Cổ vật giữa lòng Đà Nẵng - Người đam mê tiền cổ

01/12/2012 03:35 GMT+7

Xuất phát từ một người buôn phế liệu, không chỉ người thân mà ngay cả chính bản thân anh Trương Hoài Tuyên cũng không nghĩ rằng có một ngày, mình đam mê sưu tập đồ cổ đến vậy.

Cổ vật là ngã rẽ cuộc đời

Anh tâm sự, ngày “dấn thân” vào đồ cổ cũng chính là ngã rẽ của cuộc đời mình. Anh nhớ như in: “Năm 1996, trong một lần đi buôn phế liệu, có một người muốn bán cho tôi một hũ tiền đồng. Hồi ấy, giá phế liệu của đồng tương đương 30.000 đồng/kg nhưng người ta đòi bán với giá 40.000. Sau một vài giây chần chừ, thôi tặc lưỡi, mua luôn. Đến khi mang đi bán lại cho mấy người đúc đồng, người ta không chịu mua. Cuối cùng, coi như lỗ chuyến buôn”.

Thỉnh thoảng lúc rảnh, anh tò mò mân mê những đồng tiền cổ và cũng cảm thấy thích thú. Rồi một ngày sau đó không lâu, có hai người ở miền Bắc vào gặp anh đề cập chuyện mua lại hũ tiền này. Nói giá, hai người kia gật đầu ngay khiến anh không khỏi bất ngờ. Sau mới biết họ là những người chơi đồ cổ. Anh đã xin để lại mỗi loại tiền một vài đồng làm kỷ niệm, và được hai người khách giới thiệu, tư vấn chút ít về tiền đồng cổ.

Cổ vật giữa lòng Đà Nẵng - Người đam mê tiền cổ
Anh Trương Hoài Tuyên bên chiếc vò rượu Quảng Đức có hoa văn sóng thủy ba mà anh rất thích - Ảnh: Vũ Phương Thảo

Kể từ đó, những chuyến thu mua phế liệu sau này, anh đều chú ý sưu tầm những đồng tiền cổ ở các vựa phế liệu, rồi tham khảo thêm ở các sách, tầm sư học đạo ở những người chơi tiền cổ các nơi. Thoắt vậy mà đã hơn 15 năm, bộ sưu tập tiền cổ của anh bây giờ đã ngót nghét hơn 200 kg. Cũng từ một người buôn phế liệu, khi gắn bó với tiền cổ anh đam mê sưu tầm, tìm hiểu suốt ngày. Công việc vì thế cũng không được chuyên chú như trước. Cách đây vài năm, anh quyết định giải nghệ, chuyển qua kinh doanh mặt hàng khác. Nhưng riêng thú chơi tiền cổ không những giảm đi mà còn ngày một “nặng” hơn.

Ai nên khôn chẳng dại đôi lần

 

Tiền ban thưởng là những đồng tiền được nhà vua cho đúc riêng, có kích thước lớn hơn, dành để ban tặng cho các quan có công trạng. Ngoài mặt trên có ghi niên hiệu của nhà vua thời đó, mặt sau các loại tiền này được đúc các mỹ tự, viết theo vòng tròn. Những loại này phải đọc theo nghĩa. Ví dụ như: Quốc thái dân an, Du cửu vô cương (Dài lâu mãi mãi), Nhất nhân hữu khánh - Triệu dân lại chi (Một người có phúc, triệu dân được nhờ)…

Anh Trương Hoài Tuyên so sánh chơi tiền cũng giống như chơi tem. Ban đầu là sưu tầm cho phong phú các chủng loại tiền. Sau đó là sưu tầm những đồng tiền nào lạ, có hoa văn độc đáo. Năm 1997 là lần đầu tiên anh biết đến Đại tiền, hay còn gọi là tiền ban thưởng. Đây là đồng tiền Cảnh Hưng thông bảo (đời vua Lê Hiển Tông), anh phải “gồng” mình mua với giá 5 phân vàng. “Tiền ban thưởng ngày xưa giống như huân chương bây giờ, quý lắm”, anh cho biết. Đến bây giờ, bộ sưu tập tiền ban thưởng của anh cũng hòm hòm hơn 20 cái.

