“Món nợ” lương giáo viên

26/12/2012 02:40 GMT+7

Phiên giải trình của Chính phủ về việc thực hiện chính sách pháp luật giáo dục mầm non và đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông sáng qua (25.12) đã mổ xẻ từ lương giáo viên, chương trình học đến việc kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh.

Chủ trì phiên giải trình là Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Day dứt với thu nhập của giáo viên mầm non

 

Một phần do nhận thức, một phần do điều kiện tài chính nên có giai đoạn đã không coi trọng giáo dục mầm non bằng các cấp học phổ thông

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT PHẠM VŨ LUẬN

Theo báo cáo giải trình của Bộ GD-ĐT, cả nước còn thiếu tới 22.800 giáo viên (GV) mầm non. Số GV biên chế nhà nước chỉ chiếm hơn một nửa tổng số GV mầm non với 135.744 người (đạt tỷ lệ 56,1%). Bên cạnh một số địa phương hỗ trợ ngân sách như tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP.HCM, còn lại phần lớn GV mầm non ngoài biên chế chưa được hưởng lương theo ngạch bậc, không tăng lương theo định kỳ. Có địa phương hỗ trợ cho GV mầm non ngoài biên chế thấp hơn mức lương tối thiểu chung. Thu nhập của GV cấp học này nhìn chung còn rất thấp.

Bộ GD-ĐT nêu dẫn chứng, thu nhập bình quân của GV ngoài biên chế tính đến cuối năm 2010 thấp nhất là 1.192.000 đồng/tháng, cao nhất là 2.566.000 đồng/tháng. Một số tỉnh như Quảng Trị, Quảng Nam,  Bình Định, Phú Yên, Thái Nguyên, Hà Nam thu nhập của GV ngoài biên chế bằng hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) chất vấn: “Tại sao vẫn tồn tại nghịch lý là trong khi đang rất thiếu GV mầm non, số GV ngoài biên chế lại nhiều và đồng lương so với GV biên chế còn quá thấp, đời sống khó khăn? Vậy có kế hoạch chuyển GV mầm non ngoài biên chế vào để giải quyết cả hai vấn đề nêu trên không?”. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận bày tỏ sự day dứt vì vẫn chưa giải quyết được “món nợ” trong việc cải thiện lương cho GV mầm non ngoài biên chế tồn tại nhiều năm qua. Ông Luận cho rằng: “Một phần do nhận thức, một phần do điều kiện tài chính nên có giai đoạn đã không coi trọng giáo dục mầm non bằng các cấp học phổ thông. Nay Chính phủ đã quan tâm, chú trọng hơn nhiều nhưng bước đầu cũng mới chỉ giải quyết được đối với đối tượng trẻ mầm non 5 tuổi, quyết định chuyển từ trường mầm non bán công sang công lập…”. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng khẳng định chưa thể chuyển hết đội ngũ GV ngoài biên chế vào ngay được vì cần phải có lộ trình. Trước mắt, vẫn phụ thuộc vào việc các địa phương vận dụng ngân sách của địa phương mình để có thể quy định cho GV ngoài biên chế được hưởng chính sách tương đương với GV công lập, được đóng bảo hiểm…

Giải đáp vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho hay: “Mọi quy định hiện hành về chính sách cho giáo dục mầm non về mặt tài chính đã được thực hiện đầy đủ, mỗi năm ngân sách nhà nước chi thêm 3.000 tỉ đồng để chi lương cho GV khi chuyển từ trường ngoài công lập sang công lập, 20 tỉ đồng hỗ trợ cho GV nghỉ hưu dù chưa đủ tuổi nhưng không đảm bảo chất lượng giảng dạy. Số tiền này được phân bổ về ngân sách địa phương”.

“Món nợ” lương giáo viên
GV mầm non làm việc khá vất vả nhưng thu nhập rất thấp, đặc biệt với những GV ngoài biên chế - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Chương trình kém vì thiếu “chỉ huy trưởng”

Khi đề cập tới những hạn chế, bất cập của chương trình,  sách giáo khoa (SGK) phổ thông hiện hành, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã đưa ra rất nhiều điều chưa làm được. Chẳng hạn chương trình chưa được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt từ tiểu học đến THPT, từ cấp học đến từng môn học, không có tổng chủ biên chương trình SGK từ lớp 1 đến lớp 12…

