Khát vọng dựng xây đất nước

12/12/2012 03:50 GMT+7

Sáng nay 12.12, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 10 chính thức khai mạc tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Đại hội có chủ đề: Khát vọng tuổi trẻ dựng xây đất nước và khẩu hiệu hành động: Tuổi trẻ Việt Nam xây hoài bão lớn, rèn đức, luyện tài, đoàn kết, sáng tạo, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổ quốc và trách nhiệm của thanh niên

Những người trẻ đầy nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến cho Tổ quốc
Những người trẻ đầy nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến cho Tổ quốc - Ảnh: Ngọc Thắng 

Trong khuôn khổ đại hội, chiều 11.12, các đại biểu đã sôi nổi tham gia thảo luận tại 10 trung tâm. Không chỉ bàn luận những vấn đề thời sự như: bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, việc làm, đấu tranh với tiêu cực…, các đại biểu còn hiến kế nhiều mô hình, cách làm hay cho Đoàn.

Lên tiếng trước cái xấu, đấu tranh với tiêu cực

Tại diễn đàn “Tuổi trẻ làm theo lời Bác - Sống đẹp sống có ích”, anh Trần Đình Long, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, cho rằng việc học tập và làm theo tấm gương của Bác nên được giáo dục từ thiếu nhi. Theo anh Long, từ những câu chuyện về đạo đức Bác Hồ phong phú và sinh động, Đoàn có thể hệ thống hóa để giáo dục thanh thiếu niên, đồng thời kiến nghị với Bộ GD-ĐT xây dựng thành môn học đưa vào nhà trường.

 

1.000 đại biểu tham dự Đại hội

Đại hội sẽ tổng kết, đánh giá công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 9; xây dựng mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 10, năm 2012-2017; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đoàn. Đại hội sẽ tiến hành bầu Ban Chấp hành T.Ư Đoàn, bầu Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Ban Bí thư T.Ư Đoàn khóa 10.

Đại hội có sự tham dự của 1.000 ĐB là cán bộ, đoàn viên ưu tú đại diện cho trên 7 triệu thanh niên các dân tộc, tôn giáo, lực lượng vũ trang, doanh nhân, trí thức, công nhân, nông dân, học sinh sinh viên, đoàn viên thanh niên đang học tập ở nước ngoài. Trong đó, có 202 ĐB có trình độ học vấn từ thạc sĩ trở trên; 668 ĐB có trình độ lý luận chính trị trung, cao cấp. Độ tuổi bình quân của ĐB dự đại hội là 29,8.

Sáng qua 11.12, sau khi dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội Đoàn toàn quốc đã tiến hành phiên làm việc thứ nhất, thông qua quy chế làm việc. Đại hội bầu Đoàn Chủ tịch, Ban Thẩm tra tư cách ĐB.

Phan Hậu

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: “Đoàn hiện nay có nhiều lợi thế thúc đẩy phong trào thanh niên biết sống đẹp, sống trung thực và dám lên tiếng, đấu tranh với thói xấu, hành vi tiêu cực”.

Đừng chạy theo số lượng

Thảo luận về chủ đề: “Xây dựng Đoàn vững mạnh, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân”, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang Mai Sơn nêu việc áp đặt chỉ tiêu số lượng, năm sau thường phải cao hơn năm trước là áp lực không nhỏ khiến nhiều chi đoàn cơ sở phải chạy cho đạt chỉ tiêu.

Theo anh Sơn, số lượng thanh niên ở các khu dân cư thường xuyên biến động, do sự chuyển dịch về cơ cấu lao động, nhu cầu việc làm. Theo anh Sơn, công tác phát triển Đoàn không nên đặt nặng về chỉ tiêu số lượng mà cần có độ mở, tạo ra môi trường cạnh tranh, chọn lọc để có đội ngũ cán bộ Đoàn thực sự chất lượng.

