Kể chuyện đánh B52: Rối nước cũng “tham chiến”

06/12/2012 03:25 GMT+7

Chừng như đánh B52 bằng tên lửa chưa “đã”, sau khi về hưu năm 1990, ông Đinh Thế Văn tiếp tục “đánh” B52 bằng mô hình rối nước, thêm một vở lạ mắt cho làng rối nước Đào Thục có gần 300 năm tuổi này.

Sau những vinh quang

Trong những thước phim hiếm hoi hiện còn lưu giữ, người ta thấy hình ảnh Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi thăm trận địa ngay sau khi khói bom B52 vừa dứt. Đó là trận địa Chèm, nơi tiểu đoàn 77 của Đinh Thế Văn chốt giữ. Đạo diễn Đặng Việt Tùng hồi tưởng: “Tôi nhận lệnh đi ghi hình Chủ tịch nước và Đại tướng đến thăm trận địa, lòng cứ thấp thỏm hình dung về khuôn mặt vị tiểu đoàn trưởng mà mình sẽ gặp sắp tới có giống như lời đồn đoán trong anh em quân đội bấy giờ không? Hồi đó, rất nhiều anh em lính tên lửa truyền nhau câu này: “Thằng Văn nó sờ được gáy Mỹ rồi đó, phải học tập tiểu đoàn 77 của nó”. Có lẽ “bí mật” bắn B52 theo kiểu “ná cao su” (bắn đón đầu - PV) khiến đám lính bấy giờ gắn cho Đinh Thế Văn nhiều giai thoại”.

 Ông Đinh Thế Văn (trái) và đạo diễn Phạm Việt Tùng trước thủy đình - nơi diễn ra múa rối nước của làng Đào Thục
Ông Đinh Thế Văn (trái) và đạo diễn Phạm Việt Tùng trước thủy đình - nơi diễn ra múa
rối nước của làng Đào Thục - Ảnh: Trần Đăng

Tôi lại tò mò: “Như bác Tùng nói, đơn vị nào lãnh đạo tới thăm ngày ấy được xem như gương điển hình, thế nào cũng được phong anh hùng và thủ trưởng đơn vị đó cũng sẽ nhận vinh quang như thế. Vậy tiểu đoàn 77 và bản thân bác thì sao?”. Ông Văn nhìn xa xăm: “Tiểu đoàn 77 thì phong anh hùng ngay sau đó, còn tôi thì không”. Đạo diễn Tùng chen vào: “Ông Văn lấy vợ là con nhà địa chủ mà, sau cải cách, “đánh” xuống còn phú nông, anh hùng thế nào được mà hỏi!”. Nghe ông Tùng nói thế, ông Văn chống chế: “Đó cũng chỉ là đồn đoán thôi. Nhưng mới đây, ban chính sách của binh chủng có đề nghị tôi làm lại hồ sơ để phong anh hùng. Tôi nghĩ, tiểu đoàn 77 của tôi được vinh dự nhận danh hiệu cao quý ấy là tôi vui rồi. Riêng bản thân mình, tôi đã cống hiến cả đời cho quân đội, được đến tuổi 75 như bây giờ đã là quá “anh hùng” rồi. Chỉ thương cho bao anh em đồng chí của mình hy sinh lúc họ còn trẻ quá”.

Được trò chuyện và đi chơi cùng ông Văn ngót hai ngày, tôi hiểu, đó không phải là câu “vờ khiêm tốn” của vị đại tá cựu binh này. Nhìn đôi mắt già nua rớm nước của ông khi nhắc về những bạn bè ngã xuống năm 1972, tôi tin ông đã trải lòng. Ông Văn là người luôn nhận phần khó về mình, thời còn trong quân ngũ cũng thế, giờ vẫn vậy. Như ông nhận khó về mình khi chạy vạy khắp nơi để cho phường múa rối nước của làng Đào Thục quê ông “sống” được đến bây giờ là một ví dụ.

Giữ hồn dân tộc

Hôm tôi và đạo diễn Phạm Việt Tùng về làng Đào Thục thì thời điểm múa rối cho Tây xem đã qua. “Mỗi tháng có hai lần thôi, nếu cháu về sớm một tuần thì sẽ xem được, còn bây giờ mà huy động diễn viên ra múa cho nhà báo... chụp ảnh như yêu cầu thì tốn kém lắm”. Ông Văn lại cười hì hì, “khoe” hai chiếc răng sót lại, trông đến là thương.

