Tập trung xử lý nợ xấu

31/12/2012 03:45 GMT+7

Theo TS Nguyễn Đức Trung, Viện phó Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngân hàng, nợ xấu là vấn đề nổi cộm. Nhóm nghiên cứu của học viện đã dựng kịch bản xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro, với giả định tình huống xấu nhất là các ngân hàng (NH) mất toàn bộ nợ xấu.

 Trong trường hợp tỷ lệ nợ xấu là 8,82% (theo tính toán của NHNN), giá trị nợ xấu 257.164 tỉ đồng, sau khi trừ xong nợ đọng xây dựng cơ bản (các địa phương nợ) khoảng 90.000 tỉ đồng, và trừ tiếp cho dự phòng rủi ro khoảng 75.000 tỉ đồng, giá trị nợ xấu còn lại vào khoảng 92.164 tỉ đồng. Trong trường hợp tỷ lệ nợ xấu lên tới 15% theo tính toán của tổ chức xếp hạng Fitch Ratings, tổng nợ xấu của hệ thống NH thương mại là 437.354 tỉ đồng, sau khi trừ hai khoản nói trên sẽ còn lại 272.354 tỉ đồng.

Ở kịch bản đầu, toàn bộ nợ xấu được giải quyết. Ở kịch bản thứ hai, khả năng mức thu hồi tài sản bảo đảm đạt giá trị 50% so với giá trị ban đầu, thì mức nợ xấu theo tính toán của NHNN được giải quyết, trong khi mức nợ xấu theo đánh giá của Fitch Ratings còn tồn đọng 75.920 tỉ đồng. Nếu kinh tế suy thoái, mức thu hồi tài sản bảo đảm chỉ đạt 30% thì với tỷ lệ nợ xấu 8,82%, hệ thống NH còn tồn đọng 22.862 tỉ đồng và ở mức nợ xấu 15% tồn đọng 154.949 tỉ đồng. Lúc này, NH thương mại phải sử dụng đến vốn tự có, hiện là 149.727 tỉ đồng, thì nợ xấu ở mức 8,82% sẽ được xử lý hết, còn nợ xấu ở mức 15% sẽ còn lại 4.767 tỉ đồng.

“Đối với chính sách tiền tệ năm 2013, chúng tôi đề xuất tiếp tục mục tiêu ổn định vĩ mô; NHNN thông qua trần lãi suất cho vay, tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất. Để xử lý vấn đề sở hữu chéo, cần có quy định cấm đầu tư lòng vòng giữa các NH với nhau; bổ sung mô hình “NH chuyên môn hóa” và “NH đa năng””, TS Trung nói.

Tương tự, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhìn nhận vừa qua NHNN đã làm được rất nhiều việc, nhưng xử lý các NH yếu kém và nợ xấu còn quá chậm. Nếu không làm nhanh, cứ kéo rề rà, Chính phủ có muốn làm gì về lãi suất, về giảm tồn kho… thì đụng đâu cũng vướng. “Cái khó là nợ xấu tập trung phần lớn vào 5 - 7 NH yếu kém thuộc diện tái cơ cấu. Trong đó, có NH nợ xấu lên tới 40% tổng dư nợ, trong khi dự phòng rủi ro của hệ thống được trích lập khoảng 75.000 tỉ đồng, nhưng những NH này lại không trích được. Thêm nữa, nguồn dự phòng không thể điều tiết được từ NH thừa sang NH thiếu. Do đó, khi hạ lãi suất lại đụng vào mấy NH nhỏ không vay được trên thị trường liên ngân hàng lại chạy ra thị trường dân cư hút tiền gửi bằng mọi giá. Muốn ổn định vĩ mô phải ổn định lãi suất, quan điểm này của Mỹ rất đúng, vì vậy phải gấp rút xử lý mấy NH yếu kém này”, TS Nghĩa phân tích.

Anh Vũ

>> Đã xử lý được 39.000 tỉ đồng nợ xấu
>> Kiên quyết không để nợ xấu xấu hơn
>> Nợ xấu tiềm ẩn ở công ty chứng khoán
>> Gỡ "tồn kho, nợ xấu" cho thị trường bất động sản
>> Thống đốc NHNN sẽ trả lời chất vấn về nợ xấu, thị trường vàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.