Kỳ 3: Dưới bóng trăng mờ

02/01/2013 03:15 GMT+7

Nhạc sĩ Phạm Duy nói: “Tôi sung sướng được ghi nhận sự chịu ảnh hưởng thơ Lưu Trọng Lư của tôi và cám ơn bạn Hoàng Cầm đã nhắc lại chuyện đó trong cuốn Hoàng Cầm - Văn xuôi (Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội tháng 11, năm 1999)”.

Năm 1944, Phạm Duy theo gánh hát Đức Huy đóng neo tại Đà Nẵng. Nơi đây, ông có duyên gặp gỡ nhà thơ Lưu Trong Lư - tác giả của các bài thơ Tiếng thu, Vần thơ sầu rụng, Thú đau thương, Còn chi nữa mà ông đã phổ nhạc sau này. Đó là quãng cậu trai trẻ Phạm Duy Cẩn (tên khai sinh của Phạm Duy) miệt mài đi tìm thầy học nghề. Còn chàng thi sĩ Lưu Trọng Lư lúc bấy giờ đang là ông giáo dạy học ở một trường tỉnh.

 Phạm Duy và Lưu Trọng Lư (phải)
Phạm Duy và Lưu Trọng Lư (phải) - Ảnh: tư liệu

Phạm Duy kể: “Tin đồn về chàng du ca đầu tiên đã đi rất nhanh từ Thanh Hóa vào Vinh tới Huế và bây giờ thì thanh niên nam nữ Tourane (Đà Nẵng - PV) kéo nhau tới rạp để nghe tôi hát. Đã rất tự tin ở mình, đã biết trau dồi tài nghệ cũng như sắc đẹp. Đã để tóc dài cho có vẻ nghệ sĩ. Đã sắm được bộ áo mùa lạnh bằng nỉ được gọi là nỉ pattes de poule đủ sưởi ấm lòng tôi trong những ngày mùa lạnh ở Tourane này....”. Trong số những người đến nghe ông hát có thi sĩ Lưu Trọng Lư.

 

Đối với Phạm Duy, giai đoạn quen biết Lưu Trọng Lư là những tháng ngày êm ái nhất của ông. Đôi mắt màu hạt dẻ xưa kia vẫn ám ảnh Phạm Duy vào mỗi lúc tâm hồn ông cựa mình nhớ về một thời phiêu lãng

Phạm Duy chắc nịch rằng, trước giờ chưa từng gặp ai “nên thơ” như Lưu Trọng Lư, “chưa gặp anh đã nghe nói anh là người rất lơ đãng. Gặp anh rồi thì nhìn bề ngoài của anh cũng đã thấy anh là một con nai vàng ngơ ngác”. Cái chất lãng mạn của người thi sĩ ấy đã làm Phạm Duy yêu thích vô cùng. Những giai thoại đầy ngẫu hứng của hai con người tài hoa ấy lần lượt ra đời. Phạm Duy nhớ lại: “Lần đầu nghe tôi hát, Lưu Trọng Lư đã nằng nặc lôi tôi lên xe kéo đưa tôi tới trường học để hát cho học trò của anh nghe. Sau khi tôi hát cho lũ học trò xanh xao gầy gò nghe bài Buồn tàn thu thì nhà giáo Lưu Trọng Lư đầu bù tóc rối, quần áo lôi thôi lếch thếch và nát nhàu, móc ở trong túi ra những mẩu thơ để tặng tôi ngay trong lớp học. Tôi nhớ rất kỹ đó là những đoạn thơ của bài Giang hồ mà khi in ra thì anh Lư đề tặng Nguyễn Tuân và Vũ Hoàng Chương:

Mời anh cạn hết chén này

Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn

Tiếng gà đã rộn trong thôn

Nửa đời phiêu lãng chỉ còn đêm nay...

