Bản đồ mới của Trung Quốc vô nghĩa

15/01/2013 03:15 GMT+7

Đó là nhận định của chuyên gia quốc tế về việc Trung Quốc sắp phát hành bản đồ mới ôm trọn các đảo của Việt Nam trên biển Đông.

Cuối tuần trước, Tân Hoa xã dẫn thông tin từ Cơ quan Đo đạc, bản đồ và thông tin địa chất quốc gia Trung Quốc (NASMG) cho hay Nhà xuất bản Sinomaps sắp phát hành các bản đồ mới theo dạng khổ đứng. Trong đó, nhằm thống nhất chung với bản đồ Trung Quốc đại lục, bản đồ mới thể hiện hơn 130 đảo lớn nhỏ thuộc 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông. Điều này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo trên. NASMG thông báo các bản đồ mới sẽ được công bố vào cuối tháng này. Đài GMA ngày 14.1 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) Raul Hernandez tuyên bố nước này sẽ gửi công hàm phản đối Trung Quốc nếu Manila phát hiện bản đồ mới của Bắc Kinh bao gồm các đảo tranh chấp ở biển Đông.

Bản đồ mới của Trung Quốc vô nghĩa
Bản đồ mới của Trung Quốc - Ảnh: Hoàn Cầu thời báo

Ngày 14.1, chuyên gia Swee Lean Collin Koh (thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore), chuyên gia Tetsuo Kotani (thuộc Học viện Các vấn đề quốc tế Nhật Bản) và bà Bonnie Glaser (chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế - CSIS tại Mỹ) đã trả lời phỏng vấn qua thư điện tử với Thanh Niên về vấn đề này. Trong đó, ông Kotani phân tích: “Trung Quốc phát hành bản đồ mới này chỉ vì tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh quá ít cơ sở pháp lý”. Thực sự, Trung Quốc đang tiến hành nhiều động thái nhằm thể chế hóa các tuyên bố chủ quyền phi pháp trên biển Đông. Đây cũng là nhận định của chuyên gia Koh. Trả lời Thanh Niên, ông cho rằng: “Động thái trên nằm trong chiến lược tổng thể của Trung Quốc nhằm thể chế hóa các tuyên bố chủ quyền. Thông qua đó, nước này muốn truyền thông điệp với các bên tranh chấp rằng Bắc Kinh có quyết tâm chính trị đối với những quan điểm ngoại giao lâu nay. Thế nhưng, chẳng phải mỗi Trung Quốc biết làm điều này, các bên tranh chấp khác cũng khẳng định tuyên bố của mình thông qua các văn bản chính thức, bao gồm bản đồ”. Tương tự, bà Glaser cũng nhận định rằng: “Đây là có thể là bước đầu tiên của Trung Quốc hướng tới làm rõ tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” trên biển Đông (thông qua hệ thống bản đồ thống nhất chính thức - NV). Trình bày tuyên bố chủ quyền thông qua việc thể hiện và xác định lãnh thổ để hình thành vùng đặc quyền kinh tế là điều mà tất cả các bên tuyên bố phải làm”.

Tuy nhiên, ông Koh chỉ ra rằng bản đồ mới của Trung Quốc không dựa trên các nguyên tắc quốc tế. Ông phân tích: “Dù thế nào, bản đồ mới của Trung Quốc nhằm mở rộng chủ quyền và quyền tài phán đều đã vượt ra ngoài sự cho phép của luật pháp quốc tế, ví dụ Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Vì thế, các nước khác sẽ không công nhận (bản đồ mới - NV) và chỉ trích Trung Quốc”. Như vậy, quá rõ ràng, Bắc Kinh đang bất chấp các quy định pháp lý quốc tế để theo đuổi chiến lược thể chế hóa tuyên bố chủ quyền phi pháp trên biển Đông. 

Yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay các hoạt động sai trái ở biển Đông

Ngày 14.1, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước một số hoạt động vừa qua của Trung Quốc ở biển Đông, đặc biệt là việc công bố chính thức nội dung và đưa vào hiệu lực “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển Hải Nam”; tổ chức tập trận tại đảo Quang Hòa, thuộc quần đảo Hoàng Sa; tổ chức khai thông và cung cấp dịch vụ 3G, CDMA tại bãi đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa; phê duyệt “Quy hoạch phát triển du lịch tàu khách thành phố Tam Á 2012 - 2022” trong đó có tuyến đi tới các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định: “Những hoạt động nêu trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, làm cho tình hình biển Đông thêm phức tạp, trái với tinh thần DOC, không có lợi cho hòa bình ổn định trong khu vực và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay các hoạt động sai trái đó”. (Theo TTXVN)

Hạm đội Nam Hải tập trận

Tân Hoa xã ngày 14.1 đưa tin Hạm đội Nam Hải vừa tiến hành cuộc diễn tập đánh trận cho binh sĩ, với sự tham gia của gần 20 tàu chiến. Giới chức Trung Quốc tuyên bố cuộc diễn tập nhằm rèn luyện khả năng chiến đấu cho binh sĩ và đào tạo đội quân tinh nhuệ, đáp ứng yêu cầu của trận chiến thực tế. Cuộc tập trận này diễn ra vào ngày 6.1, nhưng Tân Hoa xã không nói rõ nó diễn ra tại khu vực nào. Tuy nhiên, Hạm đội Nam Hải, hoạt động chủ yếu tại biển Đông. Trước đó, vào ngày 2.1, hạm đội này ngang nhiên tập trận phòng không phi pháp tại đảo Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong một diễn biến khác, báo China Daily ngày 14.1 đăng bài bình luận tố cáo các chính trị gia Philippines có “những lời phát biểu vô trách nhiệm, có thể khuấy động căng thẳng ở các vùng tranh chấp”.

Cũng vào ngày 14.1, AFP dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Brunei cho hay ưu tiên hàng đầu của nước này khi giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2013 là theo đuổi Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Kênh CNA dẫn lời Ngoại trưởng Singapore K.Shanmugam kêu gọi các bên tranh chấp trên biển Đông cần hợp tác với nhau để duy trì hòa bình trong khu vực. Ông cũng lo ngại tranh chấp tại đây khó có thể được giải quyết sớm.

V.K

Ngô Minh Trí

>> Trung Quốc phát hành bản đồ phi lý về biển Đông
>> Trung Quốc ngang nhiên phát hành bản đồ phi lý về biển Đông
>> Thêm bản đồ cổ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
>> Trung Quốc phát hành bản đồ phi lý về biển Đông
>> Học giả Mỹ - Trung và chuyện biển Đông
>> Hướng về biển Đông
>> Bão Sonamu vào biển Đông 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.