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh (Đắk Nông), Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, bày tỏ lo lắng về hiện tượng học sinh học lệch theo khối thi ĐH, học nặng về kiến thức mà chưa chú trọng đến giáo dục nhân cách. Bên cạnh đó, ông Vinh cũng băn khoăn về việc học sinh tiểu học đạt điểm 9, 10 quá nhiều như hiện nay liệu có phản ánh đúng về việc phân loại học sinh hay không? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đồng tình với những băn khoăn của ông Vinh và hứa hẹn: “Sau năm 2015, chương trình sẽ được giải quyết căn bản theo hướng tích hợp cao, giảm dần khối lượng kiến thức hàn lâm, sách vở…”. Về việc quá nhiều học sinh giỏi ở bậc tiểu học, ông Luận cũng cho rằng: “Sẽ phải nghiêm túc xem xét lại cách thức kiểm tra, đánh giá ở bậc tiểu học, không tạo áp lực cho các cháu nhưng cũng phải tạo động lực để các cháu có ý thức vươn lên, vượt qua chính bản thân mình”.

Xung quanh chủ trương sau năm 2015 sẽ có một chương trình nhưng có thể có nhiều bộ SGK, Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu quan điểm rõ hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, ông Luận đã từ chối trả lời thẳng vào vấn đề này và cho rằng: “Đây là vấn đề hệ trọng và rất khó khăn, Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu và cần một sự bình lặng, tránh tranh cãi, bàn tán trên báo chí”. Vì vậy, ông Luận xin phép khi nào kết quả nghiên cứu chín muồi sẽ báo cáo (mật) với ủy ban!

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT bất thường

Tại phiên giải trình lần này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chính thức thừa nhận tỷ lệ tốt nghiệp THPT trong các năm gần đây không ổn định và bất thường (tăng gần 16% từ năm 2007-2011) gây nhiều băn khoăn, lo lắng và nghi ngại về chất lượng giáo dục.

Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) đề nghị Bộ GD-ĐT phải đổi mới mạnh mẽ trong khâu kiểm tra, đánh giá để có thể thay đổi ngược trở lại chất lượng dạy và học. Ông Luận thừa nhận: “Việc đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay vẫn đang dựa vào tỷ lệ tốt nghiệp THPT. Điều này khiến các địa phương chịu sức ép về kết quả tốt nghiệp nên đã dẫn tới chuyện nới lỏng khâu coi thi, chấm thi”. Ông Luận cũng thông tin sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ đã tiến hành chấm lại ngẫu nhiên hơn 10.000 bài thi và sau đó đã có công văn mật gửi bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh và giám đốc sở GD-ĐT các địa phương để thông báo kết quả chấm lại và chỉ rõ khâu coi thi, chấm thi đúng và chưa đúng ở chỗ nào. “Chúng tôi cũng khẳng định năm nay làm “mật” nhưng từ năm sau kết quả này sẽ công khai để báo cáo với dân, với Đảng…”, người đứng đầu ngành GD-ĐT khẳng định.

Liên quan đến việc đổi mới thi cử, ông Luận cho biết: “Sắp tới sẽ áp dụng chương trình đánh giá chuẩn quốc tế (PISA) để đánh giá chất lượng học sinh, kết quả này sẽ hoàn toàn độc lập với kết quả các kỳ thi hiện hành ở Việt Nam. Hình thức này đã được áp dụng thí điểm 2 năm nay và năm 2013 sẽ công bố kết quả của cuộc khảo sát năm 2012 để biết chất lượng GD-ĐT của chúng ta đang đứng ở đâu”.

Sẽ dừng đào tạo ngành sư phạm ở những trường không đủ điều kiện

Chất lượng GV nói chung cũng là mối quan tâm của các đại biểu tại phiên giải trình. Đại biểu Nguyễn Thành Công (Vĩnh Long) lo ngại đầu vào của trường sư phạm thấp, chưa có cơ chế thu hút học sinh giỏi theo ngành sư phạm dẫn tới chất lượng GV ra trường không cao... Ông Công chất vấn: “Bộ GD-ĐT sẽ thiết kế lại hệ thống trường sư phạm hiện nay ra sao?”. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay: “Sẽ rà soát lại toàn bộ mạng lưới trường sư phạm hiện nay, điều tra theo các hướng: trường nào không có nhu cầu và không đủ điều kiện tiếp tục đào tạo ngành sư phạm thì sẽ cho dừng; trường nào tiếp tục thì phải đào tạo gắn với nhu cầu thực tế. Riêng hai trường ĐH sư phạm trọng điểm thì sẽ phải có những nhiệm vụ đặc thù...”.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.