Đìu hiu liên hoan ảo thuật

26/12/2012 03:25 GMT+7

Tại buổi họp báo hôm qua, Ban tổ chức cho biết, do trùng với “chiến dịch” biểu diễn sát Tết Dương lịch, 20 tiết mục dự kiến dự Liên hoan ảo thuật toàn quốc lần 2 chỉ còn 13.

Trước đó, đã có 32 tiết mục gửi băng hình tham dự, từ đó Ban tổ chức lựa ra được 20 tiết mục có thể tranh tài chính thức tại liên hoan. Số nghệ sĩ tham dự do đó cũng dự kiến giảm từ 300 xuống còn khoảng 100 người.

Trên thực tế, các tiết mục ảo thuật trong nước vốn luôn nhỏ nhắn, xinh xắn. Nhỏ, xinh đến mức chúng luôn chỉ là phần nhỏ của một buổi biểu diễn xiếc hay ca nhạc, tạp kỹ và chỉ kéo dài không quá 15 phút. Ảo thuật Việt Nam chưa từng có sự hoành tráng như nhiều tiết mục ảo thuật quốc tế. Theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, chúng ta không có những đoàn ảo thuật chuyên nghiệp, chỉ có những người làm ảo thuật trong đoàn xiếc của nhà nước và những người làm ảo thuật theo kiểu xã hội hóa.

 Các nghệ sĩ ảo thuật có thể diễn tại các đám cưới, các sự kiện, các buổi liên hoan cơ quan
Các nghệ sĩ ảo thuật có thể diễn tại các đám cưới, các sự kiện, các buổi liên hoan cơ quan
- Ảnh: Ngọc Thắng

Chính đặc thù “phi biên chế nhà nước” này đã khiến người làm ảo thuật phải vô cùng cơ động để làm nghề, nuôi nghề. Cộng thêm sự nhỏ gọn của nhóm ảo thuật, người làm ảo thuật có thể len lỏi tới nhiều ngõ ngách trong cuộc sống để phục vụ khán giả. “Chúng tôi có cả những nghệ sĩ biểu diễn ảo thuật mừng đám cưới”, NSND Nguyễn Thị Tâm Chính, Chủ tịch Liên chi hội Xiếc, cho biết.

Cũng sự cơ động này dẫn đến đặc thù nữa của việc đào tạo ảo thuật. Các nghệ sĩ chủ yếu tự đào tạo ở quy mô nhỏ theo kiểu truyền nghề kết hợp với tự học qua băng đĩa, qua mạng. Bản thân một giám khảo của liên hoan - ảo thuật gia Bảo Thu cũng đã học “hàm thụ” tại Học viện Ảo thuật I.M.S (Mỹ). Theo đó, ông đã học 50 nhóm nội dung trong 10 chiếc đĩa nén trong suốt 1 năm trước khi làm bài thi về ảo thuật. Cách học từ xa này cũng là điều nhiều nhóm ảo thuật tự do, ảo thuật đường phố vẫn đang thực hiện. Tuy nhiên, tại liên hoan những nhóm ảo thuật như thế lại vắng mặt. “Các nhóm ảo thuật đường phố có thể làm được một vài tiết mục được xếp trong các trò ảo thuật khó trên thế giới”, ông Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nói.

Nếu những đánh giá của ông Hợp đúng, sự vắng mặt của các nhóm ảo thuật “di động” tại liên hoan có thể coi là điều đáng tiếc. Bởi nó khiến hình dung về ảo thuật Việt trở nên kém đầy đủ. Nó cũng làm sân chơi giao lưu nghề nghiệp bớt sôi động phần nào. Quan trọng nhất, vắng họ, sân chơi trở nên “một màu” khi đội hình chủ đạo chỉ là các diễn viên nhà nước.

Chính vì thế, việc tổ chức Liên hoan ảo thuật toàn quốc tới cũng nên được cân nhắc tổ chức vào thời điểm phù hợp để số lượng nghệ sĩ giao lưu nghề được nhiều hơn. Thêm vào đó, có lẽ cũng cần những đầu tư nhất định về vật chất hoặc cơ chế cho ảo thuật. Bởi, muốn một ngành nghệ thuật (dù năng động đến mấy) phát triển, cũng cần cơ chế đầu tư.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.