Buông lỏng quản lý

02/01/2013 03:00 GMT+7

Câu chuyện sếp cũ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Phó Chủ tịch HĐQT Lê Vũ Kỳ mong cổ đông thông cảm nếu "chẳng may" số tiền 718 tỉ đồng gửi tại Ngân hàng Công thương (Vietinbank) trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như không thu hồi được đang khiến dư luận quan tâm.

Theo ông Kỳ, giai đoạn năm 2010, nguồn tiền tồn quỹ quá lớn, không có đầu ra gây thua lỗ cho ACB do phải trả lãi huy động. Nhiều cuộc họp bàn tìm giải pháp nhưng vẫn không có lối thoát. Đến cuộc họp ngày 22.3, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB lúc đó báo cáo hướng ra đối với khoản tiền thừa, đó là chủ trương ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền ngân hàng (NH) bạn. Ông Hải và ban pháp chế của NH đều cho rằng việc này không vi phạm pháp luật và giải quyết được vấn đề bế tắc đầu ra, tránh gây thua lỗ cho ACB nên tất cả các thành viên tham dự cuộc họp đều nhất trí thông qua. Việc này đã mang lại nguồn thu nhập hơn 1.600 tỉ đồng cho ACB.

Để cổ đông thông cảm, ông Kỳ cũng phân tích rằng, tại thời điểm ra chủ trương ủy thác cá nhân đi gửi tiền ở các tổ chức tín dụng (TCTD) do nhận thức rằng chủ trương này không sai luật, lại phù hợp với điều lệ của luật Các tổ chức tín dụng năm 2007 cũng như điều lệ của ACB đã được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn. Mặt khác, việc các TCTD gửi tiền lẫn nhau thông qua hình thức ủy thác nói trên khi đó rất phổ biến. Cụ thể là vụ lừa đảo của Huyền Như tại Vietinbank, có nhiều NH bị giống như ACB. Hoạt động ủy thác cũng đã được hạch toán đầy đủ lợi nhuận vào hoạt động kinh doanh của nhà băng và có đóng đủ thuế, phần lợi nhuận cũng đã được chia cho cổ đông. Số tiền lãi phát sinh kể cả phần chênh lệch lãi suất đều được các nhân viên nhận ủy thác nộp đầy đủ cho ACB, được hạch toán đầy đủ vào sổ sách. Tất cả các chứng từ này đều được ACB cung cấp cho cơ quan điều tra. "Các thành viên Hội đồng quản trị cũ làm việc không vì tư lợi nhưng đã bị khởi tố. Do đó, nếu chẳng may 718 tỉ đồng ACB gửi tại Vietinbank không thu hồi được do liên quan đến vụ Huyền Như thì thường trực HĐQT xin quý cổ đông chia sẻ và cảm thông" - ông Kỳ nói.

Trên thực tế, tại thời điểm ACB ủy thác vốn cho nhân viên đi gửi ở các TCTD khác thì chưa có quy định cấm việc này, nhưng bản chất của nó là nhằm lách quy định trần lãi suất huy động để hưởng chênh lệch. Cái giá phải trả là ACB có nguy cơ mất 718 tỉ đồng vốn, một số lãnh đạo của NH này đã phải từ nhiệm, bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên, không thể không nói đến trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc buông lỏng giám sát hoạt động của hệ thống NH, để một loạt NH cùng tham gia việc vượt trần, lách trần lãi suất như nói trên. Đáng nói là việc này đã và đang tiếp tục diễn ra dẫn tới điều hành một đằng, thực tế một nẻo và là nguyên nhân lớn nhất khiến lãi suất cho vay không thể hạ xuống như mục tiêu của Chính phủ và mong đợi của doanh nghiệp. Sẽ không đầy đủ nếu chỉ truy cứu trách nhiệm của ACB mà bỏ quên vai trò, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước khi để xảy ra hậu quả này.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.