Học qua việc mở công ty

11/12/2012 03:00 GMT+7

Giáo sư Paul McAfee (Đại học Keuka, Mỹ) bắt đầu giờ giảng môn kinh doanh quốc tế bằng cách yêu cầu toàn bộ sinh viên phải chia nhóm thành lập công ty để học môn này.

151 sinh viên (SV) năm thứ 2 chia làm 4 lớp, tương ứng với 4 công ty. Nhà trường ứng cho mỗi công ty vốn ban đầu là 1 triệu đồng. Các bạn phải tự chọn 1 giám đốc điều hành và 5 giám đốc các bộ phận kinh doanh, bán hàng, kế toán, marketing và sản xuất. Mỗi bộ phận có từ 6 đến 7 thành viên được chọn bất kỳ để cùng nhau phối hợp làm việc.

Ngoài giờ học bình thường, các công ty phải họp chọn sản phẩm kinh doanh, tổ chức sản xuất và lên kế hoạch quảng cáo, tiếp thị, bán hàng. Nếu Công ty Ikonic chọn kinh doanh các loại huy hiệu và quà lưu niệm, thì Công ty O’happiness làm ăn với sản phẩm vòng tay tự thiết kế. Hai công ty khác kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, viết chì khắc chữ, hàng lưu niệm tái chế, hoa hồng giấy… Nói chung là nhắm vào giới sinh viên ngay trong trường và học sinh phổ thông của các trường lân cận.

Thế nhưng yêu cầu của Giáo sư Paul McAfee không chỉ đơn giản có vậy, các công ty phải làm sao để có đơn hàng từ tỉnh thành khác, từ người nước ngoài và thậm chí phải có đơn hàng xuất khẩu được. Uyên Thư, Trưởng bộ phận sản xuất Công ty O’happiness, cho biết đúng là nhờ yêu cầu đó mà công ty của mình đã thông qua Facebook xuất khẩu được cho một đơn hàng sang nước ngoài! Qua đó biết cách gửi hàng đi, khai thuế, thanh toán quốc tế.

Công ty O’happiness cũng đã nhận được khá nhiều đơn đặt hàng với số lượng lớn, thậm chí từ Hà Nội. Để đạt yêu cầu bán hàng cho người nước ngoài, các công ty phải luân phiên nhau mở điểm giới thiệu ở khu phố Tây (TP.HCM), thầy Paul cẩn thận còn quy định điểm bán và nhờ một người bạn có quán cà phê tại khu này hỗ trợ địa điểm và giám sát các SV giúp. Ngoài việc tăng khả năng giao tiếp, những thành viên nhóm bán hàng phải có những câu chuyện hay và cuốn hút về những sản phẩm của mình để giúp cho người nghe cảm thấy thú vị và mua sản phẩm.

Kết thúc 7 tuần, các công ty phải trình bày kết quả kinh doanh để bình chọn đơn vị dẫn đầu và giám đốc điều hành xuất sắc nhất. Trong đó nhóm có tỷ suất lợi nhuận nhiều nhất là O’happiness với vốn ban đầu 1,7 triệu đồng, doanh thu 9,6 triệu đồng. Tất nhiên toàn bộ lương, thù lao của cả tập thể công ty là không hạch toán vô con số này.

Tổng cộng lợi nhuận của 4 công ty là 17,2 triệu đồng, đã được thầy bộ môn cùng tất cả sinh viên biến thành xe đạp, áo, tập vở, bánh kẹo… dành tặng các em nhỏ trong chuyến đến thăm Mái ấm Q.8, TP.HCM sau khi kết thúc môn học.

Với cách dạy môn chuyên ngành kiểu này, SV không chỉ học được kiến thức, kỹ năng qua thực tế mà còn học được bài học giá trị về tình yêu thương, sẻ chia với cộng đồng.

“Trưởng thành hơn, suy nghĩ sâu sắc hơn…” là trải nghiệm của không chỉ một mình Đăng Quang, thành viên một trong 4 công ty với doanh thu 2,5 triệu đồng, về môn học, mà đó còn là suy nghĩ chung của hầu hết các bạn SV theo học chương trình này của  ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.

Ngọc Nga - T.Phước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.