Những công trình nghiên cứu khoa học bị thu hồi năm 2012

31/12/2012 15:14 GMT+7

(TNO) Trong năm 2012, có một số công trình nghiên cứu khoa học bị tuyên bố thu hồi vì tác giả của chúng đã có hành vi gian lận hoặc giả mạo bằng chứng khoa học, theo Fox News.

Khi đọc những tin tức đột phá trong các lĩnh vực khoa học, bạn đừng vội hy vọng quá nhiều.

Theo một nghiên cứu được công bố trên Proceedings of the National Academy of Sciences trong tháng 10.2012, phần lớn những công trình nghiên cứu bị thu hồi là do sai sót hoặc giả mạo.

Sau đây là vài công trình nghiên cứu khoa học bị thu hồi trong năm 2012 do gian lận.

Tự “tâng bốc” công trình nghiên cứu của mình

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, các đồng nghiệp trong cùng lĩnh vực chuyên môn sẽ có bài viết đánh giá công trình nghiên cứu của những đồng nghiệp khác.

Lợi dụng quá trình này, nhà khoa học Hyung-In Moon tại Trường đại học Dong-A (Busan, Hàn quốc) đã giả danh những chuyên gia trong chính lĩnh vực của mình để xem xét và khen ngợi chính công trình nghiên cứu của ông.

Tuy vậy, nhà khoa học Hàn Quốc này lại “sơ ý” khi quá vội vàng gửi bài đánh giá.

Các biên tập viên của Journal of Enzyme Inhibition and Medicinal Chemistry đã nảy ý nghi ngờ khi bài đánh giá giả mạo của Moon được gửi đến ban biên tập trong vòng 24 giờ. Ai cũng biết rằng để có được một bài đánh giá thì các chuyên gia cần nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng để thực hiện.

Kết quả là cho đến nay, đã có 35 công trình nghiên cứu của ông Moon bị thu hồi.

 
Nghiên cứu khoa học đòi hỏi tính chính xác và trung thực - Ảnh: Shutterstock

Công trình nghiên cứu toán học nhưng không mang tính khoa học

Hai nhà nghiên cứu tại Budweiser (Đức) là M.Sivasubramanian và S.Kalimuthu đã gửi nghiên cứu của mình đến ban biên tập chuyên san Computers and Mathematics. Chuyên san này sau đó đã cho xuất bản công trình trên vào tháng 1.2012 với tiêu đề Một ứng dụng của máy tính trong toán học.

Tuy nhiên, vào tháng 4.2012, chuyên san trên đã thông báo rút lại công trình này vì lý do “không có nội dung khoa học”.

Giả mạo bằng chứng khoa học

Nhà tâm lý học người Hà Lan Diederik Stapel khá nổi tiếng và được yêu thích bởi rất nhiều công trình nghiên cứu, chẳng hạn như thất bại đôi khi tốt hơn thành công, các mẫu quảng cáo về sắc đẹp làm phụ nữ cảm thấy mình xấu xí, quyền lực làm tăng sự phản bội.

Tuy nhiên, các nghiên cứu của nhà khoa học này lại toàn do được thêu dệt mà có.

Sự việc bị phơi bày vào tháng 9.2011. Trường đại học Tilburg tại Hà Lan đã đăng tải báo cáo cuối cùng vào tháng 11.2012 trích dẫn bằng chứng gian lận trong 55 công trình nghiên cứu của ông này.

Thiếu bằng chứng

Năm 2008, một công trình nghiên cứu được công bố trên International Journal of Andrology khẳng định rằng điện thoại di động ở chế độ chờ sẽ làm giảm số lượng tinh trùng và gây nên những thay đổi có hại cho tinh hoàn của thỏ.

Công trình này tuy được công bố trên một chuyên san ít người biết đến nhưng lại được lan truyền rộng rãi đến mức nhiều quý ông cất điện thoại di động ở túi quần phía sau thay vì đặt ở túi quần phía trước.

Vào tháng 3.2012, các tác giả đã tuyên bố rút lại nghiên cứu vì “thiếu bằng chứng để đánh giá tính chính xác của các dữ liệu được sử dụng trong công trình nghiên cứu”.

“Dựng chuyện” để được nổi tiếng

Nhà sinh vật học Shinya Yamanaka từ Trường đại học Kyoto (Nhật) đã được trao tặng giải Nobel Y học 2012 cho phát hiện có liên quan đến tế bào gốc vạn năng cảm ứng (iPS cells).

Trong cuộc họp của Quỹ Tế bào gốc New York (Mỹ) vào tháng 10 vừa qua, nhà nghiên cứu Hisashi Moriguchi từ Trường đại học Tokyo (Nhật) tuyên bố rằng đã cải tiến công nghệ này để chữa trị cho những người suy tim giai đoạn cuối. Tuyên bố nói trên ngay lập tức được lan truyền khắp thế giới.

Tuy nhiên, sự việc ngay lập tức được làm sáng tỏ khi hai tổ chức được cho rằng đang hợp tác nghiên cứu với nhà khoa học này là Trường Y Harvard và Bệnh viện đa khoa Massachusettes cho biết ông Moriguchi không hề tiến hành bất cứ nghiên cứu gì tại đây.

Đến ngày 19.10.2012, Trường đại học Tokyo đã sa thải nhà khoa học Moriguchi vì không trung thực về mặt khoa học ngay khi cuộc điều tra vẫn còn đang được tiến hành dang dở.

Ông này thừa nhận “chỉ” có sai sót trong vài thủ tục. Ông còn cho biết đã tiêm tế bào gốc vạn năng cho năm bệnh nhân và kết quả thu được khá khả quan.

Một bệnh nhân giấu tên tại một bệnh viện ở Boston (bang Massachusetts, Mỹ) thậm chí đã được chữa khỏi bệnh, theo lời ông Moriguchi.

Các đồng tác giả khác của Moriguchi cũng không gặt hái được kết quả gì. Vào tháng 11.2012, họ đã tuyên bố rút lại hai công trình nghiên cứu có liên quan được công bố trên chuyên san Scientific Reports với giải thích “không thể đảm bảo tính chính xác của kết quả nghiên cứu”.

Đức Trí

>> Chủ nhân giải Nobel Y học 2008 đến VN
>> Món quà bất ngờ cho nhà khoa học đoạt giải Nobel Y học 2012
>> Nobel Y học và ước mơ “cải lão hoàn đồng”
>> Giải Nobel Y học thuộc về hai nhà khoa học Nhật và Anh
>> Hãy đưa các nhà khoa học trẻ ra nước ngoài
>> Nhà khoa học Trung Quốc kiện Hội đồng Nobel
>> Những "nhà khoa học nhí
>> Nhà khoa học trẻ tài năng thường tự tìm được đường đi cho riêng mình
>> Cần thay đổi chính sách đãi ngộ cho nhà khoa học
>> 5 nước thu hút nhiều nhà khoa học nhất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.