Nhà hàng tiệc cưới “áp” công viên

18/12/2012 10:21 GMT+7

Công viên văn hóa Thanh Lễ (TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) đã “biến” thành 4 khu nhà hàng chuyên tổ chức tiệc cưới, sự kiện và các dịch vụ thể thao có thu phí…

Tiền thân của địa chỉ này trước đây là Công viên Thủ Dầu Một. Một cái tên đã gắn bó vào trong tâm thức của không ít người dân “đất Thủ”. Từ năm 2007, UBND tỉnh Bình Dương quyết định giao Công viên Thủ Dầu Một cho Tổng công ty thương mại- xuất nhập khẩu Thanh Lễ - TNHH MTV quản lý và đầu tư tôn tạo. Cái tên Công viên văn hóa Thanh Lễ ra đời từ đó.

Ngay tại thời điểm này nhiều người dân Thủ Dầu Một đã phản ánh ở các cuộc tiếp xúc cử tri đề nghị trả lại cái tên cũ vì tên Công viên văn hóa Thanh Lễ không đại diện hết cho một địa danh đã được nhiều người biết đến. Qua 5 năm, hiện nay công viên này đã có nhiều thay đổi tích cực. Bộ mặt của công viên giờ đây “sáng sủa” hơn. Tệ nạn xã hội trong công viên ít diễn ra hơn, thế nhưng điều đó không làm người dân Thủ Dầu Một vui hơn.

Tiếp xúc với PV Thanh Niên,  nhiều người dân TP. Thủ Dầu Một bức xúc vì hiện nay Công viên văn hóa Thanh Lễ không còn đúng ý nghĩa như cái tên của nó. Một người dân nói: “Người ra vào công viên thì bị “cửa chốt then cài”. Nam nữ thanh niên, sinh viên… chỉ được vào ban ngày, còn buổi tối sau 19 giờ đã bị bảo vệ đuổi ra. Khu vui chơi của thiếu nhi bị hạn chế bởi các trò chơi đã cũ kỹ, xuống cấp, thậm chí hư hỏng. Rác thải tràn lan… Thay vào đó, các khu nhà hàng tiệc cưới, dịch vụ thể thao có thu phí liên tục mọc lên chiếm gần hết nửa diện tích công viên”.

Từ phản ánh của người dân, qua thực tế cho thấy trong công viên hiện nay đang được đầu tư xây dựng nhà hàng tiệc cưới, CLB thể thao, hồ bơi… để cho thuê. Diện tích của công viên đang bị thu hẹp bởi chính những dịch vụ thu phí như thế này. Và không dừng lại ở đó, trong Công viên văn hóa Thanh Lễ hiện nay còn có chỗ để thả trâu, nuôi ngựa.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hẳng - Giám đốc công viên nói: “Toàn bộ công viên có diện tích khoảng 10 ha, trong đó đã được đầu tư trồng thêm nhiều cây xanh. Có 4 dãy nhà (2 nhà trệt, 2 nhà lầu-PV) chuyên để tổ chức sự kiện, tiệc cưới. Ngoài ra còn có các khu tổ chức CLB thể hình, bóng đá mini, hồ bơi, nhà hát, nhà ăn xã hội… Sắp tới đây chúng tôi sẽ đầu tư thêm một sân tập đánh golf”. Liên quan đến những vấn đề người dân phản ánh, ông Hẳng khẳng định: “Người ra vào công viên không phải mua vé, nhưng từ sau 19 giờ tối công viên phải tắt bớt các bóng điện chiếu sáng. Do đó những đôi nam nữ có biểu hiện “khả nghi” thì lực lượng bảo vệ sẽ mời hết ra ngoài, người đi tập thể dục thì cứ tự do, thoải mái”- ông Hẳng nói.

Bày tỏ nguyện vọng với PV, nhiều người dân mong muốn Công viên văn hóa Thanh Lễ phải dành nhiều hơn diện tích công viên cho các hoạt động công cộng, không thu phí để mọi người dân ai cũng có thể vào công viên đi bộ, dạo mát, thư giãn… theo đúng nghĩa là nơi công cộng.

Nhà hàng tiệc cưới “áp” công viên
Cổng vào khu nhà hàng tiệc cưới trong công viên thì đông đúc…. - Ảnh Đỗ Trường

Nhà hàng tiệc cưới “áp” công viên
Còn cổng vào khu công viên thì luôn đóng cửa, không một bóng người - Ảnh Đỗ Trường

Nhà hàng tiệc cưới “áp” công viên
Quá ít ghế đá, người đến công viên Thanh Lễ chỉ “đi dạo” hoặc ngồi như thế này - Ảnh Đỗ Trường

Nhà hàng tiệc cưới “áp” công viên
 Trâu và ngựa trong công viên Thanh Lễ - Ảnh Đỗ Trường

Đỗ Trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.