Tấm chăn chiên cho viên phi công Mỹ

04/12/2012 03:15 GMT+7

Từ 58 Quán Sứ, trụ sở của Đài tiếng nói Việt Nam, sang Chèm thuộc huyện Đông Anh non 30 cây số nhưng các phóng viên phải đi ô tô mất 6 tiếng, chỉ để ghi vài khuôn hình viên phi công Mỹ bị bắt trong đêm 18.12.1972.

Viên phi công “mở hàng”

Đạo diễn Phạm Việt Tùng gọi đó là viên phi công “mở hàng” cho một loạt giặc lái bị bắt sống trong Chiến dịch 12 ngày đêm. Ông chẳng nhớ tên viên phi công ấy nhưng khuôn mặt với tất cả nỗi sợ hãi của kẻ bại trận thì ông chẳng thể nào quên. Ông Tùng nhớ lại: “Tất cả các phóng viên của Đài tiếng nói Việt Nam lúc đó đều phải trực chiến, sẵn sàng lên đường ngay trong đêm mà Mỹ đánh bom Hà Nội bằng B52. Lầu Năm Góc khẳng định rằng pháo đài bay B52 của họ là bất khả xâm phạm. Điều đó đã trở thành động cơ để bộ đội tên lửa của ta hạ quyết tâm bắn rơi cho bằng được máy bay B52. Và chúng tôi cũng phải ghi cho bằng được những cảnh “nóng hổi” nhất về việc bắt giặc lái”.

Tin bộ đội tên lửa bắn rơi B52 ngay trong đêm 18.12 và còn bắt sống cả phi công Mỹ làm phấn chấn tất cả mọi người. Ông Huỳnh Văn Tiểng, bấy giờ là Phó giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, giao việc ngay trong đêm cho Phạm Việt Tùng: “Cậu tìm mọi cách để sang Đông Anh ghi cho bằng được khuôn mặt viên phi công vừa bị bắt ấy nhé”.

Tấm chăn chiên cho viên phi công Mỹ
 Viên phi công Mỹ bị bắt trong đêm 18.12.1972 - Ảnh chụp lại từ phim của đạo diễn Phạm Việt Tùng

Hai phóng viên quay phim là Phạm Việt Tùng và Vi Trọng Toán cùng một lái xe, loại xe của Romania “vừa đi vừa đẩy” đã lên đường khi mặt trời chưa ló dạng. Phà sông Hồng buổi sớm hôm ấy không biết có sự cố gì  mà người cứ đùn lại. Chiếc ô tô cà khổ nhích từng chút một. Cuối cùng rồi nhóm làm phim cũng sang được bờ bắc sông Hồng, trực chỉ Đông Anh, lòng họ rối bời lo nghĩ: có bắt được viên phi công Mỹ không hay lại… tuyên truyền cho toàn dân phấn khởi? Dọc đường đến Đông Anh là cảnh hoang vắng đến đìu hiu của một vùng quê vừa phải chịu đêm đầu tiên hứng bom B52 Mỹ.

 

Tôi biết, một bác nông dân nào đó, khi nhường tấm chăn chiên của gia đình mình cho kẻ thù mới tối qua còn trút bom tơi bời xuống làng quê mình, những đứa con của bác ấy đã phải chịu rét thêm một chút

 Đạo diễn Phạm Việt Tùng

Sang đến Đông Anh, ông Tùng được dân quân tận tình dẫn ra cánh đồng Phù Lỗ, nơi họ vừa bắt được viên phi công Mỹ trong đêm. “Nó rơi xuống chỗ này này! Dân quân đang giam nó trong nhà kho của hợp tác xã kia kìa!”.  

