Bộ trưởng GD-ĐT day dứt vì "nợ" lương giáo viên

25/12/2012 18:00 GMT+7

(TNO) Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận bày tỏ: “Tôi rất day dứt vì chưa giải quyết được món nợ về việc cải thiện đồng lương của giáo viên (GV) mầm non ngoài biên chế”.

(TNO) Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận bày tỏ: “Tôi rất day dứt vì chưa giải quyết được món nợ về việc cải thiện đồng lương của giáo viên (GV) mầm non ngoài biên chế”.

Sáng nay 25.12, tại Hà Nội đã diễn ra phiên giải trình của Chính phủ về việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục mầm non và đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông. Chủ trì phiên giải trình này là Ủy ban Văn hóa - Giáo dục- Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (QH).

Lương giáo viên có nơi… 500 nghìn đồng/tháng

Theo báo cáo giải trình của Bộ GD-ĐT, cả nước còn thiếu tới 22.800 GV mầm non. Tổng số GV biên chế nhà nước là 135.744 người (đạt tỷ lệ 56,1%).

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm là đời sống GV mầm non, đặc biệt là GV mầm non ngoài biên chế còn quá khó khăn do đồng lương eo hẹp, lao động vất vả, số giờ làm việc luôn cao hơn quá nhiều so với quy định hiện hành…

Lý giải về điều này, báo cáo giải trình của Bộ GD-ĐT cho biết, do cơ chế hiện hành nên các chế độ chính sách phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, chính sách đối với GV mầm non không đồng đều, bên cạnh một số địa phương hỗ trợ ngân sách để đảm bảo ngoài biên chế được hưởng lương theo ngạch bậc như tỉnh Vĩnh Phúc, TP.Hà Nội, TP.HCM, còn lại phần lớn GV mầm non ngoài biên chế chưa được hưởng lương theo ngạch bậc, không tăng lương theo định kỳ. Có địa phương hỗ trợ cho GV mầm non ngoài biên chế thấp hơn mức lương tối thiểu chung. Thu nhập của đối tượng GV này nhìn chung còn thấp.


Nhiều giáo viên vẫn thật sự không thể sống bằng lương - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Bộ GD-ĐT nêu dẫn chứng, thu nhập bình quân của GV ngoài biên chế tính đến cuối năm 2010 thấp nhất là 1.192.000 đồng/tháng, cao nhất là 2.566.000 đồng/tháng. Một số tỉnh, thu nhập của GV ngoài biên chế bằng hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu là: Quảng Trị 500 nghìn đồng, Quảng Nam 550 nghìn đồng, Bình Định, Phú yên 540 nghìn đồng, Thái Nguyên, Hà Nam 600 - 800 nghìn đồng/tháng.

Mối tương quan giữa GV trong biên chế và ngoài biên chế của trường mầm non về chế độ chính sách hiện nay còn nhiều bất cập, không bình đẳng về thu nhập. Ngay trong các trường mầm non đã chuyển đổi sang công lập và các trường chưa chuyển đổi; trong hệ thống giáo dục quốc dân giữa các trường mầm non và các trường phổ thông (vì các địa phương dành nhiều biên chế cho các trường phổ thông).

Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận bày tỏ: "Tôi rất day dứt trước cử tri cả nước và hàng ngàn GV vì chưa giải quyết được “món nợ” về việc cải thiện đồng lương của GV mầm non ngoài biên chế”.

Bộ GD-ĐT cũng nêu thực tế: Chế độ chính sách đối với GV mầm non còn nhiều bất cập chưa tạo động lực cho GV yên tâm gắn bó với nghề. Áp lực về cường độ lao động cao, trạng thái tinh thần luôn căng thẳng, thời gian làm việc kéo dài 10-12 tiếng/ngày, học sinh tốt nghiệp THPT cũng không muốn dự tuyển vào trường sư phạm. Do vậy các trường sư phạm thiếu nguồn tuyển để đào tạo GV mầm non.

