Á - Thái Bình Dương. Loại MPC này cho phép chở 9 binh sĩ và có khả năng “bơi đường dài” để vượt biển từ bờ này sang bờ kia. Nó còn được bọc thép cực tốt, đủ sức chống lại các loại vũ khí có sức công phá cao và sở hữu các loại tên lửa tối tân để phối hợp hiệu quả với xe tăng M1A1. BAE Systems đã được chọn là một trong các đối tác để nghiên cứu và phát triển mẫu MPC trên. Bên cạnh đó, BAE Systems lâu nay còn đóng vai trò quan trọng trong nhiều dự án phát triển chiến đấu cơ, tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay. Ví dụ như các dự án chiến đấu cơ F-35, Eurofighter Typhoon và hàng không mẫu hạm lớp Elizabeth… Vì thế, giới chuyên gia quốc tế nhận định BAE Systems sẽ góp phần quan trọng để Anh phát triển công nghiệp quốc phòng và xuất khẩu vũ khí.

Ngô Minh Trí

>> Lindsay Lohan “chôm” trang sức của Elizabeth Taylor?
>> Đại lễ kỷ niệm 60 năm trị vì của Nữ hoàng Anh Elizabeth II
>> Đại lễ kỷ niệm 60 năm trị vì của Nữ hoàng Anh Elizabeth II

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.