Sinh viên vào mùa làm thêm

14/01/2013 03:05 GMT+7

Tết Nguyên đán đang cận kề, sinh viên (SV) nhiều trường đang hối hả nhờ người quen hoặc tự “gõ cửa” các trung tâm môi giới tìm cho mình một việc làm thêm phù hợp để kiếm thêm thu nhập...

Lê Thị Hà, SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, tâm sự: “Đây là lần thứ 2 mình đi làm để lấy tiền tiêu tết. Mặc dù cuối năm bận rộn với thi cử nhưng mình vẫn cố gắng dành thời gian đi làm thêm. Năm nay, mình xin được chân bán quần áo, ca làm nửa ngày với mức lương 1,7 triệu đồng/tháng. Công việc chiếm khá nhiều thời gian, phải thức khuya, dậy sớm, nhưng cái đích của niềm vui là trước tết mình cũng có vài triệu đồng để đỡ đần bố mẹ và tiêu pha cho riêng mình”.

Không may mắn như Hà, Lê Thu Thủy, SV Trường ĐH Ngoại thương cũng lo kiếm việc làm thêm khá lâu, suốt từ dịp cuối tháng 10 nhưng vẫn chưa được. Tự đi xin, nhờ vả bạn bè mà chưa nơi đâu nhận, sốt ruột nên Thủy tới một trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Láng, được yêu cầu nộp tiền “đặt cọc” và phí hồ sơ. Vì muốn đi làm ngay nên Thủy đành mượn 400.000 đồng để trả cho trung tâm với hy vọng tìm được việc sẽ trả lại. Năm lần bảy lượt qua hỏi, trung tâm ấy đều nói... cố gắng chờ và khi Thủy nhận ra đây là trung tâm… ma thì mọi việc đã lỡ. Dù tiếc tiền và xác định là mất nhưng Thủy cũng coi đây là “lệ phí” để lần sau khỏi vấp ngã. Không riêng Thủy mà nhiều SV cũng mắc mưu các trung tâm môi giới lừa này.

Còn với Trần Văn Phi, SV Trường ĐH Mỏ địa chất, vì nhà quá nghèo nên Phi phải tự lo tiền ăn học bằng cách đi làm thêm. Phi cho biết: “Hai tết nay mình đều phải cố dành dụm trên 1 triệu đồng cho bố mẹ để lo cái tết quê, dù chỉ có bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành và hương hoa”. Mới đây, Phi xin được chân giao hàng cho một siêu thị với lương làm nửa ngày là 100.000 đồng. Thứ bảy, chủ nhật làm cả ngày thì được gấp đôi.

Không giống những SV có hoàn cảnh khó khăn, Trần Tuấn Anh, SV Trường ĐH Luật Hà Nội chỉ đi làm thêm trong mùa tết để xem nỗi vất vả của công việc làm thuê là như thế nào. Tuấn Anh không thiếu tiền tiêu bởi gia đình cậu thuộc diện khá giả, thậm chí nếu biết con đi làm thêm, bố mẹ cậu sẽ không bao giờ đồng ý. Thực ra, bây giờ số SV có điều kiện khá giả như Tuấn Anh mà vẫn chịu khó đi làm thêm không hiếm. Thủy, Hương và Thùy Dương, SV Trường CĐ Du lịch Hà Nội cũng là một trong số những trường hợp như thế.

 Ngô Văn Quyết

>> Chọn việc làm thêm phù hợp
>> Vất vả làm thêm
>> Việc làm thêm chờ sinh viên
>> Nên giảm giờ làm thêm, tăng thời gian nghỉ thai sản

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.