1.000 bí thư chi đoàn nói về chính mình

10/12/2012 09:39 GMT+7

Có chi đoàn nhưng không bao giờ sinh hoạt, phụ cấp bí thư chi đoàn chỉ vẻn vẹn 100.000 đồng/ tháng, hình thức sinh hoạt chưa thu hút thanh niên… - là những vấn đề được các bí thư chi đoàn phản ánh tại buổi gặp mặt 1.000 bí thư chi đoàn do Thành Đoàn Hà Nội tổ chức hôm qua.

Đúng như mong muốn của Thành Đoàn Hà Nội, các bí thư chi đoàn đã nói thẳng, nói thật. Trong khoảng 2 giờ đồng hồ thảo luận, 68 bí thư chi đoàn lần lượt đứng lên chia sẻ những vấn đề họ trăn trở.

 Thanh niên Thủ đô hiến máu
Thanh niên Thủ đô hiến máu - Ảnh: Xuân Phú

Hội nghị không có thời gian để 1.000 bí thư chi đoàn có cơ hội trao đổi, nhưng khi được hỏi họ đều là những người tâm huyết với Đoàn và gắn bó với vị trí bí thư chi đoàn 5 - 7 năm, có người đã chục năm.

Hàn Minh Thu, Bí thư chi đoàn khu dân cư số 4, phường Bưởi, quận Tây Hồ có 7 năm làm bí thư chi đoàn cơ sở.

Thu chia sẻ, nghề nghiệp chính của cô là giáo viên trường Hà Nội Academy, nên mỗi tối cuối tuần cô lại vận động thanh niên trong tổ tham gia sinh hoạt Đoàn.

Đọc báo, sách vở, tiếp thu chỉ đạo cấp trên, Minh Thu đổi mới nội dung sinh hoạt như: mời chuyên gia về dạy lớp học tiền hôn nhân, tổ chức trung thu, tết cho các cháu thiếu nhi…Thế nhưng, khi Thu gặp gỡ từng đoàn viên vận động, họ dội cho gáo nước lạnh: “Chán lắm, tham gia chẳng giải quyết được gì”, hay có người đáp chỏng lỏn: “Tôi bận”.

Thu nói, nhiều lúc cảm thấy cô đơn, vì hò hét mãi các đoàn viên đi dự chương trình nào đó họ đều lấy lý do bận, một mình cô lủi thủi đến dự cho tròn trách nhiệm. Lắm lúc nản cô muốn bỏ vị trí bí thư chi đoàn. Thu quay ra trăn trở, bản thân mình chưa có nhiều kỹ năng để trò chuyện, vận động đoàn viên mà chỉ dừng lại ở triển khai các phần việc từ trên xuống nên có phần khô, cứng.

Thực tế, tình trạng chi đoàn ở các quận đều gặp chung vấn đề, thanh niên tri thức đều đi học, đi làm ở các cơ quan, đơn vị. Số ít ở nhà có trình độ thấp, không mặn mà với hoạt động Đoàn.

6 năm nhận 0 đồng phụ cấp

Câu chuyện kinh phí hoạt động, trợ cấp cho bí thư chi đoàn cũng được các bí thư kêu nhiều nhất. Theo quyết định của UBND TP Hà Nội năm 2008, bí thư chi đoàn tại thôn, tổ dân phố hoặc khu dân cư được hưởng phụ cấp 100.000 đồng/tháng.

 Bí thư chi đoàn Đỗ Lệ Giang trải lòng tại buổi gặp mặt
Bí thư chi đoàn Đỗ Lệ Giang trải lòng tại buổi gặp mặt - Ảnh: Nguyễn Hà

Nhiều ý kiến bí thư chi đoàn chia sẻ, họ tâm huyết với Đoàn nên cố đeo bám, còn 100.000 đồng tiền trợ cấp chỉ gọi là động viên, an ủi, chứ không đủ trả tiền điện thoại, in ấn tài liệu, đi lại... trong các hoạt động.

Tuy nhiên không phải ai làm bí thư chi đoàn cũng được nhận mức phụ cấp được gọi là an ủi đó. Vì nó còn phụ thuộc nguồn ngân sách của quận, huyện, xã, phường, đơn vị nơi họ công tác.

Chính vì thế, có bí thư chi đoàn lăn lộn cả 5 hay 6 năm nay, không nhận được một đồng trợ cấp nào. Đó là trường hợp của bí thư chi đoàn tổ dân phố số 1, phường Phúc La (quận Hà Đông) Nguyễn Huyền Trang. Trang phát biểu tại hội nghị, cô kiêm nhiệm vai trò bí thư chi đoàn.

Là người trẻ, Trang có nhiều ý tưởng, trong đó có việc thành lập các CLB nhảy, múa dân gian, múa lân hay CLB nấu ăn để thu hút, tập hợp đoàn viên, đổi mới hình thức sinh hoạt trẻ trung. Vì vậy, ở chi đoàn do Trang làm bí thư luôn rộn ràng các hoạt động, các đoàn viên cũng kiếm ra tiền khi đem các chương trình đi phục vụ cho các cơ quan, tổ chức khác dịp lễ, tết.

Hay như bí thư chi đoàn thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh kiêm nhiệm phó bí thư Đoàn xã tiền phụ cấp 1 triệu đồng. Giang cho biết, cô phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống.