 Thủy đình làng Đào Thục
Thủy đình làng Đào Thục - Ảnh: Trần Đăng

Đào Thục vốn là làng có phường rối nước truyền thống từ thời vua Lê Ý Tông (1735). Gần 300 năm qua, trải bao biến thiên của lịch sử nhưng phường rối nước thì vẫn được con cháu của làng nối nghiệp cha ông. Bố ông Văn - cụ Đinh Văn Viết, vốn là “ông bầu” của phường rối nước, trước khi qua đời có dặn con trai, bấy giờ còn tại ngũ: “Sau này, nếu có điều kiện, con nên tiếp tục giữ gìn truyền thống rối nước của làng mình, đừng để mai một là có lỗi với tiền nhân”. Khi về hưu, ông Văn không những làm cái việc là “giữ gìn” như lời bố dặn mà còn cùng với các nghệ  nhân của làng sáng tác thêm những vở diễn mới, đặc biệt là vở 12 ngày đêm Hà Nội.

Ông kể: “Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, làng này quá khó khăn trong việc đi lại. Những tháng mưa lũ, làng gần như bị phong tỏa bởi bùn lầy. Mỗi lần diễn vở, khán giả cũng chỉ là bà con trong làng. Tiền thù lao cho “diễn viên” được huy động trong từng nhà, người dăm cân thóc, kẻ con gà, cân thịt. Tôi nghĩ, nếu tiếp tục “vận động” kiểu này, trước sau gì cũng rất dễ “giải tán” phường rối nước. Thế là tôi xuống Hà Nội, gõ cửa nhiều cơ quan để xin tài trợ. Có người mách cho tôi là đến Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc mà “gõ” thì trúng. May quá, tôi gặp GS Hoàng Chương, Giám đốc trung tâm và “trình bày hoàn cảnh” với ông. Ông theo tôi về làng Đào Thục, trực tiếp xem rối nước và rất tâm đắc. Từ đấy, có đoàn khách nước ngoài nào mặn mà với văn hóa cổ truyền Việt Nam là GS Chương cũng dẫn họ đến xem. Rồi các công ty lữ hành cũng bắt đầu đưa rối nước Đào Thục vào tour của họ. Cũng nhờ rối nước Đào Thục được đưa vào địa chỉ tham quan nên H.Đông Anh đã đầu tư làm 3 km đường nhựa vào làng. Không có cái anh rối nước này thì không biết đến bao giờ dân Đào Thục mới có con đường như hôm nay, làng Đào Thục mới xây được thủy đình làm chỗ diễn rối rất bề thế như bây giờ. Các nghệ nhân của làng cũng không phải “giật gấu vá vai” hoặc đi gõ cửa từng nhà để xin tài trợ mỗi lần diễn nữa”.

Bây giờ, mỗi tháng 2 lần, khách nước ngoài nào thích rối nước, họ lại vượt 30 km từ Hà Nội về Đào Thục để xem. Bên cạnh các vở diễn truyền thống của làng, người ta lại thấy có vở 12 ngày đêm Hà Nội.  

Gặp gỡ nhân chứng Đối mặt với B52

Gặp gỡ nhân chứng Đối mặt với B52

Ngày 4.12 tại Thư viện Hà Nội, Nhà xuất bản Trẻ phối hợp với Công ty Tomorrow Media tổ chức giới thiệu cuốn sách Đối mặt với B52 và gặp gỡ một số nhân chứng trong cuốn sách này. Cuốn sách được thực hiện với sự góp mặt của 116 nhân chứng của 12 ngày đêm trong trận chiến lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12.1972. Trong số những nhân chứng lịch sử, có các phi công MiG-21 nổi tiếng: Trần Hanh, Phạm Tuân, Vũ Đình Rạng... cùng các sĩ quan tên lửa, quân chủng phòng không-không quân, các nhà báo, đạo diễn điện ảnh và các bác sĩ ở BV Bạch Mai, người dân sống ở phố Khâm Thiên là những nơi bị tàn phá bởi B52.

Việt Chiến

Trần Đăng

>> Kể chuyện đánh B52 - "Sổ đỏ"

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.