Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa: Tạo cơ hội tối đa cho học sinh

20/12/2012 03:05 GMT+7

Học sinh được học sách giáo khoa theo đúng nhu cầu và trình độ là chuyện không mới ở các nước. Ở Việt Nam, khi bước vào thực hiện cần có những quy định rõ ràng, cụ thể để học sinh thật sự có quyền lợi.

Khi có nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) thì giá sách sẽ tăng hay giảm? Việc kiểm tra, đánh giá có mang đến một kết quả khách quan và công bằng nếu mỗi nơi dạy một loại sách khác nhau?...

 

Khi có một vài bộ SGK, chương trình chỉ là cái gốc còn người thầy có thể chọn bộ sách nào phù hợp với HS

GS Phạm Minh Hạc

Đó là những băn khoăn sát sườn của phụ huynh và học sinh (HS).

Lo ngại sách tăng giá

Chị Nguyễn Thu Thủy (nhà A13, Thanh Xuân Bắc, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) lo ngại: “Khi có nhiều bộ SGK, nhà nước không phải lo kinh phí trong việc biên soạn sách mà để tự thị trường cạnh tranh với nhau thì điều tôi băn khoăn nhất là liệu khi ấy giá có tăng không?”. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, lo lắng của chị Thủy là hoàn toàn có cơ sở. Hiện nay, giá sách của nhóm Cánh Buồm cao hơn rất nhiều so với SGK hiện hành mặc dù chất liệu in ấn không có nhiều khác biệt. Ví dụ, sách tiếng Việt của nhóm này là 39.000 đồng, sách văn có cuốn 48.000 đồng, cuốn thấp nhất 22.000 đồng. Trong khi đó, cả bộ SGK bậc tiểu học hiện hành chỉ khoảng 70.000 - 80.000 đồng.

Lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục cũng từng cho rằng giá SGK phải được Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính chấp thuận, chứ không phải bán theo giá thị trường và giá này luôn thấp hơn chi phí công in.

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, đưa ra hướng giải quyết xung quanh lo ngại về giá SGK. Ông cho rằng cùng với chủ trương nhiều bộ sách, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu thì đợt đổi mới giáo dục sắp tới Nhà nước cần tính đến việc miễn học phí và cấp phát SGK cho HS ở những cấp học mang tính cơ bản, bắt buộc.

Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa
Có thêm nhiều bộ SGK, học sinh có nhiều cơ hội học tập sách đúng với nhu cầu - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đánh giá trên các tiêu chí năng lực của học sinh

Sẽ có rất nhiều thay đổi xung quanh việc dạy và học cũng như kiểm tra, đánh giá nếu có nhiều bộ SGK. Khi ấy, chương trình chuẩn được xem là pháp lệnh và quyết định mọi vấn đề kèm theo để thay thế việc giáo viên coi SGK như pháp lệnh hiện nay. Ví dụ, ở môn ngữ văn, theo đề xuất của nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, ngữ liệu học tập sẽ không chỉ là SGK mà bao gồm 2 nguồn chính là văn bản văn học và các loại văn bản khác (không phải văn học). Khi đó, việc đánh giá sẽ coi trọng năng lực ngữ văn trên cả 2 bình diện: ý tưởng sáng tạo và khả năng diễn đạt, thể hiện, trình bày ý tưởng đó một cách sáng sủa, mạch lạc.

Đối với môn toán, theo PGS Trần Kiều và nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, ngay cả khi môn này được xem là môn học bắt buộc cho các lớp thuộc giai đoạn sau cơ bản cũng phải có các tài liệu giáo khoa khác nhau, với những mục tiêu riêng theo hướng phục vụ trực tiếp cho việc học tập tiếp theo của HS.

Quan điểm của GS Phạm Minh Hạc là khi có một vài bộ SGK, chương trình chỉ là cái gốc còn người thầy có thể chọn bộ sách nào phù hợp với HS. “Tuy vậy, dù nhiều bộ SGK nhưng khi đã được duyệt và lưu hành trên thị trường thì SGK không được phép có bất cứ một lỗi nào”, GS Hạc nhấn mạnh.

Theo mong muốn chung của nhiều chuyên gia, với một chương trình chuẩn nhiều bộ sách, giáo viên dạy theo bộ sách nào, phương pháp nào là quyền sáng tạo của họ dựa vào thực tiễn.

Xung quanh việc kiểm tra, đánh giá khi có nhiều bộ SGK, theo hình dung của nhóm nghiên cứu, đánh giá sẽ dựa trên các tiêu chí năng lực của HS mà chuẩn giáo dục quy định. Thang đo đánh giá năng lực được quy chuẩn theo mức độ phát triển năng lực người học, mà không quy về một nội dung đã học.

