Người Việt tốn 2 tỉ USD/năm để ra nước ngoài chữa bệnh

26/01/2013 18:38 GMT+7

(TNO Mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, tốn chi phí lên đến hơn 2 tỉ USD, mặc dù nhiều bệnh nhân hoàn toàn có thể điều trị ở trong nước.

(TNO Mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt Nam (VN) ra nước ngoài chữa bệnh, tốn chi phí lên đến hơn 2 tỉ USD, mặc dù nhiều bệnh nhân hoàn toàn có thể điều trị ở trong nước.

Thông tin trên được đưa ra trong hội thảo "Thành tựu y học VN thời kỳ đổi mới. Người VN ưu tiên khám, chữa bệnh tại VN"  do Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương kết hợp với Báo Lao Động tổ chức vào hôm nay (26.1).

Kỹ thuật cao, chi phí thấp

Giáo sư - tiến sĩ Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết: Trong nhiều lĩnh vực, y học VN đã đạt được một số thành tựu ngang tầm với y học của khu vực và thế giới. Vừa qua, có 26 công trình thuộc 11 lĩnh vực được quốc tế ghi nhận là thành tựu y dược nổi bật của VN, đó là: ghép tạng, can thiệp tim mạch, ung bướu, nội soi phẫu thuật, can thiệp chấn thương chỉnh hình, ứng dụng tế bào gốc, hỗ trợ sinh sản, nhãn khoa, y học cổ truyền, sản xuất vắc-xin, sinh phẩm y tế, dược và chuyển giao công nghệ.

 
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) thực hiện ca ghép thận từ người cho sống không cùng huyết thống cho bệnh nhi - Ảnh: do bệnh viện cung cấp

Ngoài ra, nhiều đoàn bác sĩ của các nước trong khu vực cũng đã đến VN để học tập kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chuyên môn.

Nhiều kỹ thuật cao điều trị bệnh tại VN có chất lượng tương đương, thậm chí tốt hơn các nước trong khu vực, chi phí lại thấp.

 
Không ít người giàu đến Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM khám chữa và lập tức "tháo chạy" vì cho dù có bác sĩ giỏi đến đâu, thực hiện được những kỹ thuật tiên tiến nào, nhưng nhìn cảnh bệnh viện quá tải, chật chội, xô bồ thì không thể chịu đựng nổi
Giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Võ Văn Thành
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), so sánh chi phí trung bình cho việc thực hiện một ca điều trị kỹ thuật cao tại VN thấp hơn nhiều tại Singapore.

Cụ thể: ghép thận ở VN là khoảng 186 - 200 triệu đồng, trong khi đó ở Singapore là khoảng 765 triệu đồng - 1,6 tỉ đồng (có thân nhân cho thận); thay khớp háng, gối/thay khớp vai 80 - 90 triệu đồng (tại VN) và 570 triệu đồng (tại Singapore); can thiệp mạch vành và đặt stein có thuốc  65 - 80 triệu đồng (tại VN) và 350 triệu đồng (tại Singapore); phẫu thuật tim hở  60 - 95 triệu đồng (tại VN) và 450 triệu đồng (tại Singapore)… Đó là chưa tính chi phí khám, xét nghiệm và giường bệnh tại Singapore.

Tất cả các kỹ thuật này đều có thể thực hiện được ở Bệnh viện Nhân dân 115.

Thế nhưng, theo Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, theo thống kê chưa đầy đủ thì mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, tốn chi phí lên đến hơn 2 tỉ USD.

Vì sao bệnh nhân “chê” điều trị trong nước?

Giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Võ Văn Thành (nguyên Trưởng khoa Cột sống A Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TP.HCM, Chủ tịch Hội Cột sống TP.HCM, Chủ tịch danh dự Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam) nhìn nhận: “Không ít bệnh nhân có điều kiện kinh tế đến Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM khám chữa và lập tức "tháo chạy", vì cho dù có bác sĩ giỏi đến đâu, thực hiện được những kỹ thuật tiên tiến nào, nhưng nhìn cảnh bệnh viện quá tải, chật chội, xô bồ thì không thể chịu đựng nổi”.

 
Vô bệnh viện có đến 4.500 bệnh nhân thì không bệnh cũng phát bệnh
Phó giáo sư  - tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM
“Vô bệnh viện có đến 4.500 bệnh nhân thì không bệnh cũng phát bệnh. Vì vậy, cấp thiết là phải giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên”, Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM, có ý kiến.