Về vấn đề lương giáo viên mầm non ngoài biên chế, ông Phạm Vũ Luận cho rằng, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính kiên trì thực hiện việc chuyển mô hình trường mầm non bán công sang công lập, giáo viên ngoài biên chế đảm bảo chất lượng giảng dạy sẽ được đưa vào biên chế để có mức lương cao hơn.

 

Thiếu hơn 21 nghìn phòng học

Một số địa phương chưa ưu tiên quỹ đất cho việc xây dựng trường mầm non, 15% số xã chưa có trường mầm non độc lập; vẫn còn thiếu 21.058 phòng học (14,1%) so với nhu cầu hiện tại, chưa kể phòng học nhờ, học tạm. Tỷ lệ trường kiên cố mới đạt 51,9%; phòng học nhờ, học mượn 17%. Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia còn thấp (21%). Ở khu vực thành thị, số trẻ/lớp vượt so với quy định còn nhiều, ảnh hưởng chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành giáo dục cũng đề nghị các tỉnh thành tăng cường vận dụng ngân sách của địa phương để có thể có chính sách về lương, bảo hiểm xã hội… cho đối tượng giáo viên này tương đương với giáo viên biên chế.

Rất nhiều cái… “chưa”

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khi đề cập tới những hạn chế, bất cập của chương trình, SGK phổ thông hiện hành đã thẳng thắn thừa nhận rất nhiều cái “chưa có” hoặc “không có”. Cụ thể, chương trình chưa được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt từ tiểu học đến THPT, từ chương trình cấp học đến chương trình từng môn học và không có tổng chủ biên chương trình, SGK môn học từ lớp 1 đến lớp 12. Chưa phát huy được hiệu quả của chuẩn kiến thức, kỹ năng trong việc biên soạn SGK. Chưa xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá chương trình, SGK một cách đầy đủ, ngay từ đầu. Chưa đáp ứng tốt các yêu cầu về tập huấn, các điều kiện làm việc, cung cấp thông tin cần thiết… cho tác giả chương trình, SGK.

Người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng chỉ ra rằng, trong một số SGK, còn những thuật ngữ trừu tượng, nội dung còn ôm đồm, nặng nề với phần đông học sinh, có những tình huống gượng ép, hiệu quả chưa cao, có những sự kiện, số liệu thiếu nhất quán giữa các lớp trong cùng một môn học và giữa một số môn học, dung lượng một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học….

Chất lượng giáo dục đại trà còn thấp, kiến thức cơ bản về xã hội, kỹ năng thực hành, kỹ năng sống và khả năng tự học, sáng tạo của một bộ phận học sinh còn kém, tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” vẫn tồn tại.

Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chính thức thừa nhận tỷ lệ tốt nghiệp THPT trong các năm gần đây không ổn định và bất thường (tỷ lệ tốt nghiệp tăng rất nhanh, gần 16% từ năm 2007-2011, mức độ dao động trong mỗi tỉnh cao hơn giữa các tỉnh) gây nhiều băn khoăn, lo lắng và nghi ngại về chất lượng giáo dục.

Ông Luận khẳng định sẽ coi việc không có tổng chủ biên chương trình như một kinh nghiệm xương máu để thay đổi khi xây dựng chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015. "Chúng tôi sẽ lắng nghe góp ý của các nhà giáo dục lão thành và cả những đội ngũ trẻ tuổi, những cháu học sinh đang đi học. Việc đổi mới sẽ phải đồng bộ, không nóng vội để đạt mục tiêu về thời gian, tiến độ; cập nhật những kết quả của các nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới", người đứng đầu ngành giáo dục chắc chắn.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho biết, báo cáo giải trình của Chính phủ mà cụ thể là Bộ GD-ĐT chỉ là một trong những hoạt động đầu tiên trong chuyên đề giám sát của QH về việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục mầm non và đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông. QH sẽ tiếp tục có những hoạt động giám sát, khảo sát thực tế về vấn đề này và sẽ báo cáo cụ thể trước toàn thể đại biểu QH.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.