Không chỉ sưu tầm tiền cổ, anh còn thích sưu tầm đồ Việt Nam xưa như gốm Quảng Đức, gốm Châu Ổ, gốm Gò Sành cổ, gốm Champa… Căn nhà nhỏ của anh là nơi “tập kết” của những bình vôi cổ, những bình rượu Champa… Trong số đó, anh thích nhất là chiếc vò rượu Quảng Đức có hoa văn sóng thủy ba rất đẹp. Tuy vậy, anh dành riêng cho mình một niềm đam mê tiền cổ đặc biệt. Các loại tiền mà anh sưu tầm có từ đời Hán, Bắc Tống, Khang Hy... đến tiền đời nhà Trần, Lê, Nguyễn. Ngoài các hũ tiền cổ, trong bộ sưu tập của anh còn có cả một nồi tiền cổ nặng hơn 70 kg được tìm thấy cách đây không lâu.

Sau chừng đó năm gắn bó với đồ cổ, tiền cổ, thực tế đã tích lũy cho anh được ít nhiều kinh nghiệm. Từ một kẻ ngoại đạo, lại không chuyên môn khiến công việc sưu tầm của anh gặp không ít sóng gió. Đồ giả cổ làm giả càng lúc càng tinh vi khiến nhiều lúc anh như rơi vào sơ đồ bát quái, và cũng đã không ít lần vấp té. Đôi lúc bỏ ra cả trăm triệu đồng mà mua trúng đồ bị “mìn” khiến những người chơi đồ cổ nghiệp dư như anh đau lắm. Nhưng con chim đã ngã thì sợ cành cong, muốn sưu tầm gì, anh cũng phải cân nhắc lắm, tìm hiểu thật kỹ. Câu chuyện của anh cũng không phải là hiếm, thậm chí khá phổ biến trong giới chơi đồ cổ. Ít ai có thể khẳng định rằng, mình chưa “dính” đồ giả lần nào. Anh cười buồn: “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần hả em?”. Đến bây giờ, anh tự tin mình đã già dặn, đã “ngấm” hơn và có thể phân loại để việc sưu tầm được chính xác.

Chỉ cần nhìn là được

Đến bây giờ, công việc làm ăn không thuận lợi khiến máu sưu tầm đồ cổ của anh bị hạn chế ít nhiều. Dù vậy, cứ nghe thông tin ở đâu có đồ cổ quý, đặc biệt là tiền quý, anh đều không ngần ngại đến tận nơi để xem. Nhiều khi thấy thích lắm, nhưng không đủ điều kiện để mua thì với anh, “chỉ cần đến nơi, nhìn tận mắt thôi là được”, anh Tuyên bộc bạch.

Lần đầu tiên được đưa các hiện vật là công sức sưu tầm của mình ra với công chúng, anh Tuyên cũng như những nhà sưu tập đồ cổ ở Đà Nẵng vui lắm. Ngoài những đồng tiền sưu tập của mình sau hơn 15 năm, anh đã dành tặng bảo tàng một chum gốm Champa còn nguyên vẹn được làm từ thế kỷ thứ 9. Hôm mua được chiếc bình quý này, anh mừng đến nỗi vừa chạy xe, vừa ôm bình mà rớt cả chiếc điện thoại di động trên đường đi khi nào không hay.  

Vũ Phương Thảo

>> Cổ vật giữa lòng Đà Nẵng - Cơ duyên với 300 tượng Phật cổ
>> Cổ vật giữa lòng Đà Nẵng - Nhà sưu tập không... tiền
>> Cổ vật giữa lòng Đà Nẵng - Những nhà sưu tập gốm sứ đất Đà thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.