Hàng loạt sai phạm tại VDB

11/01/2013 03:05 GMT+7

Hôm qua 10.1, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức họp báo công bố một số kết quả thanh tra trong quý 4/2012, trong đó nổi cộm là những sai phạm dẫn tới nợ xấu hàng chục ngàn tỉ đồng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

* Thanh tra diện rộng lĩnh vực kinh doanh vàng và chứng khoán

Theo kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách pháp luật tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), nợ xấu của ngân hàng này tính đến 31.12.2010 là 22.664 tỉ đồng, chiếm 12,57% tổng dư nợ. Trong đó có 3.790 tỉ đồng cho Tập đoàn Vinashin vay, trên 6.000 tỉ là cho các chương trình của Chính phủ chỉ định cho vay. Qua kiểm tra hồ sơ cho vay, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã phát hiện hàng loạt sai phạm như cho vay không đúng đối tượng, sử dụng vốn vay sai mục đích, thẩm định cho vay vốn chưa chính xác, sai căn cứ, vi phạm về tài sản đảm bảo, giải ngân. Thậm chí có tới 38 khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích lên tới 7.339 tỉ đồng.

Đáng chú ý là việc cho vay 35 dự án đóng mới tàu biển, tàu sông... có tổng dư nợ tính đến 30.6.2011 là rất lớn, khoảng 2.509 tỉ đồng với nhiều vi phạm và có nhiều khả năng mất vốn.

Sao phải “đi vòng” qua Bộ GTVT ?

Liên quan đến dự án mua tàu để kinh doanh vận tải kết hợp với huấn luyện của Đại học Hàng hải, TTCP phát hiện có việc thẩm định giá sai, mua tàu cũ với giá cao hơn giá trị trong sổ sách trên 2,1 triệu USD. TTCP đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT kiểm điểm cá nhân, tổ chức, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, thất thoát thì chủ động chuyển công an tiếp tục điều tra, xử lý. Đồng thời, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước kiểm điểm xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân tại VDB.

Trả lời báo chí về việc tại sao không chuyển hồ sơ vụ nâng giá tàu sang Bộ Công an mà phải “đi vòng” qua Bộ GTVT, ông Ngô Văn Khánh - Phó tổng TTCP cho biết, Đại học Hàng hải chỉ là một khách hàng của VDB, không phải là đối tượng thanh tra trực tiếp nên TTCP không làm sâu mà chuyển qua Bộ GTVT để xem xét kỹ hơn. “Trong quá trình thanh tra, khi kiểm tra năng lực nhà thầu, giá mua, giá bán... chưa khẳng định đầy đủ sai phạm, cần tiếp tục làm rõ nên TTCP chuyển cho Bộ GTVT kiểm tra lại việc này, dấu hiệu cấu thành tội phạm vẫn chưa rõ nên chúng tôi chưa chuyển sang cơ quan điều tra là vì thế”, ông Khánh giải thích.

Tới lượt vàng và chứng khoán

Theo TTCP, năm 2012 cơ quan này đã tiến hành 52 cuộc thanh tra và đưa ra 25 kết luận. Trong số 27 cuộc còn lại hiện có 11 cuộc đang hoàn thiện, 3 chờ báo cáo và 13 cuộc khác đang trong quá trình thanh tra.

Dự kiến kế hoạch năm 2013, TTCP sẽ thanh tra việc quản lý kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước, thanh tra công tác quản lý việc tạm nhập, tái xuất của Bộ Công thương, thanh tra quản lý vốn và tài sản nhà nước tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, trách nhiệm quản lý hàng tạm nhập - tái xuất - chuyển cửa khẩu của Bộ Công thương, việc chấp hành chính sách pháp luật tại Tập đoàn xăng dầu (Petrolimex) và việc quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty đầu tư và phát triển đô thị...

Đặc biệt, trong quý 1/2013, TTCP sẽ tiến hành hai cuộc thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường vàng và trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban Chứng khoán đối với thị trường chứng khoán. Theo ông Ngô Văn Khánh, hiện TTCP đang lựa chọn những vấn đề nóng của hai lĩnh vực này như: hoạt động xuất nhập khẩu vàng, độc quyền vàng miếng, có hay không việc thất thoát do cơ chế...

Ông Khánh cho biết, từ trước đến nay, TTCP vẫn thường xuyên theo dõi, chỉ đạo hoạt động thanh tra chuyên ngành đối với các lĩnh vực này nhưng chỉ dừng lại ở những sự việc đơn lẻ, hoặc quy mô hẹp. Do vậy, hai cuộc thanh tra sắp tới được coi là có quy mô rộng, toàn diện nhất về vàng và chứng khoán từ trước đến nay.

Dùng tiền giải phóng mặt bằng đi kinh doanh thép

Qua kiểm tra việc cho vay tại Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (Vidifi), TTCP phát hiện dù doanh nghiệp này chưa thực hiện đủ thủ tục quy định chỉ định thầu đối với gói thầu vay vốn nhưng vẫn phê duyệt cho vay và dẫn tới sử dụng sai mục đích. Đặc biệt là khoản tiền 1.000 tỉ đồng xin Thủ tướng cho tạm ứng từ Kho bạc Nhà nước để đáp ứng yêu cầu cấp bách giải phóng mặt bằng thuộc dự án xây dựng QL5 mới, nhưng Vidifi đã sử dụng trên 334 tỉ đồng trả nợ vay tại Ngân hàng Đầu tư - phát triển Bắc Hà Nội để kinh doanh thép.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.