Lối đi khác biệt

01/01/2013 03:00 GMT+7

25 tuổi, tốt nghiệp ĐH được 2 năm, Lê Vân (thôn Tân Xuân 1, xã Cam Thành, H.Cam Lộ, Quảng Trị) chọn cho mình một lối đi riêng - trở thành cô chủ nhỏ.

Năm 2010, tốt nghiệp với tấm bằng loại khá ngành Nông học (Trường ĐH Nông Lâm Huế), Vân lặn lội vào tận Lâm Đồng trồng hoa. Nhưng rồi cô nhận ra rằng, nơi đất khách, dẫu có cố gắng mấy cũng chỉ là làm thuê, khó mà khá lên được và chẳng đâu bằng đồng đất quê mình. “Là con gái, nói thật em cũng muốn ổn định ở một cơ quan, đơn vị nào đấy, nhưng ở Quảng Trị cơ hội việc làm rất hiếm hoi, nhà em không khá giả gì”, Vân nói.

Không chịu khoanh chân ngồi chờ sung rụng, Vân mạnh dạn bàn bạc với bố mẹ đầu tư xây dựng một trang trại ngay trên khoảnh đất gần 1.000 m2 phía sau vườn nhà. “Em có niềm tin phần vì đất đai vùng gò đồi nơi đây rất tốt, không mấy khi phụ lòng người, phần vì em cũng đã có hơn 4 năm học nông học, không giỏi giang thì chí ít cũng phải sống được với các kiến thức nuôi trồng cơ bản chứ”, Vân nói, đôi mắt ánh lên nhiều khát vọng.

Tháng 9.2011, được sự hậu thuẫn của gia đình, Vân dồn 150 triệu đồng vào việc xây chuồng trại và mua giống. Lợn rừng là vật nuôi chủ lực mà cô hướng tới, cùng lúc nuôi đồng thời chim trĩ, gà sao… “Đây là những con vật hoang dã đã được ngành chức năng cho phép nhân rộng. Trước khi lặn lội vào nam ra bắc đặt giống, mình đã lên mạng tìm hiểu rất kỹ về chúng cũng như cách nuôi nên rất yên tâm”, Vân tâm sự.

Vân tỏ ra đặc biệt thích thú với lợn rừng. Theo Vân, đây là loài vật dễ nuôi, ít bị bệnh và đặc biệt là thức ăn rất đơn giản, chi phí thấp. “Lợn rừng chỉ ăn rau ráng, sắn sim quanh vườn nên mình rất chủ động. Tính ra chi phí và công cán nuôi lợn rừng chỉ bằng 1/3 so với nuôi lợn nhà trong khi giá trị lại cao (180.000 đồng/kg), nuôi 4 tháng có thể xuất bán giống, nuôi 6 tháng xuất bán thịt”, Vân cho biết. Chính nhờ sự đam mê và đầu tư nghiên cứu kỹ thuật, từ vài con lợn giống ban đầu, đàn lợn rừng của Vân hiện đã lên đến 25 con. Cô còn tự nhân giống lợn và xuất bán hơn 10 con.

Riêng với chim trĩ và gà sao, Vân nhận định dù có thịt rất ngon nhưng giá cả lại rất đắt so với đời sống người dân Quảng Trị nói chung. Nên cô chỉ nuôi “chơi chơi” mười mấy con chim trĩ và vài con gà sao để thử nghiệm.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã tìm đến trang trại của “cô chủ nhỏ” để học hỏi kinh nghiệm và mua giống, tất nhiên Vân không giấu giếm, nề hà điều gì.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.