Mặt khác, một số bác sĩ giám đốc, phó giám đốc của các bệnh viện cũng nhìn nhận, ngành y tế VN, bác sĩ giỏi không ít nhưng chuyên môn, y đức và cả cơ sở vật chất ở các đơn vị không đồng đều. Vì vậy, bệnh nhân không an tâm khi điều trị và chăm sóc toàn diện.

Đại diện Bệnh viện Pháp Việt (FV), cho rằng, đang có rào cản ngôn ngữ y khoa giữa bệnh nhân và bác sĩ trong điều trị tại VN. Bác sĩ khám cho bệnh nhân quá ít, nói, giải thích cho bệnh nhân không rõ ràng. Khám xong, ra khỏi phòng khám, bệnh nhân không có gì trong tay, không có hệ thống hồ sơ bệnh án để theo dõi bệnh. Khi đi khám ở bác sĩ khác, bệnh viện khác thì bệnh nhân lại phải làm lại từ đầu.

Trong khi đó, các bệnh viện nước ngoài làm hệ thống hồ sơ bệnh án rất kỹ, cụ thể và liên thông nhau chặt chẽ để theo dõi bệnh.

“Ra nước ngoài chữa bệnh, để tìm được bác sĩ giỏi như ở VN không dễ. Người VN ra nước ngoài chữa bệnh chưa chắc gặp được bác sĩ giỏi. Như vậy cũng như không”, Thứ trưởng Tiến phân tích.


Quá tải bệnh viện khiến người dân ngán ngẩm - Ảnh: Nguyên Mi 

Đó là chưa kể đến những bất đồng về ngôn ngữ để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có thể hiểu và trao đổi thông suốt về bệnh với bác sĩ.

Tuy nhiên, hiện nay, ngành y rõ ràng đang tồn tại nhiều bất cập cần được giải quyết để tạo niềm tin cho người dân chữa bệnh trong nước.

“Không thể cấm người dân đi ra nước ngoài chữa bệnh mà chúng ta phải xây dựng nền y tế tạo được niềm tin cho người dân, truyền thông đúng bản chất của ngành y tế để người dân biết và tin tưởng điều trị”, Thứ trưởng Tiến nói.

Tiến sĩ Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết, theo thống kê của Bộ Y tế: tính từ ca ghép tạng đầu tiên (ghép thận) vào năm 1992, đến nay, các bệnh viện trong nước đã thực hiện được 620 ca ghép thận (có 12 bệnh viện thực hiện được kỹ thuật này), 24 ca ghép gan (5 bệnh viện thực hiện được kỹ thuật này) và 7 ca ghép tim (3 bệnh viện thực hiện được kỹ thuật này).

Từ tháng 7.1995, Viện Huyết học TP.HCM đã thực hiện ca ghép tế bào gốc tủy xương đầu tiên cho người bị bệnh máu về tính đến nay đã ghép trên 100 ca.

Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã áp dụng thành công kỹ thuật nong mạch điều trị bệnh mạch máu não và tủy sống bằng phương pháp can thiệp trong lòng mạch, các tổn thương mạch máu nằm rất sâu trong não hay những tổn thương phức tạp nằm gần vùng thần kinh quan trọng không thể can thiệp bằng phẫu thuật.

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM đã thực hiện được kỹ thuật vi phẫu giúp chuyển ghép xương mác, chuyển ngón chân lên bàn tay thay thế ngón tay cái, chuyển khớp ngón chân lên ngón tay và thay thế khớp khuỷu.

Nguyên Mi

>> Hy vọng cho trẻ ghép gan
>> Ca ghép gan cho người lớn đầu tiên ở phía Nam: Mất hai năm chuẩn bị
>> Lần đầu ghép thâ%3ḅn không cùng huyết thống cho bê%3ḅnh nhi
>> Ca ghép thận cho người bị "cắt" 2 quả thận: Sức khỏe bệnh nhân diễn biến tốt
>> Thủ tướng yêu cầu nâng cao y đức, giảm quá tải bệnh viện
>> Quá tải, gầm giường thành... giường bệnh
>> Quy định “trần” thời gian chờ đợi khám bệnh
>> Rút ngắn quy trình khám bệnh bằng cách nào?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.