Bác sĩ nước ngoài đến VN học phẫu thuật

27/12/2012 08:28 GMT+7

(TNO) Trung tâm Phẫu thuật thực nghiệm thuộc Đại học Y dược TP.HCM thật sự là môi trường lý tưởng để các bác sĩ nâng cao kiến thức và tay nghề, kể cả các bác sĩ đến từ Singapore, Malaysia...

Trung tâm Phẫu thuật thực nghiệm (TTPTTN) được thành lập năm 2010 với mục đích đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật mổ cho các bác sĩ (BS) ngoại khoa đã tốt nghiệp, nhận chuyển giao kỹ thuật mới từ nước ngoài cũng như chuyển giao kỹ thuật mới cho các BS trong nước một cách bài bản, an toàn và hiệu quả nhất trước khi mổ thực tế trên bệnh nhân.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online, BS Tăng Hà Nam Anh - Phó giám đốc TTPTTN - cho biết, ở các nước tiên tiến, với một kỹ thuật mổ mới, bao giờ cũng phải làm trên động vật, trên xác rồi mới triển khai trên người.

Bệ phóng cho y khoa Việt Nam 1
Bác sĩ rèn luyện kỹ năng với hệ thống mô phỏng phẫu thuật nội soi - Ảnh: Lan Chi

Trước đây, BS nước ngoài sang chuyển giao kỹ thuật thường mổ thị phạm trên bệnh nhân, và BS VN theo dõi để học.

Phương pháp này về cơ bản còn gây nhiều khó khăn cho giảng viên vì không được làm việc ở môi trường quen thuộc, trang thiết bị chưa chắc đầy đủ và lại không có người hỗ trợ (mổ thường phải có ê kíp).

Ngoài ra, giảng viên còn chịu áp lực lớn khi mổ trực tiếp trên bệnh nhân với nhiều người theo dõi xung quanh nên khó thể hiện được hết khả năng, khiến hiệu quả của ca mổ kém.

Thực hiện đề án 1816 của Bộ Y tế về chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, các BS tuyến trên khi đến các tỉnh thành khác để hướng dẫn phẫu thuật cũng gặp những trở ngại tương tự.

Về phía học viên, ở những khóa học như thế chỉ có thể ngó “suông” mà không được thử vì có thể gây nguy hiểm cho người bệnh do chưa từng thực hành trước đó.

Và để khắc phục những vấn đề này, Đại học Y dược TP.HCM đã quyết định thành lập TTPTTN. Có thể nói, đây là một trong những trung tâm hàng đầu Đông Nam Á về trang thiết bị lẫn số lượng "xác tươi". 

Hiện nay, việc chuyển giao kỹ thuật mới từ nước ngoài về VN và từ tuyến trên xuống tuyến dưới đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều khi được thực hiện tại trung tâm.

Chương trình học tại TTPTTN rất đa dạng, từ các đợt tập huấn chỉ một hoặc hai ngày cho đến các khóa vi phẫu kéo dài đến 10 tháng.

 Bệ phóng cho y khoa Việt Nam
Bác sĩ Nicolas Graveleau đến từ Trung tâm Chấn thương thể thao CMC Paris V (Pháp) thị phạm kỹ thuật mới về tái tạo dây chằng chéo trước tại TTPTTN - Ảnh: Lan Chi

Sắp tới, Đại học Y dược TP.HCM sẽ mở mô hình “chuyển giao trọn gói” để tỉnh thành nào muốn phát triển kỹ thuật gì sẽ ký hợp đồng với trường.

Tại TTPTTN, trường sẽ chọn những chuyên gia đầu ngành để dạy trên xác, mô hình và học viên sẽ được thực hành từ vài ngày đến một tuần để thuần thục các thao tác.

Sau đó, chuyên gia sẽ về địa phương để mổ thị phạm một số ca và theo dõi các BS - học viên trực tiếp thực hiện.

TTPTTN còn hướng đến mục tiêu hỗ trợ cho các BS phát huy sự sáng tạo, khi có ý tưởng về một phương pháp mổ mới có thể thử nghiệm tại đây.

Với cách làm bài bản, hiện trung tâm đã thu hút rất nhiều bác sĩ trong khu vực đến học qua những khóa dành riêng cho học viên nước ngoài được giảng dạy bằng tiếng Anh. Đáng chú ý là ngoài các đoàn BS đến từ Indonesia, Malaysia, Philippines, Pakistan… gần đây còn có một số bác sĩ Singapore cũng đăng ký học.

"Game" 3D của bác sĩ

Được sự hỗ trợ của Bộ Y tế nên các thiết bị của TTPTTN rất hiện đại. Trong số này, có thể kể đến hệ thống mô phỏng phẫu thuật nội soi, với các chương trình từ cơ bản đến nâng cao để học viên có thể học toàn bộ các kỹ thuật mổ nội soi ổ bụng thuộc các chuyên khoa ngoại lồng ngực, ngoại tiêu hóa, ngoại niệu, sản phụ khoa…

Máy này thoạt trông khá giống một máy… chơi game, nhưng thay cho cần gạt là các dụng cụ mổ, còn trên màn hình là hình ảnh 3D của ổ bụng. Các bác sĩ đến học sẽ được “chơi” các trò cơ bản để quen dụng cụ như bắn bóng, từ đứng yên đến di chuyển (tập điều khiển máy quay trong nội soi), kẹp mạch máu… Độ phức tạp được nâng dần đến bài tập sau cùng là mổ hoàn chỉnh một bộ phận.

Điều thú vị là nếu học viên mổ sai vị trí, cũng sẽ gặp cảm giác vướng, bị đẩy như ở người thật.

Ngoài ra, TTPTTN còn có phòng phaco với đầy đủ máy móc “đời mới” để học các kỹ thuật mổ nâng cao ở nhãn khoa.

Riêng các kỹ thuật vi phẫu sẽ được thực hành với chuột, bọ, cuống rốn; còn kỹ thuật nội soi khớp thực hành trên mô hình.

Sau đó, học viên sẽ được mổ trên "xác tươi".

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Bác sĩ không cập nhật kiến thức sẽ "giết bệnh nhân
>> Phẫu thuật mắt miễn phí
>> Sử dụng robot phẫu thuật cột sống
>> Phẫu thuật bàn tay với chuyên gia Pháp tại Bệnh viện FV
>> Tái sinh đôi gò bồng đảo với chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ hàng đầu đến từ Pháp
>> Giảm 50% chi phí phẫu thuật
>> Bệnh viện FV phẫu thuật tai thành công giúp bệnh nhân hồi phục thính lực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.