Những nền giáo dục tốt nhất thế giới

06/12/2012 03:25 GMT+7

Phần Lan và Hàn Quốc lần lượt chiếm vị trí số 1 và 2 trong bảng xếp hạng hệ thống giáo dục của 40 quốc gia, vùng lãnh thổ có nền kinh tế phát triển.

Bảng xếp hạng trên nằm trong một nghiên cứu hệ thống giáo dục của 40 quốc gia, vùng lãnh thổ vừa được công ty giáo dục Mỹ Pearson công bố. Nghiên cứu này so sánh từ chi tiêu công cho giáo dục, tuổi đến trường, lương giáo viên, tỷ lệ biết chữ, tỷ lệ tốt nghiệp THPT và đại học, theo báo The Telegraph. Nghiên cứu còn so sánh tỷ lệ thất nghiệp quốc gia, GDP, tuổi thọ…Theo đó, Phần Lan và Hàn Quốc đang nổi lên là “những cường quốc giáo dục”, dù hệ thống giáo dục của họ khác nhau.

Hàn Quốc được cho là có hệ thống giáo dục cứng nhắc và chú trọng thi cử, trong khi hệ thống giáo dục Phần Lan lại linh hoạt hơn. Tuy nhiên, cả hai quốc gia này đều chú trọng đào tạo giáo viên giỏi, xem trọng trách nhiệm và có một “sứ mệnh đạo đức” nhằm đề cao nỗ lực đào tạo.

Theo sau Phần Lan và Hàn Quốc lần lượt là Hồng Kông, Nhật, Singapore, Anh, Hà Lan, New Zealand, Thụy Sĩ và Canada. Trong khi đó, Úc và Mỹ lần lượt được xếp ở vị trí 13 và 17.

Ở khu vực Đông Nam Á, ngoài Singapore, Thái Lan và Indonesia cũng lọt vào bảng xếp hạng nói trên, lần lượt chiếm vị trí 37 và 40. Trưởng cố vấn giáo dục Michael Barber của Pearson nhận định với BBC rằng những nước được xếp hạng cao cọi trọng giáo viên và  có một “văn hóa” giáo dục. Theo nghiên cứu, sự thành công của các nước, vùng lãnh thổ ở châu Á trong bảng xếp hạng trên phản ánh giá trị cao của giáo dục và những kỳ vọng của cha mẹ. Nghiên cứu được đăng tại http://thelearningcurve.pearson.com.

Nghiên cứu còn nêu ra một số bài học cho các nhà hoạch định chính sách. Theo đó, ném tiền vào giáo dục hiếm khi cho ra kết quả như ý muốn và thay đổi mang tính cá nhân cũng ít có tác động lớn. Giáo dục đòi hỏi sự chú ý mang tính hệ thống, tập trung, nhất quán và lâu dài mới có thể đạt sự tiến bộ. Kế đến là giáo viên giỏi rất quan trọng đối với nền giáo dục chất lượng cao. Việc phát hiện và giữ chân họ chưa hẳn là vấn đề lương cao. Thay vào đó, giáo viên cần được đối xử như những nhà chuyên nghiệp, chứ không phải là những kỹ thuật viên trong cổ máy giáo dục khổng lồ. Ngoài ra, hệ thống giáo dục cần xem xét những kỹ năng nào mà người học cần trong tương lai để dạy.

Minh Trung

>> Phải đầu tư cho giáo dục
>> Chất lượng giáo dục: Cần nhìn nhận khách quan
>> Phương pháp giáo dục rất dáng suy ngẫm
>> Nên tách phổ cập giáo dục với đào tạo trong nhà trường
>> Từ đại học đến lập nghiệp
 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.