Mê sáng chế robot

08/01/2013 06:00 GMT+7

Một nhà quản lý trong lĩnh vực công nghệ cao đã nhìn nhận sản phẩm robot 5 bậc tự do mà kỹ sư Lê Anh Kiệt - Giám đốc Công ty TNHH chế tạo máy AKB (AKB-machinery) nghiên cứu chế tạo là một dấu mốc lịch sử của nền công nghệ Việt Nam.

Biến không thành có

Gọi là một dấu mốc lịch sử bởi kỹ sư Kiệt đã tự mình “biến không thành có” với sản phẩm robot đã trình làng tự hào mang thương hiệu made in Việt Nam.

 Kỹ sư Lê Anh Kiệt với sản phẩm robot 5 bậc tự do
Kỹ sư Lê Anh Kiệt với sản phẩm robot 5 bậc tự do - Ảnh: Đình Phú

Với nụ cười rất thân thiện, kỹ sư Kiệt chỉ vào máy tính, nói với chúng tôi: “Ở thời kỳ hiện đại bây giờ, không phải công ty anh thật bự, phải có thật nhiều tiền mới là kỹ thuật cao, mà kỹ thuật cao nó hiện diện xung quanh chúng ta và chúng ta đều có thể nắm bắt được nó bất kỳ lúc nào nếu biết suy nghĩ sáng tạo. Cũng nên nhớ rằng nhiều phát minh xuất phát từ những doanh nghiệp nhỏ như vầy rồi sau đó mấy ông khổng lồ mua lại, phát triển nó lớn mạnh hơn”.

 

Đừng quá tự ti rồi cứ ngồi đó mà không bắt tay vào làm gì. Sự thay đổi bây giờ rất nhanh. Chúng ta phải biết cách biến khoa học thành công nghệ để cuối cùng tạo ra sản phẩm tốt

AKB-machinery là công ty chuyên chế tạo và sản xuất các loại máy CNC, robot công nghiệp và đặc biệt là dòng sản phẩm máy đóng gói điều khiển số (NC). Quan điểm thiết kế của kỹ sư Kiệt là "Tăng thông minh - Giảm cơ khí". Anh đã tạo ra nhiều loại máy có chức năng tiên tiến nhưng giá thành rất hợp lý để thay thế cho các loại máy ngoại nhập. Tất cả các loại máy do AKB-machinery sản xuất đều được điều khiển bởi một hệ điều hành CNC duy nhất được chính kỹ sư Kiệt nghiên cứu và phát triển. Các loại máy này có cấu trúc cơ khí rất đơn giản nhưng hoạt động thông minh giống như một máy vi tính, người sử dụng máy có thể tự cài đặt các thông số cho nhiều sản phẩm khác nhau và lưu lại trong bộ nhớ của máy, đồng thời có thể điều chỉnh máy tức thời khi đang chạy ngay trên màn hình mà không cần phải điều chỉnh cơ khí.

“Cơ khí và điện tử là 2 lĩnh vực mà Kiệt đã đam mê từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp đại học bách khoa, Kiệt đã nghiên cứu và chế tạo nhiều loại máy cơ - điện tử và CNC (Computer Numerical Control - gia công với sự trợ giúp của máy tính).

Quá trình này giúp Kiệt có thêm nhiều kinh nghiệm và kiến thức về robot công nghiệp”, anh chia sẻ và cho biết về khởi điểm của sự sáng tạo ra robot: “Cách đây 2 năm, trong một lần về thăm trường cũ, Kiệt thấy phòng thí nghiệm của khoa điện mình từng học vẫn còn sử dụng nhiều dụng cụ thực hành đã cũ, trong đó có một robot tên là Scorbot (của nước ngoài) đã hư hỏng một phần. Kiệt nghĩ ngay tới việc chế tạo loại robot tương tự có giá thành thấp, chức năng đầy đủ với nhiều bài thực hành nhằm giúp các bạn sinh viên ngành kỹ thuật thực tập để tiếp thu tốt hơn môn học điều khiển tự động và robot học. Đó là điều mà Kiệt và các bạn cùng thời không có được khi còn học đại học”.

Vậy là vào tháng 8.2011, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, kỹ sư Kiệt đã bắt đầu thực hiện dự án nghiên cứu, thiết kế chế tạo robot 5 bậc tự do phục vụ đào tạo. Sau 1 năm anh đã chế tạo được hơn 10 robot với tỷ lệ nội địa hóa đến 95%.

Tạo bước đi đầu tiên

“Con robot này so với Nhật, Mỹ và một số nước châu u thì như là con số không nhưng vì không phải con số không đó mà mình không làm. Mình phải nỗ lực để tạo ra những bước đi đầu tiên. Ai cũng ngại làm ra những đồ thiệt kiểu này mà không thể bán được thì cũng chẳng bao giờ phát triển được nền công nghệ. Đừng quá tự ti rồi cứ ngồi đó mà không bắt tay vào làm gì. Sự thay đổi bây giờ rất nhanh. Chúng ta phải biết cách biến khoa học thành công nghệ để cuối cùng tạo ra sản phẩm tốt”, kỹ sư Kiệt chia sẻ.

Kỹ sư Kiệt cho rằng, thực ra không hẳn là sinh viên ra trường không thể ứng dụng kiến thức khoa học vào thực tế. Chỉ là hơi khó trong những năm đầu tiên mà thôi. Đó là vì các em thiếu thực hành, thiếu hoạt động thực tế, cũng có khi là do chương trình đào tạo chưa đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp sử dụng nhân lực. Việc nghiên cứu khoa học cơ bản đã được tiến hành nhiều năm qua ở Việt Nam, nhiều đề tài có giá trị khoa học cao đã được nghiên cứu thành công. Tuy nhiên, điều đáng lo là hướng nghiên cứu khoa học ứng dụng phần nào lại bị xem nhẹ. Các đề tài nghiên cứu ứng dụng (mục tiêu là tạo ra sản phẩm công nghệ thật) thường bị coi là “không có gì mới”, “không có tính khoa học cao”… và ít được ủng hộ thực hiện.

“Trong điều kiện kinh kế của Việt Nam chúng ta hiện nay, cần phải thấy tầm quan trọng và thúc đẩy nghiên cứu khoa học ứng dụng nhiều hơn nữa. Cũng cần chú ý rằng hiện nay khoa học cơ bản được đăng rất nhiều trên internet còn công nghệ thật sự thì vẫn còn là bí mật của nhiều công ty và tập đoàn trên thế giới”, kỹ sư Kiệt nhìn nhận.

Kỹ sư Kiệt và các cộng sự đang tiếp tục hoàn thiện robot 5 bậc tự do, cập nhật thêm nhiều chức năng mới như điều khiển robot qua internet dùng điện thoại di động, table; liên kết robot với các thiết bị ngoại vi... Anh cũng đang chế tạo robot công nghiệp cỡ lớn phục vụ sản xuất trong nước, các loại robot nhỏ dành cho học sinh phổ thông và những ai yêu thích môn điều khiển tự động, robot học.

Kỹ sư Kiệt kỳ vọng sản phẩm robot mà anh sáng chế là bước tiếp sức cho sự sáng tạo của các bạn sinh viên để từ những khởi đầu này các bạn có thể tự mình làm ra những con robot hiện đại hơn trong tương lai.

Chuyên mục “Sáng tạo vì Khát vọng Việt” giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Sáng tạo vì Khát vọng Việt

Đình Phú

>> Tống Văn Hải: Sáng tạo vì nông nghiệp, nông dân
>> Trần Phương Anh: Giữ lửa nhang đèn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.