Rồi họ ôm chầm lấy nhau, cùng những lời hẹn thề thơ ca và nhiều câu chuyện liên quan đến đàn bà. Lưu Trọng Lư - một trong số những thi sĩ tiêu biểu của phong trào Thơ mới có lối sống rất hào phóng, khoáng đạt. Câu chuyện Lưu Trọng Lư tặng cho “thằng em trai” chí cốt một cô nhân tình có đôi mắt màu hạt dẻ đã được chính miệng Phạm Duy kể lại trong thượng thọ thứ chín mươi mốt của mình, nhân có người con trai thứ ba của Lưu Trọng Lư là Lưu Trọng Văn đến tham dự.

Gánh hát dọn đi, và họ chia tay nhau...

Năm 1946, một dịp rất tình cờ, họ tái ngộ nhau ở Huế. Hình ảnh Lưu Trọng Lư chưa bao giờ thay đổi trong tâm trí Phạm Duy, từ cuộc gặp ban sơ cho đến tận giây phút hôm nay… “Gặp lại anh Lư ở Huế vào những ngày đầu của Cách mạng, tôi vẫn thấy anh "nên thơ" như cũ và tin rằng chẳng bao giờ anh hết nên thơ dù rằng sau này có nhiều phen anh cứ phải tuyên bố là đã giơ tay xua đuổi con nai vàng ở trong anh chạy đi”. Cũng thời gian này, Phạm Duy đã phổ nhạc bài thơ bất hủ của Lưu Trọng Lư, bài thơ Tiếng thu:

Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức?

Em không nghe rạo rực

Hình ảnh kẻ chinh phu

Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu

Lá thu kêu xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô?”...

Họ lại chia tay, sau khi ngả đầu nằm cạnh nhau, lắng nghe tiếng đàn tranh của chị Mừng - vợ thi sĩ Lưu Trọng Lư vào một đêm trăng huyền hoặc. Đó là cuộc gặp cuối cùng của họ.

Năm 2000, trở về Việt Nam, Phạm Duy được tới viếng mộ cố nhân, mộ nằm ngay trong vườn nhà các con của Lưu Trọng Lư ở Tân Thuận, TP.HCM. Đối với Phạm Duy, giai đoạn quen biết Lưu Trọng Lư là những tháng ngày êm ái nhất của ông. Đôi mắt màu hạt dẻ xưa kia vẫn ám ảnh Phạm Duy vào mỗi lúc tâm hồn ông cựa mình nhớ về một thời phiêu lãng.

Cái duyên sâu đậm giữa Phạm Duy và Lưu Trọng Lư chưa chịu dừng lại ở đó. Nhạc sĩ Phạm Duy khá thân thiết với nhà thơ Lưu Trọng Văn - con trai của Lưu Trọng Lư. Ngoài phòng khách nhà Phạm Duy có treo một bức chân dung của ông do Lưu Trọng Văn tặng, bên cạnh đề bài thơ Về thôi. Bài thơ như là một trong nhiều lý do thôi thúc Phạm Duy trở về quê hương sau bao năm trời xa cách. Theo Phạm Duy thì: “Đầu năm 2000, tôi đáp máy bay về Việt Nam, có lẽ cũng chỉ vì có tiếng gọi tha thiết của một thi sĩ, tiếng gọi mơ màng của một o đò, tiếng gọi nồng nàn của tình yêu…”.

Về thôi, người tình già ơi

Về thôi

Làm gì có trăm năm mà đợi

Làm gì có kiếp sau mà chờ

Đất Mẹ - Đất Nàng

Con sáo sang sông

Tha cọng rơm vàng lót ổ

Mười chín năm tình cũ

Người tình già ơi

Nhớ không?

(14.10.1994)

Hiếu Dũng - Ngân Vi

>> Đêm nhạc tri ân nhạc sĩ Phạm Duy
>> Bên cầu biên giới của Phạm Duy được phép phổ biến
>> Ý Lan nức nở hát nhạc Phạm Duy
>> Nhạc sĩ Phạm Duy: 93 tuổi chưa phải là già
>> Phát hành 4 album nhạc Phạm Duy
>> Phạm Duy dị với Bích Khê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.