Những người lính lần đầu lên sân khấu

07/12/2012 03:05 GMT+7

Những chiến sĩ thông tin đứng kề nhau thành một khối rồi đu theo nhịp sóng - họ đã múa một bản hùng ca bằng nhịp chân, vòng tay nối về điều hằng tưởng trong lòng người dân Việt Nam. Rằng “Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa - quần đảo đứng hiên ngang thiên hùng ca ngời sáng”…

Cả tuần nay, 50 chiến sĩ trẻ thuộc Binh chủng thông tin liên lạc miệt mài tập luyện cho phần múa phụ họa trong chương trình Khát vọng trẻ 5. Ban ngày, các chiến sĩ vẫn thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, đến tối lại rủ nhau ra khoảng sân rộng của đơn vị… tập múa. Ngày đầu, ai cũng ngượng nghịu vì “đã múa bao giờ đâu”. Sau hai ngày, mọi người quen hơn, mạnh dạn hơn. Thiếu tá Đỗ Trọng Huấn kể: “Có những ngày các chiến trẻ say sưa tập từ 7 đến 10 giờ tối mới nghỉ”. Chiều qua, các chiến sĩ vẫn còn bỡ ngỡ khi lần đầu tiên tập dượt trên sân khấu.

 Những người lính lần đầu lên sân khấu
Phần biểu diễn của các chiến sĩ bộ đội Binh chủng thông tin liên lạc - Ảnh: Trường Sơn

 

Mưa rơi ở Nơi đảo xa

Trong tiết mục Nơi đảo xa, mưa sẽ rơi trên sân khấu. Ông Đinh Nguyễn Ngọc Bảo (Giám đốc kỹ thuật) cho rằng khán giả sẽ ấn tượng mạnh bởi phía trước màn mưa được chiếu đèn laser. Công nghệ laser không phải là mới, nhưng thiết bị sử dụng trong chương trình áp dụng công nghệ mới của Đức, sẽ tạo hiệu ứng hoàn toàn khác lạ. Khát vọng trẻ 5 là chương trình “mở hàng” sử dụng màn hình LED vừa nhập khẩu của công ty cung cấp thiết bị. Với công nghệ mới này, hình ảnh sẽ căng và mịn rõ nét. Những dàn đèn, thiết bị âm thanh được thuê tại Hà Nội, nhưng riêng thiết bị tạo mưa, màn hình LED, máy laser phải được đóng gói, vận chuyển tận TP.HCM ra tới đây. Suốt mấy ngày nay, hơn 100 nhân viên kỹ thuật âm thanh, ánh sáng cả hai miền Bắc - Nam làm việc hết công suất, lắp ráp mọi thiết bị, để mọi thứ phải sẵn sàng cho các buổi tập của các nghệ sĩ.

Họ múa đều tăm tắp như trong một bài tập quân sự. Rồi họ kết tay nhau thành ngàn con sóng, thành mũi tàu ánh thép. Những rắn rỏi mà nền nhạc êm đềm không thể chuyển tải, cánh tay của các anh mang. Những nhớ nhung của hậu phương gửi tới, cánh tay của các anh chờ. Sự phóng khoáng của những đôi tay người lính gợi mở một “biển khơi đang nở rộ ngàn bông hoa san hô”. Nỗi nhớ biển, nhớ đảo ào về da diết qua từng lời ca, từng nhịp múa.

“Người nhạc sĩ đã quên mất lời tôi dặn, bản phối không được quá cầu kỳ, quá khó. Tuy nhiên, việc cắt nhịp, đảo nhịp lại thường xuyên được áp dụng. Chính vì thế, với những người lính bản nhạc này quá phức tạp”, biên đạo múa Hữu Trị nói. Là một đạo diễn “chịu học, chịu làm” nhiều chiêu trò mới, anh cũng vừa ở Pháp về sau chuyến đào tạo đạo diễn cho chương trình ca nhạc. Chủ yếu dựng cho các diễn viên múa chuyên nghiệp, lần cộng tác này với Khát vọng trẻ 5 cho anh nhiều cảm xúc tươi mới. Mới nhất là sự nồng nhiệt của những người lính.

“Tôi nghĩ ai cũng từng thấy sóng ở đâu đó trong đời. Ngay cả trong các bài múa cũng thế”, biên đạo nói. Tuy nhiên, khán giả có mặt tại Cung thể thao Quần Ngựa (Hà Nội) cũng không thể lý giải nổi đã có gì khác biệt để những cơn sóng của Nơi đảo xa lại xao lòng họ đến thế, khiến mắt họ cay xè đến vậy. Trong khi, dù không có nghề, chính họ cũng thấy động tác múa vô cùng giản dị, đủ để bất giác họ cũng múa theo.

Không ít người sẽ thắc mắc vì sao đạo diễn lại không chọn những diễn viên múa chuyên nghiệp trong một số bài hát (Nơi đảo xa, Đoàn giải phóng quân…), mà lại là những chiến sĩ bộ đội không chuyên với những động tác còn chưa thuần thục. “Tôi muốn những nét mộc mạc của các chiến sĩ, thể hiện đúng chất lính trong bài hát. Phần trình diễn có thể còn ngây ngô, nhưng tôi tin khán giả sẽ cảm nhận được những cảm xúc chân thật” - đạo diễn Thái Huân chia sẻ.

Những cú ngã trên sàn tập

Hơn 40 diễn viên múa và nghệ sĩ trình diễn trống tham gia trong tiết mục mở màn. Để có số lượng đông đảo các nghệ sĩ cho riêng tiết mục này, ngoài các nghệ sĩ thuộc vũ đoàn Thăng Long, còn có đoàn múa của Nhà hát Thăng Long và các giảng viên tại Trường cao đẳng Múa Việt Nam. Có tới ba biên đạo múa là NSƯT Quốc Toản, Minh Nghĩa và Hữu Trị cùng tham gia dàn dựng tiết mục mở màn. Ngay trong buổi tập chiều qua, các biên đạo vẫn tiếp tục sửa từng động tác đánh trống sao cho thật mạnh, thật khỏe, từng bước di chuyển cho đúng. Trong những lần tập, có nhiều động tác khó như bay nhảy lên cao, không ít lần các nghệ sĩ bị trượt chân ngã. Các diễn viên múa nhí cũng vất vả không kém. Trong lúc chuẩn bị tới phần diễn trên sân khấu vào lúc chiều tối, các bậc phụ huynh đã kịp “nạp năng lượng” cho con.

Trinh Nguyễn - Minh Ngọc

>> Khát vọng trẻ 5: Bay bổng và đầy lạc quan
>> Khát vọng trẻ
>> Khát vọng trẻ: Mới và lạ
>> Khát vọng trẻ 4 “dậy sóng”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.