Thời vàng son đua thuyền nữ ở Bình Dương

15/01/2013 09:46 GMT+7

Phong trào đua thuyền nữ Bình Dương vang bóng một thời, hiện dần dần mất dấu.

In dấu một thời

Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa -Thông tin- thể thao H.Tân Uyên (Bình Dương), Trần Mạnh Cường cho biết: “Phong trào đua thuyền truyền thống Bình Dương xuất hiện từ rất lâu, đến nỗi không ai còn nhớ năm nào. Phong trào phát triển rất mạnh. Các huyện, thị có điều kiện đều thành lập 3-4 đội đua nam, nữ. Thế nhưng, hiện nay phong trào này đã dần bị lãng quên. Mỗi mùa giải chỉ còn 4-5 đội nam tham gia thi đấu, các đội đua thuyền nữ đã tan rã”.

Thời vàng son đua thuyền nữ ở Bình Dương 1

Thời vàng son đua thuyền nữ ở Bình Dương 2 
Hiện nay, phong trào đua thuyền truyền thống Bình Dương chỉ còn giải nam (ảnh trên). Đua thuyền nữ đã qua thời vàng son - Ảnh Tuệ Phương

Trước đây, tại Tân Uyên, 2 đội đua thuyền nữ xã Bạch Đằng và Thạnh Phước từng được coi là “cái nôi” của môn thể thao đua thuyền nữ tỉnh Bình Dương. Họ đã gặt hái nhiều giải thưởng cho huyện, tỉnh với nhiều huy chương vàng. Đặc biệt, năm 1995, hai đội đại diện tham gia giải đua thuyền Quốc gia và đã xuất sắc giành huy chương vàng. Thế nhưng, hiện nay 2 đội này đã “mất dấu”.  Chị Ngô Thị Thu Liễu (Bạch Đằng, Tân Uyên), người có gần 20 năm tham gia đội đua thuyền nữ cho biết: “Chúng tôi rất thích môn đua thuyền, khi tham gia vào đội ai cũng cảm thấy tự hào vì đã góp phần phát triển môn thể thao truyền thống của tỉnh nhà. Do đó, các chị em dù bận rộn công việc vẫn sắp xếp thời gian để tham gia vào đội đua”.

 
Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Dương đang lên kế hoạch xây dựng lại tất cả các đội đua thuyền nữ tại các huyện; đồng thời trình lên UBND tỉnh xin kinh phí đầu tư thuyền nhỏ cho các huyện, thị. Ngoài ra, Sở VH-TT-DL sẽ mở thêm nhiều giải đua thuyền để các đội có điều kiện tranh tài.

Bao giờ cũng vậy, cứ sau mỗi giải đấu, thành viên các đội đua thường dùng số tiền thưởng ít ỏi tổ chức một buổi liên hoan nhẹ. Xong, mỗi người vác một mái chèo nhẹ tênh ra về. Phần thưởng cho họ là tấm huy chương, những quà tặng mang về bổ sung vào bộ sưu tập của mình. Chị Thiên Xuân (H.Dầu Tiếng), tâm sự: “Vào thời điểm đó, để chuẩn bị cho giải đua là cả huyện xôn xao nào là tập luyện, sửa thuyền. Bà con ai rảnh lại ra bờ sông cổ vũ. Già, trẻ, gái, trai đều đam mê như thế, người trực tiếp cầm mái chèo thi đấu như chúng tôi cũng vui theo”.

Hướng khôi phục

Thời vàng son đua thuyền nữ Bình Dương kéo dài đến năm 1995 thì gần như tan rã vì tỉnh Bình Dương không tổ chức giải đua thuyền truyền thống nữ (đối với đua thuyền nữ). Giờ đây, nhắc đến đua thuyền nữ chỉ còn là “dĩ vãng” hoặc đã trở nên xa lạ với nhiều người. Ngoài ra, điều kiện kinh tế khó khăn, kinh phí hỗ trợ quá thấp, nhiều VĐV chuyển sang làm công nhân, không còn tham gia.

Trước những nguyên nhân trên, để khôi phục lại cần phải có sự quan tâm của các ban ngành liên quan. “Tôi thật sự rất tiếc cho đội đua thuyền nữ xã mình. Nó từng là niềm tự hào của thế hệ VĐV như chúng tôi. Tôi hy vọng xã Bạch Đằng khôi phục lại đội đua thuyền nữ, nhằm giúp thế hệ trẻ biết rằng địa phương mình đã từng là “chiếc nôi” đua thuyền của huyện. Hiện, dù không đủ sức để có thể cầm chèo tiếp tục đua, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng truyền lại kinh nghiệm cho con cháu, thế hệ trẻ tham gia”, chị Ngô Thị Minh Lan (ấp Bình Hưng, xã Bạch Đằng) trăn trở.

 Ông Trần Mạnh Cường, cho biết: “Huyện Tân Uyên, đang triển khai hướng khôi phục các đội đua thuyền nữ ở các xã trên địa bàn huyện. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất đó là nhân lực, bởi những người đã từng “sống chung” với phong trào đua thuyền đã quá tuổi để bơi, lớp trẻ thì thờ ơ. Để khôi phục, Phòng Văn hóa thông tin các xã phải phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên trực tiếp động viên, khuyến khích các bạn trẻ tham gia. Ngoài ra, nên khuyến khích các cựu VĐV truyền dạy kinh nghiệm thi đấu, “truyền lửa” đam mê cho thế hệ trẻ.

Tuệ Phương

>> Đua thuyền ở đảo Lý Sơn
>> Nhộn nhịp hội đua thuyền xứ Lệ
>> Đua thuyền mừng tết Độc lập
>> Đua thuyền trên sông Thạch Hãn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.