Mẹ đi du học

30/12/2012 03:35 GMT+7

Tôi đặt chân đến sân bay Boston, thế là đã đến nước Mỹ rồi đấy, lòng hồi hộp, chộn rộn và khắc khoải. Nơi đây, cách quê nhà nửa vòng trái đất.

Mượn điện thoại của anh bạn ra đón ở sân bay, tôi gọi điện về nhà. Tiếng đứa con gái vẫn còn ngọng nghịu: Mẹ, a mẹ...( im lặng). Mẹ về với con... tiếng con khóc vỡ òa. Tôi thấy môi mình mặn đắng, quay quắt trong nỗi nhớ con.

33 tuổi, tôi bắt đầu chặng hành trình mới: du học. Với bao nhiêu hoài bão, ước mơ, và sau hơn 5 năm miệt mài tìm kiếm học bổng, cuối cùng tôi cũng đã có cơ hội để thực hiện ước mơ du học của mình. Ngày nhận được thư thông báo trúng học bổng, tôi nhảy cẫng lên sung sướng, hai đứa con gái cũng nhảy theo reo hò “mẹ vui quá, mẹ vui quá”. Ngày tôi đi du học, hai đứa con gái vui tíu tít vì được ra sân bay, mỗi đứa tranh nhau xách va li một đoạn và ríu rít dặn tôi: “Mẹ đi vài hôm rồi về nhé, không con nhớ mẹ lắm”. Tôi bước lên cầu thang, không dám quay đầu nhìn lại, phía sau lưng, đôi bàn tay nhỏ của con vẫy vẫy.

Tác giả (người thứ nhất từ phải sang) và bạn bè tại Trường Clark University, Mỹ
Tác giả (người thứ nhất từ phải sang) và bạn bè tại Trường Clark University, Mỹ
- Ảnh: do tác giả cung cấp
 

Bạn bè biết tôi đi du học, ai cũng bảo tôi “gan” và “liều” quá. Cô bạn thân ghé tai tôi thầm thì: “Nghĩ kỹ chưa mà đi, phụ nữ đi học xa nhà là nhiều việc phải tính lắm đó”. Người không hiểu thì nói tôi tham vọng nhiều quá, đã học đến mấy trường trong nước, học xong thạc sĩ rồi mà vẫn còn ham hố thêm một bằng thạc sĩ nước ngoài cho xịn. Người từng trải những năm tháng du học xa nhà thì nói: du học với phụ nữ là cả một sự hy sinh ở chính bản thân mình và gia đình. Tôi lắng nghe, im lặng vì rằng mình đang đi trên con đường đã chọn...

Tôi lao vào học để những ngày tháng xa con, xa gia đình không là hoài phí, để không có khoảng trống cho những thao thức nhớ thương. Mấy người bạn gọi tôi là “library keeper” (tạm dịch “mọt sách”) mỗi lần gặp trên thư viện. Tôi quen dần với việc học bên này, và con gái tôi cũng quen dần với việc mẹ vắng nhà, quen với việc gặp tôi qua mạng mỗi cuối tuần. Thế mà thỉnh thoảng cô con gái út vẫn xòe bàn tay nhỏ xíu trước màn hình máy tính năn nỉ: “Con muốn được nắm tay mẹ, con muốn chui qua màn hình máy tính để sang thăm mẹ”.

Chiều thứ sáu, tôi ghé qua hộp thư cá nhân ở trong khoa, bất ngờ nhận được lá thư có con tem Việt Nam. Cảm xúc hồi hộp lâng lâng, ôi, thư của con gái tôi, nét chữ lớp một nắn nót trên từng hàng ô li. Tôi chẳng kịp đọc, áp lá thư vào ngực vừa hạnh phúc, vừa thấy nhói buốt nơi trái tim. Ngày tôi đi học, con gái lớn cũng bắt đầu vào lớp một, tôi vẫn chưa một ngày cầm tay uốn nét chữ cho con, thế mà giờ này con đã biết viết thư cho tôi...

Mắt tôi nhòa đi trên những dòng thư viết bằng mực tím của con. Trong suy nghĩ ngây thơ, hồn nhiên nhưng có phần già trước tuổi của một cô bé học lớp một, tôi nhận ra một mơ ước đang hình thành. Có lẽ những câu chuyện tôi vẫn thường kể con nghe về cuộc sống, học tập ở bên này, về khát vọng... đã truyền mơ ước vào con tôi, mơ ước được đến những chân trời mới. Và tôi tin, khi “Mẹ đi du học” ít nhất tôi cũng đã có thể truyền mơ ước và niềm tin cho con. Đó cũng là điều ý nghĩa lắm chứ. 

Hương Nguyễn
(Trích bài đoạt giải đặc biệt cuộc thi Hành trình 13.000 cây số do Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam vùng Boston Mở rộng và Báo Thanh Niên tổ chức)

>> Báo Thanh Niên tổ chức cuộc thi ''Hành trình 13.000 cây số'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.