Voi thiếu không gian... yêu

16/12/2012 12:47 GMT+7

Một trong những trọng tâm của Dự án bảo tồn voi Đắk Lắk là voi nhà có thể sinh sản, thế nhưng trong nhiều năm qua voi nhà còn lại của tỉnh sinh sản rất ít.

Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là do voi đực và voi cái được nuôi riêng lẻ, không có điều kiện tiếp xúc với nhau, voi phải lao động quá nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản...

Huyện Buôn Đôn là nơi có nhiều chủ voi nhất tỉnh Đắk Lắk và các chủ voi sống tập trung quanh khu du lịch Bản Đôn (xã Krông Na, Buôn Đôn). Anh Y Đê (35 tuổi), làm nài voi cho Công ty du lịch Bản Đôn, cho biết trước đây gia đình anh cũng nuôi voi nhưng sau đó voi già chết, gia đình anh không mua voi nuôi nữa.

Công việc hằng ngày của anh Y Đê là điều khiển voi chở khách du lịch tham quan Bản Đôn, tối đưa voi vào rừng thả để voi tự kiếm ăn, sáng tinh mơ thì vào rừng đưa voi về chở khách du lịch. Anh Y Đê cho biết từ nhỏ đến giờ anh chưa thấy voi nhà nào trong buôn Trí A, buôn Đôn... đẻ voi con vì voi phải lao động quá nhiều...

“Bận làm du lịch”

Ông Ama Bế (70 tuổi, buôn Đôn, xã Krông Na) cho biết tập quán nuôi voi của buôn Đôn trước đây là voi cái nhà nào được voi đực làm cho mang bầu thì gia chủ phải tạ ơn chủ voi đực một con trâu. Ngoài ra, chủ voi cái còn mua một con heo làm “lễ cưới” cho hai con voi này để hai chủ voi và dân làng vui chung. Nhưng hiện nay thì khác - ông Ama Bế nói thêm - muốn voi cái đẻ voi con phải thả chung trong rừng với voi đực hàng tháng trời, nó thích voi đực nào thì sẽ quấn quýt nhau và giao phối.

Thế nhưng bây giờ voi nhà nào cũng bận làm du lịch cả ngày, ăn uống lại ít nên không còn đủ sức khỏe, thời gian thả ra rừng lại quá ít nên chúng không thể “tìm hiểu” và “yêu” nhau được. Ngoài ra, các chủ voi cái cũng không muốn cho voi mình gần gũi với voi đực, sợ voi cái bị thương, không đi làm du lịch được...

Ông Ama Bế kể có lần con voi đực Khăm Thưng của ông “theo đuổi” voi cái của một chủ voi khác khiến voi cái đó bị thương nhẹ. Chủ voi cái liền “bắt vạ” buộc ông phải chữa cho voi cái lành bệnh, dọa nếu voi cái chết sẽ bắt voi đực của ông để đền. Từ đó trở đi, tuy voi đực của ông (27 tuổi) đang hết sức sung mãn nhưng ông không dám thả gần voi cái người khác nữa vì sợ vạ lây...

Trong những năm qua cũng ghi nhận vài trường hợp voi nhà sinh voi con nhưng đó là những trường hợp rất hiếm gặp. Ông Nguyễn Trụ, Công ty du lịch sinh thái Bản Đôn (huyện Buôn Đôn), cho biết: năm 2008, voi cái H’Panh của công ty trong một lần động đực đã được một con voi rừng giao phối, H’Panh mang bầu được hơn hai năm nhưng không thể sinh con do bị ốm và qua đời sau đó...

Ông Đàng Năng Long (huyện Lắk, Đắk Lắk) cho biết cách đây khoảng bảy năm, voi cái H’Túk (28 tuổi) do ông quản lý mang thai và sinh con, đáng tiếc là sau đó voi con bị voi mẹ H’Túk vô ý giẫm chết. Ông Long cũng cho biết voi con cuối cùng được sinh ra và sống sót tại Đắk Lắk là con voi ở huyện Ea Súp, hiện tại được bán cả voi con lẫn voi mẹ về khu du lịch Đại Nam (Bình Dương).

