Cá chạch bổ dương

16/12/2012 13:03 GMT+7

Cùng với ngọc kê, ba ba, chim sẻ, cá chạch là thực phẩm giúp bổ thận tráng dương hiệu quả

Cá chạch còn có tên chạch đồng, chạch bùn; tên khoa học là Migurnus anguilicaudtuy. Đây là loài cá nước ngọt sống ở ao, hồ, sông, suối; có thân tròn, dẹt hai bên, nhất là gần đuôi, dài khoảng 15 cm. Cá chạch đầu nhỏ, hơi tròn, mắt bé, miệng thấp có râu, da mỏng, dưới da có nhiều tuyến tiết chất nhờn nên rất trơn nhẵn. Vảy cá chạch nhỏ, lẫn sâu dưới da nên khó thấy; vây lưng không có gai cứng, vây ngực và vây bụng ngắn, vây đuôi rộng.

Cá chạch có màu vàng, nâu hoặc xám đen, lưng sẫm hơn bụng, trên thân có nhiều chấm, mỗi chấm do rất nhiều chấm nhỏ hợp thành. Ở gốc vây đuôi có một chấm to màu đen, trên vây có nhiều sọc đen. Ở miền Nam còn có chạch lấu - cũng là loại cá chạch nhưng rất lớn, nướng, chiên hay làm lẩu đều ăn rất ngon.

Cá chạch có tới 9,6% protein chất đạm với nhiều axít amin không thay thế, 3,7 lipit (chất béo), 28 mg Ca, 72 mg P, 0,9 mg Fe và nhiều loại vitamin như A, B1, B2… Cá chạch có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng, đặc biệt là bổ dương. Ngoài ra, cá chạch còn có tác dụng chữa bệnh.

Trong y học cổ truyền, cá chạch còn gọi là nê thu hay thu ngư. Cá này có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ trung ích khí, khử thấp tà, giải khát, tỉnh rượu;  dùng chữa tiêu khát (tiểu đường), liệt dương, viêm gan virus, trĩ và lở ngứa.

Tuệ Tĩnh viết trong Nam dược thần liệu: Cá chạch vị ngọt, tính bình, không độc, nhiều nhớt trơn, tiêu khát, giết trĩ trùng, giải say rượu, cường dương, bổ khí. Hải Thượng Lãn Ông cũng ghi nhận trong Lĩnh Nam bản thảo: Thu ngư tức là con cá chạch, không độc, ngọt bình, ở đầm, lạch; mạnh dương, bổ huyết, khí tăng thêm; nóng, mê, trĩ, khát chữa khỏi sạch.

Trong các loại thực phẩm bổ thận tráng dương, phải kể đến ngọc kê, ba ba, chim sẻ và cá chạch. Đây là 4 thực phẩm đặc biệt, có tác dụng nâng cao sức mạnh giới tính của đấng mày râu, đồng thời lại có hiệu quả nhất định trong điều trị các chứng bệnh của nam giới như liệt dương, di tinh...

Cá chạch là một loại thực phẩm cường tinh lý tưởng. Chế biến cá này ăn lúc còn nóng, liên tục trong 5-6 ngày sẽ làm cho tinh thần sảng khoái, tăng cường tình dục. Cá chạch cũng là bài thuốc chữa liệt dương khá công hiệu. Dùng 250 g cá chạch, hạt rau hẹ 50 g. Cá chạch làm sạch, bỏ hết nội tạng; hạt rau hẹ đãi sạch bọc vào vải. Cho 2 thứ vào nồi với 500 ml nước sạch, muối ăn vừa đủ, nước sôi thì om nhỏ lửa, khi còn khoảng 1/2 nước thì bỏ hạt hẹ ra, ăn cái và uống nước. Mỗi ngày ăn một lần, 10 lần là một liệu trình. Dùng 2 liệu trình hiệu quả sẽ rõ ràng.

Cá chạch còn chữa đái tháo đường, cách chế biến như sau: 10 con cá chạch bỏ đầu, đuôi, làm sạch phơi khô, đem đốt thành than tán bột. Lá sen tươi cũng đem phơi khô tán bột. Khi dùng, lấy 2 thứ với lượng bằng nhau, trộn đều, mỗi lần 2 thìa nhỏ.

Cá chạch có thể chữa suy nhược cơ thể. Bài thuốc này có công dụng bổ tì vị, bổ huyết, dùng thích hợp cho những người suy nhược cơ thể, gầy yếu, thiếu máu, trẻ em suy dinh dưỡng… Cá chạch 120 g, đem chiên vàng; các vị thuốc gồm: hoàng kỳ 15 g, đảng sâm 15 g, hoài sơn 30 g, đại táo 15 g, gừng tươi 5 g. Tất cả đem nấu kỹ, lấy nước, bỏ bã, chia dùng vài lần trong ngày.

Cá chạch chữa gan, tiểu tiện không thông. Món này giúp bổ tì vị, trừ thấp, dùng thích hợp cho người bị viêm gan, vàng da, tiểu tiện không thông. Cá chạch 250 g, đậu hũ 0,5 kg. Cá chạch làm sạch, bỏ đầu đuôi, đậu xắt miếng đem nấu chín rồi cho cá vào đun sôi một lát là được, thêm hành, gừng tươi và gia vị, dùng làm canh ăn.

Lương y Hoài Vũ / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.