Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa

18/12/2012 03:35 GMT+7

Một trong những dự kiến đổi mới đáng chú ý khi xây dựng Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 là cả nước có một chương trình thống nhất nhưng có nhiều bộ sách giáo khoa.

Thế nhưng theo các chuyên gia, chủ trương này cũng đặt ra nhiều âu lo về cách thức thực hiện. 

Ủng hộ có điều kiện

Theo công bố mới đây của Ban soạn thảo xây dựng chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông sau năm 2015, vẫn sẽ có một chương trình quốc gia thống nhất do Bộ GD-ĐT tổ chức xây dựng, thẩm định và ban hành. Thế nhưng các tổ chức, cá nhân có thể biên soạn nhiều bộ SGK hoặc một số quyển SGK khác nhau theo chương trình quốc gia. Bộ sẽ xem xét, phê duyệt cho phép thử nghiệm và thẩm định, phát hành để sử dụng trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông.

 Sách giáo khoa
Dự kiến sau năm 2015, học sinh có thể sẽ có nhiều bộ SGK cho cùng một chương trình học - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trao đổi với PV Thanh Niên, hầu hết các chuyên gia đều ủng hộ phương án nên có nhiều bộ SGK. Tuy nhiên, các ý kiến đều cho rằng, về mặt lý thuyết là rất hay nhưng Bộ phải rà soát tất cả các điều kiện của Việt Nam khi áp dụng mô hình này.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đề nghị, ngành GD-ĐT phải trả lời được những câu hỏi cốt lõi: “Thứ nhất, nếu có nhiều hơn một bộ SGK, nhà xuất bản nào sẽ được tham gia làm? Thứ hai, kinh phí để biên soạn các bộ sách lấy từ nguồn nào? Hiện tại, kinh phí đó là của nhà nước. Nhưng khi có nhiều bộ sách, nhà nước có đủ nguồn lực để chi trả tất cả các bộ sách? Nếu các nhà xuất bản phải chi trả thì liệu họ có chấp nhận? Trường hợp sách của họ được chọn là một lẽ. Hiện nay, nhà nước trả kinh phí tập huấn cho giáo viên nhưng khi có nhiều bộ sách thì ai trả? Thứ ba, ai là người có quyền chọn SGK nào để đưa vào dạy trong nhà trường? Sự lựa chọn ấy phải làm sao để vì quyền lợi người học chứ không phải của người được lựa chọn. Cuối cùng là thi cử thế nào? Bộ từng tuyên bố chỉ đạo thi cử, kiểm tra đánh giá theo chương trình chứ không phải theo SGK, thế nhưng tuy cùng một chương trình, tác giả viết sách khác nhau thì dễ đi theo những hướng khác nhau”.

 

Lựa chọn bộ sách nào để dạy, để học là tùy thầy cô giáo và học sinh. Chỉ có cạnh tranh như vậy mới mong sớm có được những bộ sách giáo khoa tốt

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Phó giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), cũng lo ngại: “Chuyện đó hết sức phức tạp. Bây giờ, ai muốn viết thì viết, đưa lên một hội đồng thẩm định, viết đúng yêu cầu thì có quyền sử dụng trong trường học. Nếu mở ra cuộc thi như thế, tôi nghĩ không có ai dám thi. Ví dụ, tôi viết bộ sách toán bậc THPT thì phải có một chục người viết cùng. Đến khi không duyệt thì tôi không biết lấy tiền đâu trả cho người ta?”.

Thiếu người có năng lực viết sách

Giáo sư Đỗ Ngọc Thống, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, từng âu lo về việc không đủ đội ngũ viết SGK có kinh nghiệm và đào tạo bài bản. Ông nói: “Chúng tôi đã vào trường sư phạm xin ý kiến hầu hết tất cả giáo sư đầu ngành và nhận được câu trả lời: Đề án của các anh rất hay nhưng các bộ môn không còn người nữa, không còn ai nữa, tất cả môn học chúng ta đang hẫng hụt đội ngũ. Lấy đâu ra tác giả mà viết nhiều bộ? Người thì thừa nhưng người có năng lực rất thiếu”.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng nhận định: “Hiện nay, nước ta chưa có những người được đào tạo bài bản về kỹ thuật xây dựng chương trình và viết SGK. Phần lớn là các nhà khoa học cơ bản, nhà nghiên cứu về phương pháp và giáo viên phổ thông đều chỉ dựa vào kiến thức, kinh nghiệm của mình để viết”. Ông Thuyết lý luận: “Để viết được sách, người viết vừa là nhà khoa học cơ bản rất giỏi, vừa là người am hiểu về giáo dục phổ thông cũng như tâm lý, trình độ của học sinh phổ thông. Nhưng trên thực tế đội ngũ viết của ta hiện nay rất thiếu sự am hiểu về giáo dục phổ thông”.

Trong khi đó, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam, lại tỏ ra khá lạc quan về vấn đề này, ông kiến nghị: “Bộ nên dựa vào các hội khoa học chuyên ngành để lựa chọn ra các chuyên gia giỏi, kết hợp với các thầy cô giáo có kinh nghiệm lâu năm để biên soạn ngay một chương trình mới”. Theo ông Dũng, chương trình được biên soạn xong sẽ đưa ra trưng cầu ý kiến rộng rãi trước khi thông qua một hội đồng quốc gia đầy đủ tín nhiệm. Sau đó các nhà xuất bản và các nhóm tác giả sẽ liên kết với nhau để lo kinh phí biên soạn cũng như xuất bản. 

Giáo viên và học sinh sẽ có quyền lựa chọn?

Giáo sư Đinh Quang Báo, Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới chương trình SGK phổ thông, cho hay: “Ở một số nước, SGK do nhà xuất bản tổ chức, lựa chọn tác giả dựa vào yêu cầu của chương trình. Nhưng ở Việt Nam, do chúng ta chưa quen cách để cho tác giả sáng tạo nên Bộ vẫn phải chủ trì tổ chức một bộ SGK. Bên cạnh đó động viên các nhà xuất bản cùng các tác giả khác dựa vào chương trình, pháp lệnh biên soạn SGK. Bộ sẽ có một hội đồng thẩm định”.

Tuy nhiên, về lâu dài, theo Giáo sư Đinh Quang Báo, vai trò thẩm định lớn nhất vẫn là thực tiễn, học sinh và giáo viên. Với một chương trình chuẩn sẽ có nhiều bộ sách, giáo viên dạy theo bộ sách nào, phương pháp nào là quyền sáng tạo của họ. “Như vậy sẽ có độ mở cho sự sáng tạo của giáo viên”, ông Báo nói. Cùng quan điểm này, Giáo sư Lân Dũng khẳng định: “Lựa chọn bộ sách nào để dạy, để học là tùy thầy cô giáo và học sinh. Chỉ có cạnh tranh như vậy mới mong sớm có được những bộ SGK tốt. Đây là một sự cạnh tranh rất khoa học, lành mạnh”.

Tuệ Nguyễn

>> Đề nghị biên soạn lại sách giáo khoa lịch sử
>> Nhập sách giáo khoa nội dung vi phạm chủ quyền Việt Nam
>> Lãng phí trong cấp sách giáo khoa miễn phí
>> Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa
>> Bổ sung ngay Trường Sa, Hoàng Sa vào sách giáo khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.