Đối phó với bệnh quai bị

30/11/2012 09:49 GMT+7

Mọi lứa tuổi và giới tính khi chưa có miễn dịch với virus quai bị đều có thể mắc bệnh quai bị. Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây theo đường hô hấp và có thể gây ra biến chứng, tuy vậy, vẫn phòng ngừa được.

Bệnh dễ lây

Bệnh quai bị do virus họ Myxovirus gây nên. Người đang mắc bệnh quai bị sẽ lây cho người lành chưa có kháng thể chống virus quai bị. Bệnh quai bị khởi đầu là viêm tuyến nước bọt (tuyến mang tai).

Thời kỳ ủ bệnh (nung bệnh) kéo dài khoảng từ vài ba tuần lễ. Sau đó là xuất hiện sốt cao đột ngột (38 - 39oC), kèm theo đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, ngủ kém. Vì vậy trong thời kỳ này có thể nhầm với một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm họng, viêm xoang, phế quản cấp tính.

Sốt cao, kéo dài từ 1 đến 3 ngày thì tuyến nước bọt, hạch lân cận sưng to và nuốt đau. Đầu tiên là tuyến nước bọt và hạch góc hàm một bên sưng, sau vài ngày thì tiếp tục sưng tuyến nước bọt và hạch góc hàm đối diện.

Đặc điểm của sưng tuyến nước bọt là sưng 2 bên thường không cân xứng (một bên sưng to, bên đối diện có thể sưng nhỏ hơn). Một số trường hợp do tuyến nước bọt sưng quá to làm cho cằm, cổ bạnh ra gây biến dạng cả bộ mặt.

Da vùng tương ứng với tuyến nước bọt bị căng, bóng, không đỏ nhưng khi sờ vào vùng da đó thì thấy nóng và người bệnh kêu đau. Đau ở 3 vị trí là góc thái dương - hàm, điểm mỏm xương chũm và góc xương hàm dưới làm cho nhai khó, nuốt khó.

Sốt kéo dài khoảng 10 ngày và khi hết sốt thì sưng tuyến nước bọt cũng giảm dần. Viêm tuyến nước bọt do virus quai bị không bị hóa mủ (trừ khi có bội nhiễm thêm vi khuẩn), đây là một đặc điểm quan trọng trong chẩn đoán bệnh quai bị.

Những biến chứng hay gặp

Biến chứng hay gặp nhất là gây viêm tinh hoàn cho nam giới và viêm buồng trứng cho nữ giới ở lứa tuổi đang dậy thì và cả lứa tuổi trưởng thành (thanh thiếu niên ), có khoảng từ 10 đến 30% viêm tinh hoàn và thường xẩy ra một bên (viêm tinh hoàn 2 bên gặp ít hơn).

Thông thường thì sau khi viêm tuyến nước bọt từ 5 đến 7 ngày thì xuất hiện viêm tinh hoàn. Lúc này sẽ thấy xuất hiện sốt trở lại, đôi khi thân nhiệt cũng tăng cao hơn lúc sốt ban đầu của viêm tuyến nước bọt. Tinh hoàn sưng to, đau.

Khi sờ vào tinh hoàn thấy mật độ chắc và nhìn thấy da bìu bị phù nề rõ rệt, căng, bóng, đỏ. Ngoài ra có thể kèm theo viêm mào tinh hoàn, viêm thừng tinh, thậm chí xuất hiện tràn dịch mào tinh hoàn trong trường hợp nặng. Viêm tinh hoàn kéo dài từ 3 - 5 ngày thì hết sốt.

Tinh hoàn cũng giảm dần độ sưng nề và giảm đau cho đến 3 - 4 tuần lễ sau đó mới hết hẳn sưng, đau. Có bị teo tinh hoàn hay không phải theo dõi vài tháng.

Tuy vậy, tỷ lệ teo tinh hoàn do virus quai bị rất thấp (0,5%). Nếu teo tinh hoàn một bên thì mọi chức năng của tinh hoàn vẫn hoạt động bình thường, nhưng khi teo cả 2 bên thì sẽ có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sinh dục và sinh sản.

Nữ giới mắc bệnh quai bị cũng có thể bị viêm buồng trứng tuy rằng chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp. Một số biến chứng khác như viêm tụy, viêm não, viêm màng não cũng có thể gặp trong bệnh quai bị nhưng không nhiều.

Tuy các biến chứng này với tỷ lệ rất thấp nhưng rất nguy hiểm bởi vì sẽ đe dọa đến tính mạng của người bệnh cho nên cần hết sức cảnh giác. Vì vậy, khi nghi ngờ bệnh quai bị cần đi khám để được điều trị và tư vấn những điều cần thiết

Cách phòng bệnh hữu hiệu

Cần vệ sinh họng, miệng, đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Có thể súc họng, miệng bằng các dung dịch sát khuẩn nhẹ có bán tại các quầy dược phẩm như nước muối sinh lý, a-xit boric 5% và một số dung dịch sát khuẩn khác.

Người bệnh cần nghỉ ngơi tại giường và tránh tiếp xúc với những người chưa có miễn dịch chống quai bị, tối thiểu 10 ngày. Đối với người bệnh có viêm tinh hoàn cũng rất cần nghỉ ngơi tại giường, hạn chế vận động mạnh khi tinh hoàn vẫn còn sưng, đau. Nên mặc xi-lip để treo nhẹ bìu lên.

Khi có nghi ngờ biến chứng viêm tụy, viêm não - màng não phải vào bệnh viện ngay để được khám và theo dõi một cách chặt chẽ. Mặc dù hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh quai bị nhưng các thuốc dùng điều trị hỗ trợ cũng không nên xem thường.

Cần đeo khẩu trang (cả người bệnh và người tiếp xúc) để tránh lây cho người khác. Trẻ em và người trưởng thành khi chưa có miễn dịch với quai bị thì cần tiêm vacxin phòng bệnh. Đây là biện pháp phòng bệnh có hữu hiệu nhất hiện nay.

Theo PGS.TS. Bùi Khắc Hậu / Tiền Phong

>> Phát hiện ung thư tinh hoàn nhờ... que thử thai
>> Nhầm lẫn trong chẩn đoán khiến một nam sinh mất tinh hoàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.