Mạnh dạn bổ nhiệm 8X, 9X làm lãnh đạo

Tại phiên thảo luận về nguồn nhân lực trẻ xây dựng đất nước, nhiều đại biểu (ĐB) đã chia sẻ mô hình hay, cách làm đột phá để trọng dụng, phát huy nguồn lực trẻ. Theo Chánh văn phòng Thành đoàn Đà Nẵng Nguyễn Hà Thảo Chi, lãnh đạo TP không ngần ngại đặt người trẻ chúng tôi vào vị trí này để chúng tôi có cơ hội được cọ xát, trải nghiệm, trưởng thành”. Không chỉ động viên, khích lệ tinh thần, TP còn hỗ trợ vật chất, nơi ăn chỗ ở cho các cán bộ trẻ có năng lực để họ yên tâm cống hiến.

Bí thư Tỉnh đoàn Khánh Hòa Hồ Văn Mừng cũng cho rằng Đảng và Nhà nước cần có các cơ chế tương tự như dự án 600 trí thức trẻ tình nguyện, để tạo điều kiện cho người trẻ có cơ hội cọ xát, trưởng thành, cống hiến.

Để không thất nghiệp

Các ý kiến tại trung tâm thảo luận “Thanh niên lập nghiệp” đã phản ánh cụ thể các vấn đề đặt ra nhu cầu lập nghiệp, những vướng mắc, khó khăn mà thanh niên gặp phải trong quá trình khởi nghiệp. ĐB Bùi Văn Đoan, đến từ Hòa Bình, cho hay ở nông thôn còn nhiều thanh niên, thậm chí học đại học ra, nhưng không có việc và không biết bắt đầu từ đâu. ĐB Đỗ Văn Bình (Quảng Trị) cũng thẳn thắn: “Công tác định hướng nghề nghiệp mới dừng lại mùa vụ. Đến mùa thi tập hợp học sinh lại tư vấn. Có thời gian phong trào đổ vào trường luật, ra trường ồ ạt, cử nhân luật thất nghiệp làm trái ngành, có người lại trở về lao động phổ thông. Đây là vấn đề không nhỏ, gây lãng phí nguồn nhân lực, lãng phí tiền bạc”.

Vậy Đoàn làm gì giúp thanh niên khởi nghiệp và không thất nghiệp? Anh Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Thanh niên công nhân và đô thị (T.Ư Đoàn), cho rằng cần có nghiên cứu phân luồng, định hướng nghề nghiệp triển khai đồng bộ từ phổ thông, để thanh niên còn nhận thức nghề nghiệp đúng đắn, có tình yêu lao động và có khát vọng khởi nghiệp”. Đại diện Bộ GD-ĐT cũng khẳng định trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với Đoàn tập trung tổ chức hướng nghiệp cho thanh niên thông qua hệ thống trường học, các trung tâm giáo dục thường xuyên… để giúp thanh niên có nhận thức, định hướng đúng đắn về lao động, nghề nghiệp, từ đó có cơ hội việc làm cao hơn.

Bảo vệ Tổ quốc cần tinh thần xung kích tình nguyện

Câu chuyện về tấm gương hy sinh của thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Phó chỉ huy về chính trị nhà giàn 2A - Phúc Tần được Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy Bộ Tư lệnh Hải quân kể, khiến nhiều người có mặt tại trung tâm thảo luận “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc, Vì bình yên cuộc sống” xúc động. Năm 1990, khi nhà giàn bị cơn bão số 10 quật đổ, sau những ngày lênh đênh trên biển, thượng úy Nguyễn Hữu Quảng đã nhường chiếc áo phao và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất, dành sự sống cho đồng đội để rồi chìm vào lòng biển. “Đã nói đến bảo vệ Tổ quốc là khó khăn gian khổ, là hy sinh, kể cả hy sinh xương máu và hy sinh thầm lặng. Chính vì thế càng cần tinh thần xung kích, tình nguyện”, chuẩn đô đốc nói.

Trưởng ban Thanh niên Quân khu I Nguyễn Hữu Quý chia sẻ trong thời gian tới tình hình thế giới khu vực tiếp tục sẽ có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, nhất là vấn đề biển Đông... từ đó đặt ra nhiều vấn đề mới cả về lý luận và thực tiễn trong bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Để phát huy vai trò của thanh niên trong vấn đề này cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc, yêu nước và sẵn sàng chiến đấu chủ động xử lý thắng lợi các tình huống...

