Sự ngạo ngược của Bắc Kinh

08/12/2012 04:00 GMT+7

Quấy rối, làm càn nhưng lại lớn tiếng tố cáo nạn nhân là cách ứng xử của Trung Quốc, nước tự hào đang “trỗi dậy hòa bình”.

Chiều 6.12, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Hồng Lỗi ngang ngược tuyên bố: “Việt Nam (VN) nên dừng việc đơn phương phát triển dầu và khí đốt ở khu vực chồng chéo giữa hai nước trên biển Đông”. Ông Hồng còn vu cáo: “VN nên dừng quấy rối các tàu cá TQ để tạo ra bầu không khí đàm phán thiện chí”. Phát biểu trên của ông được đưa ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lương Thanh Nghị ngày 4.12 cho hay VN vừa gửi công hàm phản đối việc TQ gần đây liên tục có những hành động sai trái, xâm phạm chủ quyền VN.

Bóp méo sự thật

Chẳng hề quá lời khi khẳng định tất cả các tuyên bố vừa nêu của ông Hồng Lỗi là hoàn toàn bóp méo sự thật. Không bóp méo sự thật sao được vì chính 2 tàu cá TQ là thủ phạm phá cáp tàu Bình Minh 02 của VN đang thăm dò địa chấn bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa VN. Vụ việc xảy ra tại tọa độ 17o26,2’ vĩ tuyến bắc, 108o02’ kinh đông, thuộc vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa VN, chỉ cách đảo Cồn Cỏ (VN) khoảng 43 hải lý. Vị trí này cách 20 hải lý về phía tây so với đường trung tuyến VN - TQ. Như vậy, không hề có chuyện tàu Bình Minh 02 hoạt động tại “khu vực chồng chéo” như ông Hồng Lỗi tuyên bố. Ngược lại, tàu cá TQ xuất hiện tại khu vực này là phi pháp. Hồi năm ngoái, tàu công vụ và tàu cá TQ cũng từng có những hành động phá hoại tương tự đối với tàu Bình Minh 02 và tàu Viking 02 trên biển Đông.

Về việc thăm dò dầu khí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lương Thanh Nghị hồi tháng 4 cũng đã khẳng định các dự án hợp tác giữa VN với đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí hiện nay đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của VN, phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS).

Vì thế, tuyên bố trên của ông Hồng chẳng khác nào “vừa ăn cướp vừa la làng”. Thói quen xấu này của Bắc Kinh trên biển Đông là điều mà báo chí TQ từng thừa nhận. Hồi tháng 3, chuyên trang quân sự thuộc tờ Hoàn Cầu thời báo của Đảng Cộng sản TQ đăng bài nêu rõ những hành động gây rối của nước này trên biển Đông. Trong phần kết luận, bài viết khẳng định: “Bắc Kinh ngày càng thích gây rắc rối trên Nam Hải (tức biển Đông - NV). Không chỉ cố đạt được lợi ích mà TQ còn “tát” vào các nước láng giềng rồi quay sang cho rằng họ tự đập mặt vào tay Bắc Kinh”.

Thế giới phẫn nộ

Những hành động càn quấy của TQ trên biển Đông không chỉ khiến VN mà nhiều nước lẫn giới chuyên gia quốc tế phải lên tiếng phản đối. Ngày 13.6 năm ngoái, 2 thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb và James Inhofe trình dự thảo nghị quyết lên thượng viện để lên án việc TQ liên tục dùng vũ lực tại biển Đông. Dự thảo nghị quyết còn kêu gọi hướng đến giải pháp đa phương, hòa bình để xử lý các tranh chấp trên biển Đông. Mới đây, trả lời Thanh Niên về việc TQ tự trao quyền cho phép cảnh sát biển kiểm tra tàu bè tại khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, TS James Holmes (Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ) khẳng định: “TQ đang tạo ra một tiền lệ nguy hiểm”. Chuyên gia Swee Lean Collin Koh, thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, thì phát biểu rằng động thái trên của TQ là “nguy hiểm”. Đồng thời, ông khẳng định: “Đến nay, VN luôn cư xử hòa bình tuân theo luật pháp quốc tế”. Tương tự, Phó đô đốc (nghỉ hưu) Hideaki Kaneda, Giám đốc Viện Okazaki của Nhật Bản, vừa trình bày tham luận trước cộng đồng chuyên gia quốc tế để chỉ ra rằng Bắc Kinh là nguy cơ gây bất ổn, đe dọa an ninh hàng hải trên biển Đông.

Thực sự, TQ đang ngày càng hiếu chiến và liên tục gây rối khiến cộng đồng quốc tế lên tiếng. Thế nhưng, Tân Hoa xã ngày 6.12 dẫn lời Tổng bí thư Đảng Cộng sản TQ Tập Cận Bình vẫn khẳng định: “TQ sẽ không bao giờ chạy theo bá quyền và bành trướng”. Tuyên bố này dường như không giống như những gì Bắc Kinh đang hành động.

Trong một diễn biến khác, AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez ngày 7.12 cho biết hội nghị 4 bên, gồm nước này, Malaysia, Brunei và VN về vấn đề biển Đông sẽ bị tạm hoãn. Ban đầu, hội nghị dự kiến diễn ra vào ngày 12.12 tại Manila. Tuy nhiên, ông khẳng định các bên vẫn đang làm việc chặt chẽ cùng nhau.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.