Học kỹ năng thoát hiểm

04/12/2012 03:05 GMT+7

Kỹ năng thoát hiểm cần được chú trọng hơn. Nhận diện tình huống

Kỹ năng thoát hiểm cần được chú trọng hơn.

Nhận diện tình huống

Theo chuyên viên tâm lý Đào Lê Hòa An, Phó giám đốc Công ty Ý tưởng Việt, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể gặp nhiều tình huống nguy hiểm, bất ngờ xảy ra, như: hỏa hoạn, kẹt trong thang máy, gặp yêu râu xanh (đối với phái nữ), bị lợi dụng, bị áp chế tinh thần… Trong đó, người bị nạn thường ở thế bị động, chưa có kinh nghiệm ứng phó và nếu không xử trí kịp thời, sẽ chịu nhiều hậu quả đáng tiếc về sức khỏe, tinh thần, vật chất.

Tại buổi nói chuyện chuyên đề “Kỹ năng ứng phó với tình huống nguy hiểm trong cuộc sống” diễn ra  giữa tháng 11 vừa qua tại Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM, không ít thanh niên đã chia sẻ những trường hợp cần cảnh giác. Một  sinh viên Làng  ĐH Thủ Đức kể có lần  đang đi xe máy đến gần cầu vượt Linh Xuân thì có mấy người nói dừng xe cho họ hỏi đường. Khi vừa ngừng lại, chiếc túi đựng máy tính xách tay lập tức bị giật. 

 Học kỹ năng thoát hiểm
Trích từ đoạn phim Đối phó cướp xe của thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

Một nạn nhân khác cũng là sinh viên, bức xúc thuật lại chiêu  trò lừa đảo bản thân gặp phải: “Một người giả dạng học sinh xin đi nhờ xe máy của tôi. Lát sau, có 2 đối tượng khác bám theo, chỉ mặt tôi bảo: “Tại sao mày dám đánh em tao?”. Đứa  đi xin nhờ xe hùa về phe tôi, ra sức bảo vệ tôi: “Không phải đâu, chắc mấy anh nhầm người rồi”. Lúc đó, mấy đối tượng kia nạt nộ: “Mày biết cái gì mà xía vô!”. Rồi tụi nó ra lệnh cho tôi: “Mày qua xe tao chở, còn thằng kia (chỉ người đi nhờ xe) chạy theo tụi tao đến chỗ này làm rõ đầu đuôi câu chuyện”. Sau đó, người đi nhờ xe đã “bị lạc đường” và chiếc xe cũng mất dạng.

“Hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Văn Minh Tiến (38 tuổi, người đã thực hiện khoảng 400 vụ truy đuổi tội phạm cướp giật tại TP.HCM) cảnh báo: “Khi đi trên đường, nếu thấy đối tượng cứ chạy theo mình trong phạm vi 3 - 5 m thì rất có khả năng đang bị cướp bám đuôi. Không cần biết chúng là nam hay nữ, mặc đồ đẹp hay xấu”. 

“Nguyên tắc vàng” ứng phó             

Theo những chuyên viên tư vấn, điều cần thiết là rèn luyện kỹ năng quan sát và nhận diện các tình huống nguy hiểm thường gặp trên internet và ngoài xã hội để phòng tránh. “Kỹ năng kêu cứu cũng cần phải được rèn luyện. Không nên kêu “bớ người ta!” chung chung vì họ nghĩ bạn đang kêu người nào khác chứ không phải họ. Thay vào đó, phải có chủ thể rõ ràng, chẳng hạn: “Anh ơi/Chú ơi! Nó cướp xe của em! Đuổi theo nó giùm em với!”, chuyên viên tâm lý Đào Lê Hòa An góp ý.

Ông Hòa An cũng thẳng thắn bày tỏ: “Nếu gặp những người thích khoe “của quý”, các cô gái không nên hoảng loạn mà bình tĩnh nói: “Nhỏ xíu mà còn bày đặt khoe!”. Chắc chắn nghe xong câu đó, đối tượng sẽ tiu nghỉu”. Theo ông Hòa An, một số “nguyên tắc vàng” ứng phó những tình huống nguy hiểm, đó là: chuyển từ thế bị động sang thế chủ động; tận dụng tất cả những ưu điểm của mình đang có (hét to, chạy nhanh...).

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TPHCM chia sẻ: “Không có công thức chung cho thoát hiểm mà phải tùy tình huống cụ thể. Dựa trên vốn hiểu biết ban đầu là những gì đã xem, đã học, chúng ta có thể giữ cho tâm trí bình tĩnh, từ đó phân tích tình huống hiện tại để có hướng xử lý linh hoạt, như: dùng gậy ông đập lưng ông; lợi dụng sơ hở tấn công vào những chỗ hiểm của đối phương...”. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Khắc Hiếu, cách phòng vệ an toàn nhất là chủ động không để rơi vào những tình huống nguy hiểm, không nên tạo những sơ hở để kẻ xấu có thể ra tay. Hơn nữa, cần phải biết phòng vệ từ xa, tức là nghĩ trước những tình huống nguy hiểm và chuẩn bị những phương thức đối phó.

Thạc sĩ Khắc Hiếu khuyên: “Nếu thấy tên cướp quá manh động, hung hãn thì hãy giữ an toàn tính mạng là trên hết, nên để “của đi thay người”. Thật ra, đó cũng là một trong những kỹ năng thoát hiểm. Nó đến từ quyết định của lý trí, có sự phân tích tình thế để chọn lựa phương án phù hợp chứ không phải từ sự sợ hãi, nhắm mắt buông xuôi”.   

Như Lịch

>> Công an trẻ học kỹ năng giao tiếp
>> Sinh viên học kỹ năng quản lý tài chính
>> Nhiều quỹ đầu tư ngoại “thoát hiểm”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.