Mưu sinh bằng hến sông Bùi

11/12/2012 13:10 GMT+7

Có những người phụ nữ Hà Nội quanh năm dầm mình dưới sông Bùi để cào hến kiếm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày.

Xã Hữu Văn (H.Chương Mỹ, Hà Nội) là một trong những nơi có số phụ nữ làm nghề cào hến nhiều nhất huyện Chương Mỹ.

Nơi họ hành nghề là dòng sông Bùi (tên gọi sông Tích của người dân địa phương) chảy qua khu vực này. Theo người dân ở đây, mùa này là dịp nghề cào hến dễ kiếm ăn nhất bởi khi ấy nước sông Bùi đã cạn nên dễ cào. Vì thế, đi dọc sông Bùi dịp này, hai bên tả, hữu đoạn nào cũng thấy người quăng, kẻ kéo, trò chuyện tíu tít.

Công việc của họ bắt đầu lúc 5 giờ sáng và kết thúc lúc 12 giờ trưa. Ngày ngày phải dầm nước sông, thường xuyên bị nước ăn chân tay, thấp khớp và nhiều bệnh phụ nữ, nhưng họ không thể bỏ nghề vì đây là nguồn thu nhập chính của họ. Hến cào được ngày nào là bán ngay ngày đó. Nếu như phải mang về nhà thì coi như hôm đó cả nhà ăn hến thay cơm.

Ở đây không có nghề phụ, thu nhập chính của các gia đình đều trông vào hến, ốc, trai… là những thứ họ cào được dưới sông Bùi. Buổi chiều, các chị mang bán ở chợ Hữu Văn cho thương lái. Vào mùa hè, hến được giá, thương lái tranh nhau mua, còn mùa đông, khi hến được mùa nhưng nhu cầu ăn hến giảm xuống thì người cào hến thường phải bán tháo cho thương lái nếu như không muốn phải mang về ăn trừ bữa.

Chị Lộc, năm nay mới hơn 30 tuổi, ở đầu thôn Mỹ Thượng, xã Hữu Văn vừa ra sức kéo chiếc cào bắt hến vào bờ vừa chia sẻ cách chống rét: “Nghề cào hến khổ cực lắm, nhất là vào mùa này vì phải dầm nước suốt. Để tránh rét, chúng tôi thường mặc áo mưa”. Họ không dám mặc áo ấm vì sợ ướt, phần vì mặc nhiều sẽ vướng víu, khó chịu khi làm. Vì thế, khi đi cào hến, ngoài các đồ nghề cần thiết như bao tải, cào, rổ thì họ còn chuẩn bị sẵn một bộ quần áo ấm, sạch để thay khi lên bờ.

Bà Phòng, ở thôn Mễ Thượng cùng xã, người có thâm niên đến hơn 30 năm cào hến cho biết: “Trước kia chính quyền xã, thôn cũng dạy cho người dân nghề làm mây tre đan, nhưng được một thời gian thì chẳng ai làm vì thu nhập vừa thấp vừa chậm. Thế nên chị em trong làng chúng tôi lại đi cào hến”.

Đánh vật với dòng sông từ sáng sớm tới trưa nhưng thu nhập của họ cũng chỉ được từ 70.000 - 120.000 đồng mỗi ngày. Đó là chưa kể hôm nào quăng cào ra giữa sông bị mắc, mất cào thì coi như buổi hôm đó trắng tay vì sẽ phải mua mới một chiếc cào hến làm bằng sắt giá khoảng 130.000 đồng. Để tránh mất cào, các chị chỉ buộc sợi dây cào dài khoảng 15 - 20 m để vừa sức quăng, nếu bị mắc cào dưới đáy sông thì còn lội, bơi ra gỡ được. Những người phụ nữ cào hến hầu như đều biết bơi.

Theo bà Thiện, 54 tuổi, ở thôn Mỹ Hạ cũng trong xã Hữu Văn thì “đại đa số đàn bà con gái trong làng chúng tôi đều đi cào hến. Nghề cào hến tuy vất vả nhưng được cái không tốn nhiều tiền sắm đồ nghề, không đòi hỏi trình độ, chỉ cần chịu thương chịu khó là có tiền”. Có lẽ cũng vì thế mà trong nhà bà Thiện, cả con dâu và con gái cũng đang làm nghề cào hến như mẹ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Xuân Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Hữu Văn xác nhận, cào hến là nghề đem lại thu nhập chính cho bà con trong xã. “Đa phần chị em trong xã đi cào hến, suốt ngày phải lặn ngụp dưới sông nhưng may thay chưa có trường hợp nào gặp phải tai nạn hoặc bất trắc gì. Nhiều hộ trong xã xây nhà, nuôi con ăn học cũng là nhờ nghề cào hến”, Ông Thắng tự hào nói.

Đắc Chuyên

>> Mưu sinh mùa rau mứt biển
>> Mưu sinh nơi phố hoa Nguyễn Trãi
>> Mưu sinh trên đồng rau
>> Mưu sinh ở "thiên đường
>> Mưu sinh trên “nóc nhà miền Tây”
>> Lên đời nhờ... bò bía

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.