Bà Vũ Hoàng Ly, giáo viên Trường tiểu học Quang Trung, Q.Đống Đa (Hà Nội), cho rằng chỉ cần đề thi dựa vào chuẩn chương trình chứ không dựa vào một bộ SGK nào cụ thể thì việc kiểm tra, đánh giá HS hoàn toàn không có gì đáng lo ngại. Điều quan trọng là SGK phải được thẩm định để dù biên soạn theo cách thức khác nhau nhưng cũng không chệch khỏi chuẩn chương trình đó.

Chương trình học và sách giáo khoa của một số nước

Phần Lan: Ủy ban Giáo dục quốc gia quyết định chương trình cốt lõi giáo dục phổ thông cấp quốc gia. Giới chức giáo dục địa phương dựa vào đây để soạn ra chương trình học cho riêng khu vực mình. Giáo viên phải theo hướng dẫn chương trình quốc gia, nhưng có nhiều quyền tự chủ trong việc tiến hành phương pháp giảng dạy và thậm chí được phép chọn SGK cho riêng mình, cũng như tự ra bài kiểm tra để biết nhu cầu và sự tiến bộ của HS.

Hàn Quốc: Bộ Giáo dục đưa ra chương trình học phổ thông quốc gia và sẽ sửa đổi nó 5 hoặc 6 năm/lần. Mỗi trường sẽ tự chọn SGK do các nhà xuất bản soạn theo khung chương trình quốc gia. Từ năm 2006, Bộ Giáo dục Hàn Quốc bắt đầu chuyển hệ thống xuất bản chính phủ sang hệ thống đánh giá chính phủ. Nghĩa là các nhà xuất bản tư nhân phát hành SGK còn chính phủ kiểm tra và phê duyệt.

Mỹ: Chương trình học phổ thông do hội đồng học khu gồm những thành viên được bầu chọn thông qua bầu cử địa phương quyết định, chính quyền bang thường quyết định các tiêu chuẩn giáo dục và thi cử. Nhiều khu vực, các giáo viên được quyền lựa chọn SGK theo nhu cầu của HS. Trong khi đó, một số bang lại quy định SGK dùng chung cho HS ở cấp độ bang.

Minh Trung
(tổng hợp)

Nhà nước không cần dùng ngân sách trả cho tác giả

Về khía cạnh kinh tế, Nhà nước không phải lấy ngân sách để cho các tác giả vì sách được giáo viên, HS lựa chọn thì tất yếu họ đã có lợi nhuận. Nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ thì có thể giảm hoặc miễn thuế đối với mặt hàng này để HS bớt một phần gánh nặng. Về chuyện thẩm định, Bộ giao quyền chủ động cho các sở GD-ĐT ở những TP lớn đại diện cho các vùng miền phối hợp với các trường ĐH ở khu vực đó phụ trách thì sẽ đảm bảo tính khách quan về kiến thức.

VÕ ANH DŨNG
(Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)

Bộ tạo ra chương trình khung, địa phương tự biên soạn sách

Nhiều bộ SGK trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn hợp lý. Vì thực chất, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện và thu được kết quả rất tốt. Việc làm này cũng tăng tính dân chủ, cạnh tranh lành mạnh, đồng thời sát hợp với đặc trưng, điều kiện dạy học của từng vùng miền. Bộ có chương trình khung với chuẩn kiến thức, kỹ năng phù hợp. Sau đó, các vùng hoặc địa phương tiến hành biên soạn, xuất bản theo điều kiện, đặc trưng của mình.

TS BÙI THANH TRUYỀN
(ĐH Sư phạm Huế)

Nội dung đề thi tuân theo kiến thức chuẩn của Bộ

Việc thực hiện một chương trình có nhiều bộ SGK sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa những người viết sách với nhau, tạo cơ hội cho HS có dịp tiếp cận với bộ sách tốt nhất. Nhiều năm nay, việc dạy và học luôn trong tình huống đối phó, kiểm tra đánh giá thế nào thì giáo viên dạy, HS học thế nấy. Bấy nhiêu bộ SGK thì nội dung đề thi không bám vào bất cứ một cuốn sách nào hết mà cần tuân theo kiến thức chuẩn chính thống của Bộ.

TRẦN MẬU MINH
(Nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM)

Cần có bộ phận thẩm định công tâm

Trước hết Bộ phải có một chương trình chuẩn, tất cả chuyên gia muốn viết sách đều phải tuân thủ và căn cứ vào khung chương trình để viết với văn phong khác nhau. Bộ cũng phải thiết lập cho được bộ phận thẩm định thực sự công tâm, thông hiểu để kiểm định sản phẩm của người viết.

NGUYỄN HOÀNG MINH
(Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Trí Đức, Q.Tân Phú, TP.HCM)

Bích Thanh - Minh Luân (ghi)

Tuệ Nguyễn - Bảo Anh

>> Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa: Không đáp ứng thực tiễn nếu chỉ có một
>> Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa
>> Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.