Cần không gian... yêu cho voi

Voi sinh con, chủ voi được hỗ trợ hơn 400 triệu đồng, nài voi cũng được hưởng gần 170 triệu đồng là thông tin khiến nhiều chủ voi, nài voi tại Đắk Lắk phấn khởi. Tuy nhiên, ông Y Thanh Uông - một nài voi ở khu du lịch Hồ Lắk (Đắk Lắk) - lại cho rằng hiện nay nguồn thức ăn và môi trường sinh sống cho voi không được như trước đây nên sức khỏe của voi cũng yếu hơn.

“Nhiều năm nay, chúng tôi vẫn thấy voi giao phối nhưng đó là bản năng tự nhiên chứ để mang thai được thì khó lắm” - ông Uông nói. Theo ông, để voi có thể sinh sản được phải có khoảng không gian rừng rộng lớn để voi giao phối, quá trình voi mang thai kéo dài hai ba năm nên để một con voi ra đời là cả thời gian rất dài. “Voi cái chọn bạn tình rất khắt khe, voi đực nó không thích thì có theo đuổi cả ngày, cả tuần nó vẫn né tránh, không cho giao phối” - ông Y Thanh Uông cho biết.

Trong khi đó, ông Đàng Năng Long, người nuôi nhiều voi nhất Đắk Lắk, cho biết chính sách hỗ trợ tiền cho chủ voi để tạo điều kiện voi nhà sinh sản ra đời vào thời điểm này là một điều rất đáng mừng đối với người nuôi voi. Bất kỳ ai là chủ voi cũng mong muốn voi mình sinh con, bởi đây không chỉ là tài sản quý giá mà đó là niềm vinh dự, tiếng tăm của chủ voi. “Từ nhiều năm nay chúng tôi đã tìm nhiều cách để cho voi có thể sinh sản nhưng môi trường nuôi nhốt, nguồn thức ăn và cách chăm sóc thiếu thốn nên voi không thể sinh sản được. Tôi nghĩ giờ hỗ trợ 400 triệu đồng chứ nhiều hơn nữa cũng không quyết định được. Thay vì cho tiền hãy cho chúng tôi rừng, chúng tôi sẽ giúp voi sinh sản được” - ông Long đề nghị.

Quy hoạch không gian yêu cho voi

Ông Huỳnh Ngọc Luân, giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết hiện Trung tâm Bảo tồn voi đang xin chủ trương quy hoạch 200ha tại rừng phòng hộ Buôn Đôn để làm không gian chăn thả voi nhà mỗi kỳ voi động dục, giao phối. Đối với chính sách hỗ trợ chủ voi, nài voi đó mới là hành lang pháp lý để triển khai dự án, để chính sách hiện thực hóa cần có thêm những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn...

PGS.TS Bảo Huy (Trường ĐH Tây nguyên), chủ nhiệm dự án Bảo tồn voi Đắk Lắk được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt năm 2010, cho biết: “Không cần quá lo lắng việc voi có thể giao phối, sinh sản được hay không bởi chúng tôi lấy kinh nghiệm từ Sri Lanka trong công tác bảo tồn voi nhà. Trước đây, họ chỉ còn chưa tới mười con voi nhà nhưng hiện nay voi nhà của họ đã sinh sản hàng chục con từ việc thả voi trở lại tự nhiên trong mùa sinh sản. Trong công tác bảo tồn voi ở VN, quan trọng nhất là quyết tâm thực hiện những chính sách bảo tồn voi có tới cùng hay không, trong đó cốt lõi là phải có không gian sinh sản của voi cũng như chính sách hỗ trợ chủ voi, nài voi hợp lý, kịp thời...”.

Theo Tr.Tân - Thái Bá Dũng / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.