Cuộc cách mạng xe chiến đấu đổ bộ

07/01/2013 05:05 GMT+7

Mỹ đang xúc tiến kế hoạch đổi mới toàn diện về phương tiện tấn công đổ bộ để phù hợp với chính sách quân sự mà Washington đang theo đuổi.

Ngày 2.1, Quốc hội Mỹ nhận Báo cáo về xe chiến đấu đổ bộ (ACV) và xe chở lính thủy đánh bộ. Báo cáo trích dẫn Nghiên cứu Năng lực đổ bộ của lực lượng hải quân thế kỷ 21, do Bộ Hải quân Mỹ thực hiện hồi năm ngoái, để chứng minh sự cần thiết của việc phát triển ACV. 

Theo nghiên cứu này, Washington đang đứng trước các thách thức về hàng hải. Trong đó có việc Mỹ chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đối mặt chiến lược “chống tiếp cận/phong tỏa khu vực” (Trung Quốc theo đuổi - NV)... Thực tế, các vấn đề trên ảnh hưởng mạnh đến phương án tác chiến của Lầu Năm Góc, đặc biệt về tấn công đổ bộ. Một thập niên qua, hoạt động quân sự của Mỹ chủ yếu diễn ra tại Iraq và Afghanistan. Tại 2 chiến trường này, Washington hầu hết triển khai quân đội trực tiếp từ các căn cứ trên bộ ở những nước lân cận.

Thế nhưng, giữa bối cảnh mới, yêu cầu đổ bộ từ khu vực cách xa bờ biển trở nên quan trọng hơn. Các tàu mẹ đổ bộ cũng cần giữ khoảng cách xa bờ hơn nhằm đảm bảo an toàn trước những loại tên lửa đối hạm hiện đại. Trong khi đó, dòng xe tấn công đổ bộ hiện tại của Mỹ là AAV-7A1 được sử dụng từ cách đây 40 năm và chỉ có thể tiếp cận bờ biển ở khoảng cách 2 dặm (3,2 km).

Xe tấn công đổ bộ của Mỹ xuất kích từ tàu chiến - Ảnh: US Navy
Xe tấn công đổ bộ của Mỹ xuất kích từ tàu chiến - Ảnh: US Navy
 

Kế hoạch đột phá

Vì thế, Lầu Năm Góc đang theo đuổi kế hoạch trang bị loại ACV để giải quyết các vấn đề trên. Đây là phương tiện có thể chở theo 17 lính thủy đánh bộ và rời tàu đổ bộ ở khoảng cách 12 dặm (gần 20 km) tính từ bờ biển. Loại ACV này đạt tốc độ trên 8 hải lý mỗi giờ (hơn 15 km/giờ) trong điều kiện sóng cao 30 cm và có thể hoạt động tốt ở điều kiện sóng cao 1 m. Nó được trang bị hệ thống súng máy hiện đại và có khả năng chịu đựng hỏa lực tấn công trực tiếp lẫn gián tiếp cũng như mìn, thiết bị nổ tự tạo. Đồng thời, ACV đạt tốc độ lẫn tầm hoạt động không thua kém xe tăng M1A1 của Mỹ để phối hợp tác chiến. Theo báo cáo mà quốc hội Mỹ vừa nhận được, Lầu Năm Góc dự định trang bị 573 chiếc ACV trên cho quân đội. Ngay trong năm tài khóa 2013, các công tác thiết kế và phát triển sẽ được tiến hành với khoản ngân sách nghiên cứu lên đến 95 triệu USD. Dự kiến, loại ACV này chính thức được triển khai từ năm 2020 - 2022.

Ngoài ra, cùng mục tiêu đáp ứng chính sách quân sự mới, Washington đang xúc tiến kế hoạch phát triển xe chuyên dụng chở lính thủy đánh bộ (MPC). Loại MPC này có thể chở 9 binh sĩ và tích hợp khả năng “bơi đường dài” để vượt biển đi từ bờ này sang bờ kia, chứ không đặt trọng tâm vào việc xuất kích từ tàu đổ bộ. Đồng thời, nó được bọc thép cực tốt, đủ sức chống lại các loại vũ khí có sức công phá cao và sở hữu các loại tên lửa tối tân để phối hợp hiệu quả với xe tăng M1A1. Dự kiến, quân đội Mỹ sẽ trang bị 579 MPC, trị giá mỗi chiếc khoảng 3,5 triệu USD. Hiện tại, có 4 đơn vị được chọn để tham gia chế tạo để kịp triển khai loại xe này vào 2020.

Cả hai loại phương tiện trên đều liên quan đến việc Mỹ chuyển trọng tâm vào châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, thời gian qua, giới chuyên gia nhiều lần lo ngại sự đẩy mạnh khí tài trong khu vực có thể dẫn đến chạy đua vũ trang tại đây.

Ngô Minh Trí

>> Lính thủy đánh bộ Philippines chuyển sang bảo vệ biển đảo
>> Hải quân Mỹ chưa cho cá heo... nghỉ hưu
>> Bộ Hải quân (Mỹ) có quyền hạn ra sao ?
>> Bộ trưởng Hải quân Mỹ thăm Bắc Kinh
>> Tương lai hải quân Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.