Kỳ vọng của người trẻ

Bên lề đại hội, PV Thanh Niên đã ghi nhận các ý kiến của ĐB về những vấn đề nghị sự và kỳ vọng vào một nhiệm kỳ mới đầy trẻ trung và sáng tạo.

 Thượng úy Lê Ngọc Chung Thượng úy Lê Ngọc Chung: Chúng tôi còn, biển đảo sẽ còn

“Người lính Trường Sa có vinh dự trực tiếp cầm súng canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hãy vững tin vào người lính trẻ trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi còn, biển đảo sẽ còn”, đó là thông điệp của người lính trẻ duy nhất từ Trường Sa về dự đại hội Đoàn.

Thượng úy Lê Ngọc Chung hiện là Chính trị viên, công tác tại Nhà giàn DK1/20, Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Theo Chung, công tác thanh niên trên nhà giàn chỉ có mục tiêu duy nhất: bám sát, thực hiện các bài tập huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nhà giàn, canh giữ biển đảo trong mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Lê Ngọc Chung cho rằng, công tác Đoàn cần tập trung tuyên truyền về chủ quyền biển đảo trong thanh niên, tạo sức mạnh tổng hợp của thanh niên Việt Nam để bảo vệ chủ quyền biển đảo. “Chúng tôi mong muốn chuyển tải thông điệp, những người lính trẻ hải quân luôn đoàn kết, cùng nhau vượt khó khăn gian khổ hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng tất cả ý chí và lời hứa danh dự của người lính, còn người thì còn biển đảo”, anh chia sẻ.

Khang A Chua: Trăn trở về việc làm của thanh niên

Bí thư Huyện đoàn Mù Cang Chải (Yên Bái), anh Khang A Chua là cán bộ Đoàn có nhiều ý tưởng, công trình thanh niên góp phần thay đổi cuộc sống người dân vùng cao.

Khang A Chua chia sẻ, chọn làm đường giao thông là mũi nhọn của phong trào tình nguyện nhưng anh luôn trăn trở vấn đề việc làm và lập nghiệp của thanh niên vùng cao. Không có việc làm, nhiều thanh niên tha hương đi nơi khác hoặc tham gia đội quân mót quặng luôn tiềm ẩn rủi rủi ro đến tính mạng. “Tôi mong muốn, đại hội lần này sẽ có thêm chương trình hỗ trợ, giúp nhiều thanh niên vùng cao được vay vốn đầu tư chăn nuôi sản xuất, hỗ trợ khởi nghiệp, tự tạo việc làm phát triển kinh tế địa phương”, A Chua mong muốn.

 Khang A Chua
 Đặng Tất Dũng Đặng Tất Dũng: Cầu nối đưa thông tin chính thống ra nước ngoài

Kết nối thanh niên luôn là mục tiêu hướng tới của Đặng Tất Dũng (Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Leeds, Vương quốc Anh). Theo Dũng, áp lực lớn nhất chính là nguồn thông tin chính thống. Du học sinh rất mong muốn được về nước cống hiến sau quá trình học tập tại nước ngoài, nhưng còn băn khoăn về cơ chế hiện tại. Thông tin cập nhật về những đổi mới là hết sức cần thiết cho du học sinh. Những vấn đề lớn của đất nước như: chủ quyền biển, đảo du học sinh rất quan tâm, nên cần những nguồn thông tin chuẩn xác.

Nguyễn Minh Triết: Ngôi nhà chung tin cậy của sinh viên

Có nhiều năm hoạt động trong phong trào sinh viên ngoài nước, Giám đốc Trung tâm phát triển và hỗ trợ sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết cho rằng bản thân có những trải nghiệm quý giá, thu lượm nhiều kiến thức về công tác tập hợp, đoàn kết sinh viên, thanh niên để vận dụng và làm tốt công việc hiện tại. Triết cho rằng, thanh niên, sinh viên ngày nay rất năng động, tổ chức Đoàn, Hội nếu hoạt động truyền thống theo phạm vi địa lý thì chưa thể đáp ứng nhu cầu của họ. Góp ý về công tác phong trào sinh viên ngoài nước, Triết mong muốn Đoàn, Hội uyển chuyển, linh hoạt hơn trong công tác tổ chức, đoàn kết tập hợp sinh viên; thiết kế phong trào, hoạt động phù hợp với đời sống sinh viên ở các nước sở tại nhưng vẫn đảm bảo liền mạch, thống nhất với trong nước.

