Luồng tàu vào sông Hậu vẫn chưa thông

14/12/2012 09:05 GMT+7

Dự án (DA) kênh tắt Quan Chánh Bố phục vụ cho tàu trọng tải lớn ra vào hệ thống cảng trên sông Hậu đang bị đình hoãn, nhiều khả năng sau năm 2015 mới được tiếp tục triển khai.

Dừng thi công kênh tắt

DA luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh tắt Quan Chánh Bố (H.Duyên Hải, Trà Vinh) được khởi công xây dựng vào cuối năm 2009. Đây là DA trọng điểm quốc gia, có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng (thời điểm phê duyệt năm 2007 là 3.148 tỉ đồng), nhằm mục tiêu xây dựng luồng tàu biển ổn định cho tàu có trọng tải 10.000 DWT đầy tải và tàu 20.000 DWT giảm tải ra, vào các cảng sông Hậu. DA được triển khai trên diện tích khoảng 1.500 ha thuộc địa phận 2 huyện Duyên Hải và Trà Cú (Trà Vinh), với tổng khối lượng nạo vét để đào kênh mới và cải tạo các kênh hiện hữu khoảng 28 triệu m3.  Dự kiến đến cuối năm 2011, luồng tàu này sẽ đi vào khai thác và đáp ứng năng lực thông qua khoảng 22 triệu tấn hàng hóa/năm, phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa của ĐBSCL.

Một tàu nước ngoài bốc dỡ hàng tại cảng Cái Cui  
Một tàu nước ngoài bốc dỡ hàng tại cảng Cái Cui (TP.Cần Thơ).

Tuy nhiên, sau một thời gian thi công, đến nay, công trình đã phải tạm ngưng. Theo Bộ GTVT, trong điều kiện các phương án phân kỳ đầu tư không đảm bảo mục tiêu khai thác luồng tàu theo DA được duyệt cũng như không đảm bảo hiệu quả đầu tư nên hiện đang báo cáo Thủ tướng rà soát để điều chỉnh DA, theo đó tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 10.042 tỉ đồng và giãn tiến độ thực hiện sau năm 2015.

70% hàng hóa phải trung chuyển

Trên tuyến sông Hậu hiện có 15 cảng biển đang hoạt động (thuộc nhóm cảng biển số 6), năng lực khai thác rất lớn, có khả năng tiếp nhận tàu từ 5.000 - 10.000 tấn trở lên, đảm bảo phục vụ tốt hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong vùng. Trong đó, cảng Cái Cui có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 tấn, lớn nhất khu vực ĐBSCL.

 Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Mỹ Thới
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Mỹ Thới (An Giang).

Tuy nhiên hiện nay, hệ thống cảng tại ĐBSCL hoạt động chưa đến 50% công suất và chỉ mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của khu vực ĐBSCL; 70% còn lại phải trung chuyển lên các cảng khu vực TP.HCM, làm phát sinh chi phí lớn, gây ách tắc giao thông thủy- bộ, mất lợi thế cạnh tranh... Theo tính toán của doanh nghiệp, mỗi tấn hàng trung chuyển từ ĐBSCL lên TP.HCM, chi phí tăng thêm từ 7-10 USD. Ông Lê Minh Kháng, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Cần Thơ chỉ ra nguyên nhân do độ sâu luồng Định An bị bồi lắng nên không tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn. Đây là một trong những cản ngại khiến TP.Cần Thơ và các tỉnh tại ĐBSCL khó thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài. Cũng theo ông Kháng, luồng Định An có vai trò rất quan trọng, nhất là trong điều kiện hiện nay và ngay cả khi kênh tắt Quan Chánh Bố đưa vào sử dụng.

Trong khi đó, việc đầu tư nạo vét cửa Định An những năm qua còn hạn chế, chưa tương xứng với vai trò, vị trí, tiềm năng. Từ năm 2010 đến đầu năm 2011, tại khu vực cửa Định An, độ sâu cốt luồng chỉ đạt 1,9 - 2,5 m; tàu 3.000 tấn ra vào rất khó khăn, khiến lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua 15 cảng trên sông Hậu giảm mạnh qua từng năm. Cụ thể, năm 2009, có gần 7.900 lượt tàu với hơn 16,6 triệu tấn hàng hóa được thông qua; nhưng đến năm 2010, chỉ còn hơn 1.400 lượt tàu ra vào, với 3,36 triệu tấn hàng hóa; năm 2011 giảm xuống còn chưa đến 1.200 lượt tàu... Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, bình quân mỗi tháng chưa tới 100 lượt tàu, tổng lượng hàng thông qua cảng chỉ có 1,37 triệu tấn.

Theo nhiều người, giải pháp tối ưu hiện nay là tiến hành nạo vét luồng Định An để duy trì độ sâu khoảng - 5 m, đảm bảo cho tàu 10.000 tấn đầy tải và tàu có tải trọng lớn hơn, giảm tải ra vào được các cảng biển trên sông Hậu. Giải pháp này cần kinh phí đầu tư khoảng 300 tỉ đồng nạo vét trên quy mô lớn (dài khoảng 7 km, rộng 200 m, độ sâu cốt luồng từ - 5 m đến - 5,5 m)…

Trung Dân

>> Ngược dòng sông Hậu
>> Xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Hậu
>> Lấp hố xoáy đe dọa sạt lở bờ sông Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.