Đường nước “khổng lồ” ở Hoàng thành

27/12/2012 03:10 GMT+7

Các nhà khảo cổ vừa công bố về một đường nước bằng gạch ở Hoàng thành Thăng Long. Kích cỡ của nó lớn chưa từng thấy trong bất cứ di tích khảo cổ nào ở Việt Nam.

Những viên gạch vuông xếp khít nhau thành một nền phẳng. Sắc gạch đỏ cam ánh lên tươi rói, ngấn nước. Hai bên của hàng gạch rộng này là những viên gạch xếp khít nhau, không vữa tạo nên thành hố cao quá đầu người. Không chỉ đẹp, kết cấu gạch này còn rất quý. “Đây là lần đầu tiên tìm thấy kiến trúc thời Lý đích thực ở khu vực bắc Đoan Môn. Dấu hiệu kiến trúc thời Lý xuất lộ cho thấy dáng vẻ rất hoành tráng”, PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học nói.

Ông Tín cho biết, đường nước lớn này được xây dựng hoàn toàn bằng gạch vuông, gạch bìa có hai hàng cọc gỗ đóng sát hai bên phục vụ chống lún. Phần cao nhất còn lại 2 m. Phần rộng nhất 2 m. Phía đông, do bị các hố thời sau đào phá cho nên gạch đã bị lấy mất hết, nhưng phần cọc gỗ còn lại đã cho thấy đường nước lớn này đang tiếp tục chạy theo hướng đông - tây. Song song với đường nước này có dấu tích móng sành là dấu tích của móng tường thời Lý rộng 1,6 m.

Nhóm nghiên cứu của ông Tín đưa ra 4 giả thuyết về chức năng của dấu tích này. Thứ nhất, đây là đường nước nhằm phục vụ cho việc thoát nước của một khu vực quan trọng thuộc Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long thời Lý. Thứ hai, đây là dấu tích tâm linh có quan hệ chặt chẽ đến khoa học phong thủy. Thứ ba, đây là dấu tích có chức năng đặc biệt, có quan hệ trực tiếp tới các vua Lý mà chưa giải thích ngay được. Thứ tư, đây không phải là đường nước mà là dấu tích nền móng kiến trúc của khu vực Trung tâm thời Lý.

 
Các nhà khoa học tại di tích kiến trúc mới phát hiện của Hoàng thành Thăng Long - Ảnh: Trinh Nguyễn

Tranh cãi về chức năng

Tuy nhiên, các nhà khoa học được mời thăm di tích còn đưa ra thêm rất nhiều giả thuyết lý giải quy mô, chức năng của nó. Cho tới hết cuộc thảo luận sáng qua (26.12), việc tranh luận này vẫn chưa ngã ngũ.

“Chúng ta không quên, ngay từ những ngày đầu quy hoạch khu Hoàng thành Thăng Long, Lý Thái Tổ đã cho xây điện Càn Nguyên, trong đó có sân Long Trì”, GS-TS Nguyễn Quang Ngọc nói. “Nghiên cứu, khảo cứu tại kinh đô Nara (Nhật Bản) hay tại Tây An (Trung Quốc) cho thấy các sân điện đều có Long Trì - nghĩa là sân rồng và ao rồng. Từ đó, chúng ta còn có thể nghĩ tới ao hoặc hào nước. Cũng có thể suy đoán rằng dấu tích này là một kiểu hào nước”.

GS Trần Đức Cường, Viện Khoa học xã hội lại cho rằng đây có thể là đường hầm thoát hiểm, hoặc công trình phong thủy. “Khi so sánh với cống tại khu khảo cổ học ở 18 Hoàng Diệu, chúng ta thấy đây không thể là một dấu tích cống. Về mặt kết cấu, cung điện có thể có những đường lớn để thoát ra, còn gọi là hầm thoát hiểm. Đoạn đường chúng ta vừa đào có chiều rộng 2 m hoàn toàn có thể thích hợp với giả thiết thoát hiểm này. Cũng còn khả năng khác là một công trình phong thủy lớn - một dạng hồ nước hoặc có chuyển động của nước”, ông Cường nói.

GS Hoàng Văn Khoán lại khẳng định đây là một bể nước sinh hoạt cho hoàng cung. “Nước là yếu tố sống còn, quyết định sự sống. Vậy mà cho đến nay ở Đoan Môn chúng ta chưa tìm thấy yếu tố nước này. Chính vì thế, dựa trên đáy lát gạch vuông bằng phẳng tôi cho rằng đây là một bể chứa nước để dùng. Bể nước sẽ phải có mái che và tại đây cũng tìm thấy các cột móng. Như thế, rất có thể đó là các cột đỡ mái che bể nước dùng”, GS Khoán phân tích.

Cũng vì còn nhiều ý kiến như vậy nên chắc chắn việc nghiên cứu, so sánh vẫn còn phải tiếp tục. Đặc biệt, việc nghiên cứu tiếp cũng cần thêm tư liệu khảo cổ học tại di tích. Muốn thế, cần mở thêm hố khai quật để hình dung rõ hơn về điểm đầu và cuối của đường nước này. “Chúng ta cần so sánh tư liệu từ đó tìm cách chặn đầu hoặc chặn đuôi con đường”, TS Lê Thị Liên nêu ý kiến. Đây cũng là ý kiến của GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia.

Kết luận hội thảo, GS Phan Huy Lê cho rằng thời gian tới nên xem xét để mở rộng khai quật, nghiên cứu so sánh. Đặc biệt, vấn đề lưu tư liệu nên được làm thật kỹ, chẳng hạn, cần có tư liệu 3D.

Hướng nghiên cứu, xử lý bảo tồn

* Trong chương trình nghiên cứu kết hợp với Đại học Thuận Thiên (Hàn Quốc) tôi đã tiếp xúc với một công trình (cống nước) có cách đóng cọc gỗ để đỡ gạch tương tự. Tuy nhiên công trình ở Hàn Quốc được làm bằng đá. Tôi sẽ liên lạc để trao đổi thông tin với ĐH Thuận Thiên về di tích trên. Trong tháng 1 tới, khi đoàn ĐH Thuận Thiên sang làm việc tại Việt Nam, việc đưa các chuyên gia này tới tận nơi khảo sát có lẽ sẽ đưa tới nhiều so sánh, kết quả thú vị.

PGS-TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Tôn giáo

* Kinh nghiệm ở Lam Kinh, khi chúng tôi mới khai quật di tích cũng đẹp như thế này. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng nếu không có bảo quản kịp thời, di tích đã mốc xanh ngay. Tuy nhiên do tết đang đến gần nên tôi nghĩ cứ tạm thời chưa lấp vội mà để cho người dân tham quan đã. Sau đó, chúng ta có thể lấp cát bảo tồn.

TS Vũ Quốc Hiền, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia

* Cần khẩn trương làm mái che, nó sẽ giúp di tích bên dưới được bảo quản tốt hơn.

GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia

Trinh Nguyễn (ghi)

Trinh Nguyễn

>> Phê duyệt cơ chế vốn cho bảo tồn di tích cố đô Huế
>> Độc đáo di tích Champa Cấm Mít
>> Di tích Trường Lũy bị “chia đôi”
>> Đồng Tháp chuẩn bị công bố di tích quốc gia đặc biệt
>> Lập hồ sơ di tích tòa soạn Báo Tiếng Dân tại Huế
>> Bảo tồn di tích Ly cung Trần - Hồ
>> Ứng dụng công nghệ nano phục hồi di tích Chăm
>> Nhiều di tích trở thành phế tích

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.