Nghĩa cử “san sẻ”

Theo yêu cầu của nhà báo, dân quân mở cửa nhà kho hợp tác xã. Một khuôn mặt vừa thiểu não vừa sợ hãi lờ mờ hiện ra. Theo suy nghĩ của ông Tùng lúc bấy giờ, ông muốn chứng minh cho thế giới biết là viên phi công đã bị bắt tại Việt Nam chứ không phải “Bắc Việt dựng chuyện” nên ông phải đưa anh ta ra ngoài để ghi hình. Cạnh nhà kho của hợp tác xã có bụi tre thật to, ghi được cảnh “có bụi tre” ấy vào phim thì thế giới mới tin là bắt phi công Mỹ ở Việt Nam! “Tiếng Đức, tôi còn võ vẽ dăm ba câu chứ tiếng Anh thì chịu. Ấy vậy mà viên phi công cũng hiểu “ý đồ” của chúng tôi nên hắn đứng bật dậy khi nhìn cánh tay tôi “nói” với hắn” - ông Tùng hài hước.

Khi ánh sáng rọi vào nhà kho đã bắt đầu dần rõ, ông Tùng quá đỗi ngạc nhiên khi nhìn trên người viên phi công chỉ độc chiếc áo cộc tay. Sắp Noel rồi, rét thế này thì chịu sao nổi kia chứ! Nỗi sợ hãi dù có đến đâu đi nữa thì cũng không thể chống chọi được với giá buốt. Ông Tùng nghĩ vậy rồi quay sang anh dân quân hỏi vì sao không cho gã giặc lái kia mặc quần áo. Anh ta thật thà: “Không thể cho hắn mặc quần áo ấm được! Biết đâu trong đó có điện đài, hắn liên lạc với đồng đội đến giải vây thì sao?”. Nghe anh dân quân nói thế, ông Tùng tròn mắt!

Thấy viên phi công tái nhợt vì rét, ông Tùng nghĩ: “Đưa anh ta ra ngoài trời để ghi hình mà ăn mặc thế này thì không “phải đạo” cho lắm nên tôi bảo anh dân quân tìm cho viên phi công một tấm chăn để hắn khoác lên người. Nghe thế, một giọng đàn ông đang đứng trong sân phơi của hợp tác xã vang lên đanh thép: “Cho hắn chết! Không chăn màn chi cho cái ngữ ấy!”. Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười, có phần “ác” nữa, nhưng vào thời điểm đó, có chứng kiến cảnh bom rơi đạn nổ tan tành, nhà cửa cháy ngút trời, người chết la liệt sau mỗi đợt rải thảm của B52 thì mới thấy sự tức giận kia là “có lý”. Cũng nói cho hả thế thôi chứ cuối cùng rồi dân quân cũng tìm cho viên phi công một tấm chăn chiên. Người Việt Nam mình là vậy, điên lên là chơi tới cùng nhưng khi thấy người ta “ngã ngựa” rồi thì lại đối xử tử tế với họ ngay. Tôi biết, một bác nông dân nào đó, khi nhường tấm chăn chiên của gia đình mình cho kẻ thù mới tối qua còn trút bom tơi bời xuống làng quê mình, những đứa con của bác ấy đã phải chịu rét thêm một chút. Hà Nội những năm chiến tranh còn rất khó khăn, đâu phải nhà ai cũng có chăn ấm nệm êm như bây giờ. Vì vậy, nghĩa cử “san sẻ” ấy của bác nông dân đã làm cho mấy anh em quay phim của chúng tôi ám ảnh suốt đường về”.

Ông Tùng đưa tôi ngang qua cánh đồng Phù Lỗ. Cảnh cũ người xưa giờ không còn nữa. Cái nhà kho của hợp tác xã năm ấy đã nhường chỗ cho tòa ngang dãy dọc, nhà cửa lô nhô. “Nếu còn sống, anh ta cũng đã ngót bảy mươi rồi. Và nếu hỏi ông ta nhớ gì nhất ở Việt Nam, ông ta sẽ nói “nhớ tấm chăn chiên của mùa đông năm 72 nhất”. Chắc chắn là như thế”. Bác Tùng lại bùi ngùi. Mới đó mà đã 40 năm…

Trần Đăng

>> Máy bay quân sự Hàn Quốc rơi, phi công mất tích
>> Tuyển phi công kiểu Trung Quốc
>> Làm phi công đâu phải dễ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.