 Nguyễn Minh Triết

Nguyễn Minh Triết chia sẻ những năm tới, Trung tâm phát triển và hỗ trợ sinh viên Việt Nam tập trung các hoạt động nhằm giải quyết, đáp ứng nhu cầu, mang lại lợi ích thiết thực cho sinh viên. Trung tâm sẽ thường xuyên tổ chức khảo sát nắm tình hình, nhu cầu cấp thiết trong đời sống vật chất, tinh thần để hỗ trợ, định hướng sinh viên vào những hoạt động có ích đưa trung tâm thực sự là ngôi nhà chung, đáng tin cậy của sinh viên.

 Tiến sĩ Bùi Trường Giang: Tiến sĩ Bùi Trường Giang: Đoàn đồng hành với thanh niên thời công nghệ số

Trước khi được bổ nhiệm vị trí Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Chủ tịch nước, tiến sĩ Giang từng có thời gian dài gắn bó với công tác thanh niên trên cương vị Bí thư Đoàn thanh niên Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Anh Giang chia sẻ, trong kỷ nguyên số, mạng xã hội trên môi trường internet phát triển sôi động có tác động sâu rộng đến cách thức, hành vi giao tiếp của người trẻ, hình thành nhiều nhóm cộng đồng mạng đa dạng. Đoàn không thể đứng ngoài trào lưu này mà cần đổi mới để nắm vai trò tiên phong, định hướng hoạt động cho cộng đồng thanh niên trên mạng xã hội.

“Trong những năm tới, Đoàn nên tập trung nguồn lực, xây dựng đề án riêng về phương thức kết nối và tập hợp thanh niên Việt Nam ở trong và ngoài nước thông qua mạng xã hội, phát huy vai trò của họ trong các phong trào hành động của thanh niên Việt Nam”, anh Giang kiến nghị.

Anh Giang cũng bày tỏ mong muốn, Đoàn nên tham mưu đổi mới cơ chế tuyển dụng viên chức, công chức, thực hiện trong một thị trường lao động có tính cạnh tranh. Cá nhân có tài năng xuất chúng cần có cơ chế tuyển dụng, đặc cách riêng. Ngoài ra, trong quá trình công tác, công chức và viên chức phải được đào tạo lại, đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ ở môi trường có những thông lệ công vụ tốt nhất.

Phan Hậu

Thảo luận những vấn đề thực tiễn

Anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn kỳ vọng, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 10 sẽ có tính hành động, những nội dung thảo luận tại nghị trường gần gũi với thực tiễn, chạm đến những vấn đề cơ sở quan tâm. Quá trình quán triệt nghị quyết sau đại hội sẽ không chỉ là dịp giới thiệu nội dung nghị quyết mà còn là thời gian để trung ương và địa phương, thanh niên và tổ chức đoàn cùng nhìn lại trao đổi và thống nhất cách làm. Nếu đạt được mục tiêu này, nghị quyết đại hội sẽ đi nhanh, đi sâu vào đời sống.

Phan Hậu

Nhóm PV

>> Đại hội Đoàn toàn quốc lần X làm việc phiên thứ nhất
>> Đại hội Đoàn toàn quốc lần X bắt đầu làm việc
>> Tặng 1.400 áo khoác thanh niên cho Đại hội Đoàn toàn quốc lần X
>> Tâm thư của thanh niên quần đảo Thổ Châu gửi Đại hội Đoàn
>> Lãnh đạo Thành uỷ Cần Thơ gặp gỡ đoàn đại biểu đi đại hội Đoàn toàn quốc
>> Giao lưu trực tuyến trước thềm Đại hội Đoàn
>> Hà Tĩnh: Sôi nổi các hoạt động chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.