Quê ơi!

09/12/2012 03:05 GMT+7

“Ai mua lò, chảo, nồi đất, cà ràng hôn…?”. Tiếng rao mời ấm áp giữa cơn mưa tầm tã trên phố xá Cần Thơ vắng tanh vì giông bão. Chiếc xe đẩy chất đầy hàng hóa cứ băng băng trong gió lạnh. Hai đứa bé gái trạc tuổi 16 lầm lũi đẩy xe với nụ cười thật tự tin. Sao nhớ quê cồn cào tím ruột.

Hồi đó, ngoại và mẹ tôi thường nấu cơm và những món ăn dân dã như cá lóc, rô, sặc, lòng tong, tép rong, cua đồng kho quẹt trong những cái nồi đất đỏ au bắc trên cái lò gạch có ba núm đất mà mẹ nói đó là ba ông bà Táo quân. Có năm thất mùa, cả nhà phải ăn nước mắm kho khô với cơm cháy thơm thơm mùi đất sét. Vậy mà ngon mới lạ. Nồi đất, chảo đất phải đặt trên những chiếc nòng chảo cũng bằng đất, quê tôi thường gọi chúng là cái “cà ràng”. Nồi, ấm, xoong, chảo cỡ nào thì cà ràng cỡ ấy. Có lần tôi sẩy tay làm rơi nồi cá kho xuống đất làm cái chảo cá kho bể tan tành. Tôi quýnh quáng đứng khóc sướt mướt. Mẹ không quở trách còn xoa đầu tôi rồi nói “…lần sau cẩn thận nghe, con gái lớn phải khéo léo, lỡ mai mốt có chồng sơ sẩy thì khổ nghe con…”. Lúc nhỏ anh em tôi thường xúm xít quanh bếp lửa vừa đun củi tre, lá dừa vừa nghe mẹ kể chuyện đời xưa. Tôi nhớ mãi câu chuyện mẹ kể về Phạm Công - Cúc Hoa, Lâm Sanh - Xuân Nương, Mục Liên - Thanh Đề, Tấm - Cám…

Ngoại tôi tuy già nhưng mắt còn rất tỏ, chiều chiều khi có gió bà hay ra khoảng sân rộng phía sau nhà sẩy, sàng gạo bằng những cái nia, cái sàng to đùng rất nhịp nhàng, điệu nghệ. Thấy vậy chớ làm được thật lắm công phu, bằng không gạo sẽ rơi hết xuống đất. Mẹ tôi thì mỗi ngày quang gióng trên vai đi khắp đường làng quê bán bánh canh, bánh lọt cua đồng. Chiếc đòn gánh bằng tre theo năm tháng đã lên nước bóng loáng, trổ màu vàng óng ánh. Ba tôi lại có tài đan lờ, làm trúm rất khéo tay. Xóm tôi ai cũng tìm đến đặt hàng nên không lúc nào ba tôi được rảnh rang từ việc mua tre, trúc phơi khô đến việc vót nan. Không hiểu thực hư ra sao chớ quê tôi rất tin rằng mua trúm, lờ của tay “sát cá” như ba tôi thì mần ăn mới “đậu”. Khi rảnh rỗi tôi thường theo ông đi đặt trúm bắt lươn, đặt lờ bắt cá. Ba tôi còn dùng tre hay dây mây kết thành những chiếc gối nằm ngộ nghĩnh, êm ái để anh em tôi nằm ngủ trưa dưới những bụi tre tàu xào xạc gió.

Thời @ rồi, trẻ con đâu biết gì về những dụng cụ nấu nướng bằng đất nung, những thúng, nia, quang gánh bằng tre, mây, trúc, lát… Người sản xuất cũng dần mai một, mà có làm cũng chẳng mấy ai mua, có chăng chỉ còn những “thượng đế” trong các quán nhậu muốn thưởng ngoạn món nhậu đồng quê chân chất gọi là nhớ tới quê xa. Phụ nữ làm bếp thời nay đã quá quen với bếp gas, bếp điện, bếp từ. Gạo ngon thì vào siêu thị. Lãnh lương tháng kha khá thì cả nhà kéo nhau ra quán thưởng thức những món đặc sản đồng quê. Mưa về thì nhà nhà cửa đóng then cài để mùi quê không vào nhà được.

Có mấy ai còn nhớ đến mùi đất sét quê nhà trong từng chiếc nồi, cái ấm. Có ai nhớ đến những đứa trẻ chăn trâu, thả vịt chạy đồng cười ha hả trong mưa khi bắt được con cá, con lươn. Thị thành còn ai nhịp đòn gánh lắc lẻo trên vai với tiếng rao mời dân dã như mẹ tôi khi xưa.

Vân Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.