Bí thư chi đoàn Nguyễn Kiều Vân (quận Hoàng Mai) cho rằng, 100.000 đồng tiền phụ cấp không phù hợp trong điều kiện hiện nay. “Để tránh tình trạng người được bầu thủ lĩnh chưa nóng chỗ đã xin thôi chức bí thư hay đoàn viên được bầu làm bí thư chi đoàn chối đây đẩy thì cần có cơ chế tăng mức phụ cấp”, Kiều Vân nói. Ý kiến của Kiều Vân được cả hội trường vỗ tay tán thưởng.

Quyết tâm đổi mới

 

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng đánh giá cáo cuộc gặp gỡ, đặc biệt khi nó diễn ra trước thềm Đại hội Đoàn toàn quốc. Anh Dũng khẳng định, các ý kiến tại buổi gặp gỡ đã nêu bật vấn đề mấu chốt của Đoàn hiện nay là nâng cao chất lượng chi đoàn. Phát biểu trước chương trình, anh Dũng đã khuyến khích các bí thư chi đoàn cần nói thẳng, nói thật để cùng tìm cách tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc.

Bức tranh sinh hoạt đoàn cơ sở được chính các bí thư chi đoàn vẽ lên rõ rệt. Ở các chi đoàn trực thuộc cấp xã, huyện cũng không sôi nổi là mấy. Anh Nguyễn Duy Dương, Bí thư chi Đoàn xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai cho rằng, Đoàn cần hoạt động thiết thực để giành lại tình cảm của đoàn viên.
Anh Dương cho biết ở địa phương anh, có 80% đoàn viên đi làm công nhân, cán bộ trong các doanh nghiệp, bên ngoài họ có nhiều thú vui để tiêu khiển nên không mặn mà tham gia sinh hoạt Đoàn.

Lo lắng tương lai chi đoàn không có đoàn viên sinh hoạt, anh Dương đề xuất, kết nạp đoàn viên trong khối THCS để luôn có nguồn đoàn viên.

Anh Nguyễn Thế Kiên, Bí thư chi Đoàn xã Thạch Lộc, huyện Phúc Thọ cũng phản ánh tình trạng sinh hoạt Đoàn ở cơ sở không lấy gì sáng sủa. Anh Kiên nói: “Cơ sở vật chất thiếu thốn, thiếu kinh phí, kỹ năng cán bộ Đoàn yếu”…

Ngoài các chương trình văn nghệ, thể thao truyền thống lặp đi lặp lại bao nhiêu năm nay nội dung sinh hoạt Đoàn không có gì đổi mới nên không thu hút đoàn viên là điều tất yếu.

Anh Kiên có sáng kiến, vấn đề tập trung phát triển kinh tế đang được thanh niên quan tâm nhiều nhất hiện nay, nên ở khối thanh niên nông thôn, mỗi bí thư chi đoàn phải là chủ một mô hình kinh tế ăn nên làm ra cho đoàn viên học hỏi.

“Làm được, nói được, thanh niên họ mới nghe và làm theo. Việc lồng ghép các hoạt động Đoàn cũng trở nên dễ dàng hơn”, anh Kiên nói.

Bí thư chi Đoàn Đỗ Lệ Giang thừa nhận bản thân được bầu làm bí thư vì nhiệt tình, còn khi làm bí thư cô mới thấy mình thiếu kỹ năng. Ở thôn Nhuế có khoảng 80 ĐVTN, chưa kể hàng trăm thanh niên ngoại tỉnh đổ về ở trọ nhưng chi Đoàn mới chỉ tập hợp, sinh hoạt được số ít.

“Số thanh niên ở trọ chủ yếu là công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long, họ làm việc giờ giấc thất thường lại hay chuyển trọ, thanh niên địa bàn ít mặn mà với hoạt động Đoàn, mình lại thiếu kỹ năng vận động, kỹ năng tổ chức hoạt động cho số đông”, Giang chia sẻ.

Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà thẳng thắn nhìn vào thực tế sau khi nghe các ý kiến của bí thư chi Đoàn và cho rằng, hoạt động Đoàn của Thành phố đang ở hình chóp ngược.

Các hoạt động ở cấp trên thì phình to nhưng càng ở dưới cơ sở càng teo tóp.

Chị Ngà nói, trước đây chỉ cần một tiếng kẻng là đoàn viên ùn ùn kéo đến sinh hoạt Đoàn, nay người vác tù và ra sức kêu gọi, hò hét cũng có quá ít người hào hứng. Điều này một phần xuất phát từ ý thức đoàn viên, một phần do tổ chức Đoàn chưa có hoạt động hấp dẫn, thu hút đoàn viên.

Chị Nguyễn Thị Ngà, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội cho biết, thời gian tới Thành Đoàn sẽ phát ra 27.000 phiếu điều tra cho 27.000 chi Đoàn cơ sở để điều tra thực trạng hoạt động.

“Đoàn Thành phố sẽ quyết tâm cải tổ, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đoàn từ cơ sở, tuy nhiên phải bắt đúng bệnh mới kê đúng đơn. Việc này cần có lộ trình, còn những ý kiến hôm nay sẽ là tư liệu quý để các đại biểu TP Hà Nội chia sẻ tại các diễn đàn của Đại hội Đoàn toàn quốc”.

Theo Nguyễn Hà / Tiền Phong

>> Á hậu Dương Tú Anh: Nhiệt huyết là sức mạnh của đoàn viên
>> Phát triển đoàn viên không nên chạy theo số lượng
>> Những căn nhà giúp đoàn viên vượt khó

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.