Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 4: Nuôi chim trĩ

30/11/2012 03:41 GMT+7

Thành công với nghề nuôi chim trĩ, sau chưa đầy 4 năm, anh Nguyễn Xuân Thao ở H.Đông Sơn (Thanh Hóa) đã trở thành tỉ phú...

>> Kỳ 3: Làm giàu nhờ vỏ trấu

Khi chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Thao cũng là lúc mấy người khách từ các huyện lân cận tới mua chim giống. Chị Thiều Thị Lan, vợ anh Thao, vừa hướng dẫn khách thăm trại nuôi chim trĩ, vừa luôn miệng xin lỗi vì không còn con giống để bán. Chị nói phải chờ đến tháng 3, tháng 4 sang năm mới có. “Bây giờ bắt đầu vào đông, có gió mùa nên chim trĩ không đẻ nữa. Lứa chim cuối cùng trong năm nở cách đây ít ngày, khách đặt mua gần hết, gia đình cũng chỉ giữ lại được 100 con nuôi gối đàn thôi. Phải đợi sang xuân ấm áp, chim trĩ mới đẻ trở lại...”, chị Lan giải thích.

Trang trại của anh Nguyễn Xuân Thao ở xóm 1, thôn Triệu Tiền, xã Đông Tiến, H.Đông Sơn (Thanh Hóa), điện thoại số 0986963259.

Năm 2000, vợ chồng anh Thao dồn đổi đất canh tác và đất ở của gia đình với bà con trong xóm được 5.500 m2 tại khu vực cánh đồng Bái Giắt, thôn Triệu Tiền để lập trang trại chăn nuôi. Dốc hết vốn liếng dành dụm được, vay thêm ngân hàng, vợ chồng anh đào ao thả cá, nuôi ba ba, lợn, bò, vịt. Nhưng sau gần mười năm vất vả, gia đình anh chẳng khá lên chút nào. Vốn liếng đã ít ỏi lại ngày càng hao hụt vì giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, đầu ra thì bấp bênh. Rồi dịch bệnh, mưa lũ nhiều lần làm anh chị mất trắng.

Năm 2009, đang nuôi 3.000 con vịt đẻ thì hết tiền mua thức ăn cho vịt, giá trứng lại rớt thảm hại, gia đình anh lâm vào cảnh khó khăn, thiếu thốn tứ bề. Khi hai vợ chồng đang không biết xoay xở ra sao thì tình cờ anh Thao xem ti vi thấy một chủ trang trại ở Hà Nam nuôi thành công loài chim trĩ cổ đỏ. Vậy là ngay sáng hôm sau, vét trong nhà còn hơn một triệu bạc giắt lưng, anh bắt xe đi Hà Nam. Sau khi tham quan, tìm hiểu, anh quyết định mua 2 cặp chim giống với giá 1 triệu đồng về nuôi.

Sau hơn 3 tháng chăm sóc, thấy những con chim trĩ thích nghi và phát triển tốt, anh mạnh dạn vay tiền, trở ra Hà Nam mua thêm 40 con chim trĩ vừa mới nở 2 ngày tuổi. Rồi anh tự mày mò tìm tài liệu học cách chăm sóc, cho chim trĩ sinh sản. Khi cho nở thành công lứa chim trĩ đầu tiên bằng cách nhờ gà ấp, vợ chồng anh quyết định bán hết đàn vịt, tập trung vào nuôi chim trĩ... Sau 2 năm kiên trì nhân đàn, đến đầu năm 2011, gia đình anh có 500 chim trĩ bố mẹ (350 chim cái, 150 chim trống) chuyên để nhân giống và hơn 1.000 con chim trĩ thương phẩm cung cấp cho các nhà hàng lớn ở Thanh Hóa.

“Nuôi con chim trĩ thực ra không khó như mọi người vẫn tưởng. Nếu ai đã từng làm trang trại nuôi gà thì việc tiếp cận, đưa chim trĩ vào chăn nuôi hết sức đơn giản. Ưu điểm của loại chim này là ăn ít, sức đề kháng với bệnh tật tốt, tỷ lệ nuôi sống cao hơn gà rất nhiều, giá trị kinh tế lại rất cao”, anh Thao chia sẻ. Hiện nhu cầu chim trĩ giống và chim trĩ thịt ở Thanh Hóa khá lớn, trang trại của anh Thao không thể đáp ứng kịp. Nhiều người muốn mua chim trĩ giống phải đặt tiền trước vài ba tháng mới có. Còn các nhà hàng thì thường xuyên yêu cầu ký hợp đồng cung cấp chim thịt lâu dài, nhưng hiện anh chỉ dám ký hợp đồng cung cấp cho một nhà hàng.

Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ
Nuôi thành công chim trĩ, gia đình anh Thao trở nên giàu có - Ảnh: Ngọc Minh

Cũng theo anh Thao, bình quân mỗi lứa (từ tháng 3 - tháng 10 hằng năm) một con chim trĩ mẹ đẻ được từ 90 - 110 trứng, nếu cho ấp sẽ nở được khoảng từ 70 - 80 con giống. Với giá bán 60.000 đồng/con chim trĩ giống vừa nở 2 ngày tuổi, bình quân mỗi lứa, đàn chim mái 350 con đã tạo doanh thu gần 1,5 tỉ đồng. Còn chim trĩ thương phẩm, sau khi nuôi từ 5 - 6 tháng có thể đạt 1,5 kg/con, xuất bán giá trung bình 400.000 - 500.000 đồng/kg, doanh thu hằng năm từ 4 - 5 tỉ đồng với khoảng 1.000 chim thương phẩm. Trong hai năm 2011 và 2012, trừ chi phí đầu tư, chi phí sinh hoạt, tiền lo hai cậu con trai học đại học ở Hà Nội, gia đình anh vẫn còn dư khoảng 500 - 700 triệu đồng/năm.

Từ kinh nghiệm nuôi chim trĩ cổ đỏ, anh Thao đã mua giống chim trĩ xanh về nuôi và nhân giống thành công. Hiện nay đàn chim trĩ xanh đang phát triển thuận lợi, cho nguồn thu cao hơn chim trĩ cổ đỏ từ 1,2 đến 1,5 lần. Theo anh Thao, sở dĩ chim trĩ xanh đắt hơn chim trĩ cổ đỏ là vì ngoài giá trị về chất lượng thịt thì chim trĩ xanh còn được nhiều gia đình mua về nuôi làm chim cảnh. Anh Thao đang nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho một số hộ khác cùng làm giàu nhờ nuôi chim trĩ.

>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 2: Nuôi chồn hương
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 3: Làm giàu nhờ vỏ trấu

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.