Vẫn còn vé tàu tết ngày cao điểm

05/01/2013 03:41 GMT+7

Sau nhiều bức xúc của người dân khi không mua được vé tàu tết, hôm qua 4.1 Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã tổ chức họp báo công khai số lượng vé đã bán, số lượng vé còn lại.

Thuê máy chủ của... ngân hàng !

Cuộc họp báo diễn ra ngay sau khi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu Tổng công ty đường sắt Việt Nam (TCT ĐSVN) phải “công khai thông tin”. Ông Nguyễn Hữu Tuyên - Trưởng ban Kinh doanh vận tải, TCT ĐSVN - cho biết: Số vé còn lại của các ngày cao điểm tính đến 3.1 còn 6.222 chỗ. Cụ thể, ngày 1.2 còn 1.288 chỗ; ngày 2.2 còn 1.231 chỗ; ngày 3.2 còn 969 chỗ; ngày 4.2 còn 277 chỗ; ngày 5.2 còn 311 chỗ; ngày 6.2 còn 631 chỗ; ngày 7.1 còn 150 chỗ và ngày 8.2 còn 1.365 chỗ. Tuy nhiên đây đều là vé các chặng dài từ TP.HCM ra Vinh - Hà Nội, không còn vé chặng ngắn từ TP.HCM đến Huế, Đà Nẵng.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ trưởng GTVT, để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách đặc biệt là người lao động, ngoài số chỗ còn lại, đường sắt VN sẽ bán thêm khoảng 3.500 chỗ ghế phụ trên tất cả các đoàn tàu Thống Nhất chiều Sài Gòn - Hà Nội vào dịp cao điểm, và giảm 40% giá vé cho tất cả hành khách mua vé ghế phụ đi từ ngày 1 đến ngày 8.2.2013.

Liên quan đến việc server bán vé tàu qua mạng bị quá tải và nhiều hành khách không thể đặt chỗ qua mạng, ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Công ty VTHK đường sắt Sài Gòn, cho hay, thời điểm mở bán từ 8 giờ sáng ngày 10.12.2012, website bán vé tàu bị hacker tấn công, tới trưa 10.12 mới xử lý xong để khôi phục bán vé bình thường. Ông Tùng cũng thừa nhận, dù đường truyền và công suất máy chủ năm nay (thuê của Vietinbank) đã tăng gấp đôi so với năm ngoái (có thể đáp ứng được 10.000 hành khách truy cập cùng lúc), nhưng nếu 60.000 - 70.000 lượt khách cùng truy cập sẽ nghẽn mạng. Tuy nhiên, theo ông Tùng: “Với 41.000 hành khách đặt chỗ được qua mạng, nhưng cũng chỉ có hơn 30.000 người đến lấy vé trả tiền, còn lại hơn 10.000 người không qua lấy vé, họ đặt chỗ chơi chứ không phải nhu cầu thực”.

Theo khảo sát, lượng hành khách có nhu cầu đi lại qua tàu lên tới 1 triệu người, nhưng ngành đường sắt chỉ đủ năng lực đáp ứng được 116.000 chỗ trong 7 ngày cao điểm. Trong số vé này, 20.000 vé được dành cho công nhân các khu công nghiệp, 40.000 vé bán trực tiếp trên mạng, còn lại bán trực tiếp.

Vẫn còn vé tàu tết ngày cao điểm
Số vé cao điểm tết còn tồn và tăng thêm tổng cộng gần 10.000 vé, nhưng chỉ là vé tuyến đường dài - Ảnh: Diệp Đức Minh

Vẫn bị động công nghệ

Ông Tường cho rằng, để chống đầu cơ vé, riêng Công ty VTHK đường sắt Sài Gòn đã rà soát, loại bỏ khoảng 100.000 tài khoản ảo, đưa vào diện quản lý đặc biệt gần 28.000 tài khoản có nghi vấn đầu cơ.

Trên thực tế, những sự cố lặp lại liên tục như nghẽn mạng vé tàu tết, người dân xếp hàng dài cũng không mua được vé, nhưng phe vé vẫn lộng hành đã diễn ra nhiều năm nay. Song mấu chốt vấn đề là sự bị động công nghệ, “nối mạng kiểu nửa vời” của ngành đường sắt vẫn chưa được cải thiện. Hậu quả là dù đầu Sài Gòn lượng khách tập trung mua vé quá cao, chen lấn thì tại Hà Nội lại thưa thớt, dù tại Hà Nội vẫn có thể mua được vé chiều ra từ Sài Gòn. Mặt khác, việc thuê máy chủ của một đơn vị không chuyên nghiệp về công nghệ cũng làm tăng thêm tình trạng bị động của ngành đường sắt, cũng như không cải thiện được nhiều tình cảnh nghẽn mạng như các năm trước. Nhu cầu lập một phần mềm bán vé tàu như vé máy bay để tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho người dân đã từng được đặt ra nhiều lần với ngành đường sắt. Tuy nhiên, tới thời điểm này, ông Nguyễn Đạt Tường cho biết ngành đường sắt vẫn chưa thể làm được (!?). Trong khi đó, năm tới việc bán vé qua mạng như năm nay vẫn sẽ được tiến hành bên cạnh việc bán vé trực tiếp qua điện thoại, đại lý.

Xem ra nếu Bộ GTVT chỉ yêu cầu “công khai thông tin” nhằm thỏa mãn những bức xúc của dư luận, mà không quyết liệt thay đổi tận gốc của vấn đề là con người và kéo theo đó là công nghệ thì những năm tiếp theo lại vẫn phải họp báo để nói về chuyện cũ.

Bộ GTVT cho phép TCT ĐSVN tổ chức vận chuyển tuyến hành khách Bắc Ninh - Thanh Hóa trong 2 ngày giáp tết. Đây là tuyến mới được lập do đề nghị của Công ty Samsung - Vina nhằm đưa công nhân về quê ăn tết. Ông Nguyễn Đạt Tường cho biết, các doanh nghiệp khác có nhu cầu đưa công nhân về quê ăn tết có thể liên hệ với ngành đường sắt để tổ chức các chuyến tàu riêng.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.