Chấm dứt bằng cách nào?

09/12/2012 03:20 GMT+7

Ngày 6.12 vừa qua, Thanh Niên và nhiều báo đài đều đồng loạt đưa tin việc Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hứa “Sẽ chấm dứt nạn bôi trơn ở các bệnh viện công?”. Bộ trưởng chỉ đạo: “Toàn ngành y tế phải mở một chiến dịch để chấm dứt tình trạng vào viện công phải cái này cái nọ để bôi trơn”.

>> Chấm dứt “bôi trơn” ở bệnh viện

Về biện pháp, bộ trưởng đề nghị “Sẽ phát động trong toàn ngành phong trào “bác sĩ kiên quyết không nhận phong bì bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng không đưa phong bì cho bác sĩ”.

Đọc tiêu đề bài báo, ai cũng phấn khởi. Người đứng đầu ngành y tế đã thừa nhận vấn nạn “bôi trơn” trong các bệnh viện công. Một vấn nạn phổ biến nhưng lâu nay chỉ được “nghe nói” và chỉ ở “một bộ phận”, làm khốn khổ thêm đời sống vốn đã cơ cực của bệnh nhân nghèo. Bởi bệnh nhân giàu thường đến các bệnh viện tư, bệnh viện quốc tế hoặc ra nước ngoài điều trị.

Vấn nạn bôi trơn không chỉ làm xấu hình ảnh cao đẹp của ngành “thầy thuốc”, mà còn xúc phạm lòng tự trọng của một bộ phận khác, những cán bộ nhân viên chân chính của ngành y tế. Nhiều người trong số họ vì “một mình không chống nổi mafia”, không muốn bị cô lập nên đã bị “cuốn theo chiều gió”. Nghe bộ trưởng đặt thẳng vấn đề dứt điểm, quá mừng. Tới chừng nghe biện pháp thực hiện thì hỡi ôi. Lại “chiến dịch” và “phong trào”. Vì chỉ được vài bữa, rồi đâu lại vào đấy, thậm chí còn lậm hơn.

Chống tiêu cực không thể hô hào suông, càng không thể làm kiểu chiến dịch và phong trào được. Phải có biện pháp cụ thể với những bước đi thích hợp. Chống tiêu cực cũng như chữa bệnh. Phải đoán đúng bệnh, kê toa đúng thuốc, uống đúng liều và trị tận gốc. Bệnh đã ung thư di căn mà chỉ xức dầu nóng hoặc cạo gió thì chẳng còn gì để nói.

Trên diễn đàn quốc hội, bộ trưởng y tế còn đề nghị bệnh nhân và người nhà “Hãy chụp ảnh bác sĩ nhận phong bì và gửi cho tôi”. May là các bộ trưởng khác không làm tương tự. Tiêu cực của ngành lại đẩy cho nhân dân. Chả lẽ đi bệnh viện phải mang theo máy ảnh, không có thì đi thuê? Ai dám vừa đưa phong bì vừa rình chụp ảnh trong khi người nhà đang chờ mổ? Không ai “rảnh” cỡ đó đâu.

Mà bác sĩ và nhân viên y tế họ đâu có đòi, chỉ làm khó dễ, nhẩn nha chờ đợi và nhiều cách khó nói khác, người nhà bệnh nhân chịu không nổi và sợ đủ thứ nên phải méo mặt “tự nguyện” thôi.

Gốc của vấn đề ở chỗ khác, không nằm trong bệnh viện. Tai nạn nghề nghiệp trầm trọng xảy ra gần đây trong các bệnh viện là hệ quả của nền giáo dục hỗn loạn. Đó là hậu quả nhãn tiền của nạn chạy điểm, gian lận thi cử, mở trường đại học kiểu phong trào… “Nhân nào thì quả đó”. Khi đi làm, phải chạy việc, phải mua chỗ, mua ghế. Đã bỏ vốn thì phải tìm cách thu hồi. Chưa kể tiền lương và thù lao khám bệnh công phi lý. Đâu phải ai cũng có phòng mạch riêng, cũng có việc làm ngoài giờ để bù đắp thu nhập. Lãnh đạo các cấp chưa gương mẫu, thiếu biện pháp giám sát kiểm tra, xử lý tiêu cực nửa vời, thậm chí không thèm xử lý... Đó mới chính là những vấn nạn gốc, phải giải quyết trước, còn chuyện phong bì chỉ là ngọn, là lá. Gốc chết thì cây khô, lá rụng.

Nếu cứ làm theo hiện nay thì dù có mở mấy trăm chiến dịch, mấy ngàn phong trào và qua mấy chục đời bộ trưởng, thực trạng cứ “Vũ Như Cẩn” (Vẫn như cũ).

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.